Nghiên cứu, phân tích tác phẩm văn học là một trong những vấn đề quan trọng nhất của công việc nghiên cứu phê bình văn học. Tuy nhiên thẩm văn là một công việc khó khăn bởi con đường để đi vào thế giới nghệ thuật của người nghệ sỹ không là giản đơn. Hơn nữa trước mắt người phê bình có nhiều cách khác nhau để tiếp cận tác phẩm văn học. Từ sau đổi mới, trong xu thế giao lưu và hội nhập chung của đất nước, đời sống văn học đã có những bước chuyển quan trọng. Với một số phương pháp nghiên cứu mới được du nhập đang ngày càng trở nên thông dụng đối với người nghiên cứu cùng một số phương pháp nghiên cứu trước đây ít nhiều được điều chỉnh, khuynh hướng duy mỹ đã hoán đổi vị thế của nội dung và nghệ thuật trong nghiên cứu phê bình so với trước. Thông điệp được truyền gửi và tiếp nhận là cách tân nghệ thuật đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình hiện đại hóa văn học. Gương mặt nghiên cứu phê bình văn chương trong mấy thập niên qua, vì thế, đã thoát khỏi sự đơn điệu. Không chỉ với những sáng tác văn chương vừa mới ra lò mà nhiều tác phẩm văn học ít nhiều thuộc hàng “di tích” nhưng được soi chiếu dưới một góc nhìn mới vẫn ánh lên những vẻ đẹp mới, đem lại cho người đọc những thú vị bất ngờ.
![](/uploads/editor/files/TKTS/danhhoa1/1252355663463466343.jpg)
GS-TS Trần Đăng Suyền là một nhà văn, một nhà giáo, từng có thâm niên ngót 40 năm đứng trên bục giảng. Một số công trình khoa học của anh như Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao (Chuyên luận, KHXH- 2001), Nhà văn, hiện thực dời sống và cá tính sáng tạo (Tiểu luận phê bình, VH- 2002), Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (Chuyên luận- KHXH- 2010) đã mặc nhiên ghi danh anh vào danh sách những nhà giáo - nhà nghiên cứu phê bình văn chương - nhà văn trên văn đàn. Lặng lẽ, khiêm nhường, anh vừa có ý thức thâm canh trên khu vườn vốn đã chi chít dấu chân nhưng cũng là nơi đưa lại cho anh những thành tựu - giai đoạn văn học 1930-1945, anh vừa hướng đến miền đất mới - văn học đương đại - nơi cũng có bao điều kỳ thú, mới lạ. Và bập vào cái hiện tại đầy biến động, sôi nổi, ngòi bút của anh khơi tìm từ văn phẩm những vẻ đẹp lấp lánh của lao động sáng tạo. Phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học (Nxb GD, 2012) là một chuyên luận có tính thực tiễn sau ngần ấy năm vừa nghiên cứu vừa giảng dạy. Người đọc có thể bắt gặp ở đây kiến văn rộng, sự cẩn thận của một người làm nghiên cứu, sự tinh tế của một người đọc có cảm thụ, có kinh nghiệm khi nhập vào thế giới nghệ thuật của nhà văn và ý thức tìm đến cách tiếp cận tác phẩm văn chương dễ vào, dễ hiểu để mở rộng đối tượng sử dụng. Như anh từng nói trong phần Mở đầu “chuyên luận Phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học không phải là chìa khóa vạn năng để có thể mở được mọi cánh cửa nghệ thuật” nhưng trong chừng mực nào đó những tri thức và phương pháp có tính nhập môn này lại rất cần thiết và có ý nghĩa đối với học sinh sinh viên chuyên ngành văn học và cho cả những ai muốn trang bị cho mình kiến thức để thưởng thức hết vẻ đẹp của tác phẩm văn chương, nhất là trong tình hình văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị văn hóa nghe nhìn lấn át.
Phần I của chuyên luận đã chỉ ra các quy trình và những thao tác cần thiết để tiếp cận và có thể thông hiểu một tác phẩm văn chương. Tác giả công trình cũng đã giới thiệu với người đọc loại hình về các phương pháp nghiên cứu cũng như các phương pháp nghiên cứu tác phẩm văn học thông dụng và chuyên luận này là một trải nghiệm từ thực tiễn của chính bản thân ông. Việc nghiên cứu, phân tích tác phẩm văn học ngoài việc tiếp cận và phân tích trên bình diện nội dung, hình thức và các mối liên hệ nội tại khác - như một khâu chủ yếu của lộ trình, một trong những điều cần thiết được Trần Đăng Suyền rất chú trọng là cần tìm hiểu kỹ hoàn cảnh lịch sử, xã hội, hoàn cảnh bản thân tác giả và cảm hứng nghệ thuật. Đây là những thao tác tưởng nhỏ nhưng rất cần thiết giúp cho việc nghiên cứu, phân tích trở nên thấu đáo hơn. Quy trình để tiếp cận và phân tích trực tiếp tác phẩm văn học, theo anh phải đi từ tổng hợp ban đầu, rồi đi vào phân tích chi tiết cụ thể để cuối cùng là tổng hợp lại. Cấu trúc văn bản nghệ thuật từ những mối liên hệ biện chứng nội tại cần được coi là một khâu quan trọng trong quá trình tiếp cận và phân tích tác phẩm văn học. Đặc biệt tác giả đặt ra yêu cầu trong quá trình nghiên cứu và phân tích, tác phẩm cần được đặt dưới góc nhìn văn hóa và khâu tiếp nhận văn học nhất thiết phải được quan tâm đúng mực. Những thao tác này tưởng chừng không mới đối với người trong nghề nhưng thực tế đối với số đông công chúng lại là không cũ nếu không gọi là mới và trong thực tế trường tác phẩm được mở rộng, lượng thông tin được thu được nhiều hơn. Đương nhiên việc phân tích tác phẩm văn học bao giờ cũng dựa trên đặc trưng của thể loại.
Chuyên luận là một khối thống nhất những bước đi cụ thể, cần thiết để phân tích một tác phẩm văn học. Với nhiều dẫn chứng đắc địa được tác giả trình bày một cách sinh động, chuyên nghiệp, các thao tác thuộc về lý thuyết đã thoát vượt sự khô khan, trừu tượng dễ mắc. Có thể nói độ tin cậy của chuyên luận được tăng cao khi các dẫn chứng đông tây kim cổ đều được ghi chú một cách cẩn thận, tỷ mỷ. Các khái niệm hiện ra cụ thể, các tư tưởng được thể hiện rõ ràng với một lối văn mạch lạc, chặt chẽ nên chuyên luận trở nên dễ đọc và điều đó đồng nghĩa với sự thành công của người viết khi triển khai ý đồ khoa học của mình.
Trong lịch sử văn học từ nửa sau thế kỷ XX trở lại đây đã có nhiều bài viết, công trình đề cập đến việc nghiên cứu, phân tích tác phẩm văn học. Kế thừa thành tựu của những người đi trước, trên cái nền kiến thức của mình, Trần Đăng Suyền đã trình bày khá toàn diện và hệ thống một thứ lý thuyết có tính ứng dụng rất thích hợp với đối tượng mà anh nhắm tới. Chuyên luận có những đóng góp mới trong ý nghĩa đưa ra một khả năng dễ thực thi để đến với thế giới nghệ thuật của nhà văn, khẳng định vai trò chủ động, sáng tạo của người đọc đồng thời cũng khẳng định vai trò của nghiên cứu phê bình trong việc phát hiện các giá trị văn học và nâng cao tiếp nhận cho công chúng.
Phần II của chuyên luận Phân tích một số tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông bao gồm 33 bài phân tích cụ thể ở các tác phẩm trữ tình, tự sự và kịch, từ các trích đoạn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, rồi các thi phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyễn, Tú Xương, đến các nhà thơ hiện đại như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Quang Dũng, Vũ Đình Liên, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Kịch của Sếch-xpia, Nguyễn Huy Tưởng…Các tác phẩm này là những dẫn chứng sinh động, cụ thể cho phương pháp phân tích mà Trần Đăng Suyền đã đưa ra ở phần I. Trong thực tế gần như các tác phẩm này đã được nhiều người phê bình, nhiều nhà giáo thử bút và những tác phẩm này không nằm ngoài chương trình giảng văn trong nhà trường phổ thông. Trần Đăng Suyền với cách tiếp cận của mình đã dắt tay độc giả đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn theo lối đi của mình, chỉ cho độc giả thấy được cái đẹp, cái hay trong từng tác phẩm cụ thể ká thuyết phục. Vẫn biết cái mênh mông của văn chương và cái hữu hạn của chương trình, tôi vẫn muốn giá như anh có thể mở rộng hơn điều anh đã khép lại trong chuyên luận. Văn học đương đại cũng có những tác phẩm hay. Diễn đàn này đang sôi động bởi những tác phẩm có những cách viết lạ, không giống với truyền thống và đang càng ngày càng có sức hút với bạn đọc trẻ. Anh có thể làm phong phú hơn, đa dạng hơn chuyên luận của mình bằng sự gia tăng những dẫn chứng, những bài phân tích cụ thể về văn học đương đại.Và chắc chắn là ở đó, anh bộc lộ mình rõ hơn.
Nghiên cứu, phân tích tác phẩm đúng và hay sẽ rút ngắn khoảng cách giữa văn học và đời sống, sẽ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cho người đọc, thực hiện tốt chức năng chân thiện mỹ mà bất cứ một người cầm bút nào cũng đều hướng tới. Môi trường sư phạm- đó là nơi học sinh, sinh viên là một lực lượng bạn đọc trẻ, đông đảo và có chất lượng, là nơi phần lớn những giảng viên tâm huyết thường cũng là những nhà nghiên cứu phê bình danh giá trên văn đàn. Từ nhu cầu thực tiễn của công việc khi hàng ngày phải đối mặt với những độc giả có chất lượng, từ vị trí của người truyền lửa, các nhà giáo là những người cùng tạo nên gương mặt đời sống nghiên cứu và phê bình văn học xưa nay.
Tôi hy vọng Trần Đăng Suyền trong những bước đi sắp tới bởi bút lực anh đang ở vào độ chín, bởi anh có nhiều thời gian hơn cho công việc viết lách vốn như một nỗi đam mê không chỉ từ khi trên ghế giảng đường.
Tôn Phương Lan