Côn Đảo mê đắm khách muôn phương

03/11/2016 08:56

Theo dõi trên

Côn Ðảo là điểm đến hấp dẫn khách du lịch ở Việt Nam. Ðặc biệt, vào mùa hè khi các nơi khác nóng nực, thì ở Côn Ðảo thật dễ chịu. Khách có thể đắm mình trong làn nước trong xanh, mát rượi, có thể thả bộ bên những bãi tắm nguyên sơ, miên man bước vào những khu rừng nguyên sinh, đến thăm những di tích lịch sử nổi tiếng, cùng bạn bè thưởng thức những hải sản nướng thơm lừng đậm chất biển mà không phải nơi nào cũng có được…



Chùa Núi Một

Đền Bà (Bà Phi Yến) ở Côn Đảo

Đền Bà (Đền Bà Phi Yến) ở  Côn Đảo là chốn linh thiêng, gắn liền sự tích trung liệt của người vợ thứ chúa Nguyễn Ánh khi thất thế trước quân Tây Sơn năm 1783, đã mang theo vợ con và gia quyến lánh nạn vào đảo Côn Sơn. Tại đây, ông cùng những người dân chài đã lập nên 3 làng: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Nguyễn Ánh có ý định đưa con của mình là Hoàng tử Cải sang Pháp cầu viện đánh lại quân Tây Sơn. Thấy vậy, vợ thứ của Nguyễn Ánh là bà Phi Yến đã can ngăn việc làm đó. Quá bực tức, Nguyễn Ánh nổi giận nghi bà thông đồng với quân Tây Sơn, định giết bà nhưng quân thần can xin, nên Nguyễn Ánh đã không giết mà nhốt bà Phi Yến vào một hang đá trên một hòn đảo vắng (nay gọi là Hòn Bà).

Khi nhận được tin quân Tây Sơn ra đánh đảo Côn Sơn, Nguyễn Ánh đã đưa Hoàng tử Cải xuống thuyền bỏ chạy. Mặc dù mới 4 tuổi, nhưng Hoàng tử Cải vẫn một mực đòi phải có mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận Nguyễn Ánh đã ném Hoàng tử Cải xuống biển. Xác Hoàng tử Cải trôi vào bãi biển Cỏ Ống, và dân làng đã chôn cất hoàng tử. Còn bà Phi Yến sau đó được một con cọp đen cứu sống, mang về gần khu mộ Hoàng tử Cải để bà ở đó. Dân làng cất cho bà căn nhà và ở đó cho đến một ngày hội làng, có kẻ đồ tể sàm sỡ, bà đã tuẫn tiết sau đó.

Tiếc thương người phụ nữ trâm anh, yêu nước, dân làng đã lập nên Miếu thờ bà. Miếu đó còn đến ngày nay ở Côn Đảo, được dân gian truyền tụng rất linh thiêng. Hằng năm, vào ngày 18/10 âm lịch tại đây thường diễn ra lễ hội trang trọng do nhân dân trên đảo, và du khách tới du lịch Côn Đảo tổ chức để tưởng niệm và ghi nhớ công ơn của bà Phi Yến.



Dâng hương ở đền thờ Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo

Ngày 2/1/1862, ngay sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông thuộc Nam kỳ, Côn Đảo bắt đầu hình thành hệ thống nhà tù tàn bạo, để lưu đày, giam giữ những người chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ Sài Gòn cũ. Chúng cho xây dựng hàng trăm xà lim, phòng giam, phòng biệt lập trong các hệ thống Nhà tù Côn Đảo và ít nhất 18 sở tù để đày ải những người yêu nước và tù chính trị làm lao dịch khổ sai.

Hệ thống nhà tù Côn Đảo thời Pháp bao gồm các trại giam Bagne (Banh) I - hay còn gọi là Trại Phú Hải, Bagne II - Trại Phú Sơn, Bagne III - Trại Phú Thọ - Biệt lập chuồng gà, Bagne III phụ - Trại Phú Cường, Biệt lập Chuồng Bò, Chuồng Cọp.  Khu biệt lập Chuồng Bò do thực dân Pháp xây dựng năm 1876, và được Mỹ mở rộng thêm vào năm 1963. Cao điểm nhất vào năm 1942, nhà tù Côn Đảo đã giam cầm, đày ải trên 4.400 chiến sĩ, sĩ phu, đảng viên yêu nước. Nhiều phòng giam lẽ ra chỉ giam cầm từ 40 - 50 tù nhân, nhưng chúng lại giam đến cả trăm người, có những người tù đã bị chết vì thiếu không khí. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Côn Đảo, năm 1955, Mỹ ngụy tiếp quản Côn Đảo. Chúng xây dựng thêm 4 trại giam mới gồm Trại 5 (Trại Phú Phong); Trại 6 (Trại Phú An); Trại 7 (Trại Phú Bình - Chuồng Cọp kiểu Mỹ) và Trại 8 (Trại Phú Hưng). Mỗi trại tù có 2 dãy, mỗi dãy có 48 phòng giam biệt lập. Những người tù bị chúng đưa về đây để tra xét tàn bạo với những công cụ tra tấn rùng rợn, phi nhân tính. Mỹ - ngụy sử dụng các hình thức tâm lý chiến, tra tấn, nhục hình nhằm trấn áp cả thể xác lẫn tinh thần của người tù Côn Đảo.

Ngày nay, từ một “địa ngục trần gian” Côn Đảo giờ đây là một quần đảo thiên đường với vẻ đẹp quyến rũ, bí ẩn nhất Thế giới. Các trại trong hệ thống nhà tù Côn Đảo vẫn còn đó với 9 trại tù trại Phú Hải, trại Phú Sơn, trại Phú Thọ, trại Phú Tường, chuồng Cọp Pháp, khu biệt lập Chuồng Bò, trại Phú Phong, trại Phú An, Chuồng Cọp Mỹ, trại Phú Hưng.

Hệ thống nhà tù Côn Đảo được mở cho công chúng đến tham quan những chứng tích, tố cáo tội ác của giặc Pháp và Mỹ trong suốt 113 năm, đã có hơn 20.000 chiến sĩ yêu nước vĩnh viễn nằm lại Côn Đảo. Các chứng tích như: cầu tàu 914 (914 người chết khi xây dựng), nghĩa trang Hàng Keo, nghĩa trang Hàng Dương, mộ chị Võ Thị Sáu, cầu Ma Thiên Lãnh… là những địa danh lịch sử ghi dấu bao thăng trầm của chiến tranh. Năm 2012 Nhà tù Côn Đảo được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt…




Du khách tham quan nhà tù Côn Đảo

Đền thờ Côn Đảo

Đền thờ Côn Đảo được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương xây dựng từ năm 2008 để tưởng niệm, ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, tại Côn Đảo; đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phát huy giá trị khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Đền thờ tọa lạc trên diện tích gần 30.000m2 phía trước nghĩa trang Hàng Dương. Công trình có mức đầu tư gần 100 tỷ đồng được tài trợ bởi nhiều doanh nghiệp trong cả nước.

Quá trình xây dựng đền thờ ở nơi quần đảo xa xôi này là cả một khối lượng công việc hết sức phức tạp và gian nan. 3 loại nguyên, vật liệu chính phục vụ cho công trình là đá, gỗ và ngói gốm được chế tác, gia công và sản xuất theo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật rất phức tạp và được thực hiện ở rất nhiều địa phương trong nước. Đã có hơn 600m3 đá, được lấy từ Thanh Hóa, Ninh Bình, Bửu Long (Biên Hòa). Gỗ xây dựng công trình là lim xanh, còn gọi là thiết lim, được mua từ Lào với khối lượng lên đến gần 2000m3, được vận chuyển về cơ sở của nghệ nhân Trần Văn Thơ (xã Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định) để gia công, chạm trổ. Sản phẩm gồm cột, vì kèo, xuyên, trến, xà ngang, bộ đấu, trụ tiêu..., trong đó có những cột đường kính đến nửa mét, chiều dài hơn 8m. Khâu khó nhất và mất nhiều thì giờ nhất là việc chạm khắc để tạo hình các linh vật và tạo các hoa văn trang trí như rồng, hoa lá, long vân, lá lửa, chân mây...

Ngói để lợp mái đền thờ là ngói gốm dạng cổ, mang đặc trưng truyền thống Việt Nam. Xưởng gốm của ông Vương Mẫn Vinh ở Lái Thiêu, Thuận An (tỉnh Bình Dương) là cơ sở phục vụ ngói cho đền thờ liệt sĩ Côn Đảo. Khoảng 3000m2 các loại ngói lợp, ngói liệt, ngói úp nóc, ngói ống, ngói diềm cho công trình này. Điều đáng nói là, hầu hết các công đoạn sản xuất loại ngói này đều làm thủ công hoặc nửa thủ công. Đền thờ Côn Đảo là công trình của những tấm lòng, là nghĩa cử tri ân của những người con Việt Nam hôm nay dâng lên các bậc tiền nhân. Công trình nghệ thuật kiến trúc đẹp đẽ này xứng đáng được đứng bên tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước, tượng đài của khát vọng tự do, tượng đài của sự hy sinh cao cả của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã vì Tổ quốc Việt Nam mà mãi mãi yên nghỉ trên mảnh đất Côn Đảo thiêng liêng.



Nghĩa trang Hàng Dương

Rộng 190.000m2, gồm 3 khu: khu A, khu B và khu C. Theo số liệu ước định có khoảng: 20.000 tù nhân đã chết ở Côn Đảo. Tuy nhiên không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương, mà còn nằm ở khu vực Chuồng Bò, sau dời lên Hàng Keo. Khi Hàng Keo kín chỗ, bọn Pháp mở nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù, ước tính khoảng 6.000 tù nhân bị giết hại chôn ở đây. Khu A nghĩa trang, nơi có phần mộ cụ Nguyễn An Ninh và đồng chí Lê Hồng Phong là những ngôi mộ đầu tiên. Có lúc mỗi ngày có 15 đến 20 người tù chết, bọn chúng mang ra chôn chung một hố. Năm 1944, khi khu A hết chỗ chôn, bọn địch mở rộng nghĩa trang làm khu B, phần mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu chôn ở đây. Nghĩa trang Hàng Dương được bảo tồn như một di tích lịch sử đặc biệt, với hàng ngàn nấm mộ có tên và không tên là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân đối với đất nước, con người Việt Nam.

Ở Côn Đảo còn có các danh thắng như Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) tọa lạc trên đỉnh núi Một, du khách đến đây có thể ngắm hồ An Hải, toàn cảnh thị trấn Côn Đảo và Vịnh Côn Sơn… Hòn Bà là hòn đảo lớn thứ 3 trong số 16  hòn đảo ở Côn Đảo. Tại đây du khách được hòa mình vào thiên nhiên với bãi biển tuyệt đẹp, hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn đa dạng sinh học. Đó còn là Hòn Bảy Cạnh để chứng kiến loài rùa biển tập trung sinh sôi ở đây; rồi lặn biển ngắm san hô nhiều màu sắc cùng nhiều loài cá tôm quấn quýt bên du khách.

Đó còn là Hòn Tài tựa như bức tranh sơn thủy giữa biển khơi, sinh động cùng những chú sóc mun, chim biển, gầm gì trắng, tắc kè, kỳ đà, khỉ mặt đỏ,v.v; Hòn Cau có ngôi làng cổ từ thời vua Gia Long với tên “Xóm Bà Thiết”. Hơn nữa đây còn là một di tích lịch sử, nơi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước, trong đó có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hòn Cau là nơi duy nhất trong số các đảo ngoài khơi trong quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngầm, nơi bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm như: rùa biển, yến sào..; Hòn Tre lớn có nhiều san hô rất đẹp và có bãi cát nơi rùa biển đẻ trứng, nghỉ ngơi thư giãn và tắm biển; Vịnh Đầm Tre là một điểm du lịch hoang dã với cảnh quan tự nhiên tuyệt mỹ, kín gió. Du khách có thể tham quan rừng ngập mặn, bơi lặn ngắm san hô; Cảng Bến Dầm giúp du khách có thể trải nghiệm cảnh sinh hoạt đời thường của ngư dân địa phương. Nước biển ở đây trong và xanh hơn bất cứ nơi nào, tắm biển ở đây thật thú vị; Bãi Đầm Trầu là bãi biển đẹp nhất ở Côn Đảo, là một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Côn Đảo. Bãi Đầm Trầu nằm ngoài Vườn Quốc gia Côn Đảo, cách sân bay Cỏ Ống 12km về phía Tây Bắc, với diện tích 3,3ha; Bãi Nhát, nơi du khách có thể thả mình với thiên nhiên tại bãi biển, ngắm nhìn hoàng hôn từ từ qua Đỉnh Tình Yêu. Bãi Nhát chỉ xuất hiện vài giờ một ngày. Các thời gian khác bãi biển này chìm ngập trong nước và ít được người biết đến; Bãi Suối Nóng một bãi biển còn giữ nguyên nét hoang sơ, với bãi cát trắng phẳng lì và một hệ sinh thái rừng ngập mặn hiếm có ở hòn đảo khác. Du khách còn có thể thăm Cơ sở nuôi cấy ngọc trai, để tìm hiểu quy trình nuôi cấy ngọc và chiêm ngưỡng những viên ngọc trai tuyệt đẹp từ vùng biển Côn Đảo… Đến Côn Đảo du khách còn được thưởng thức các món hải sản ngon, độc đáo mà không phải ở đâu cũng có, đó là Cua mặt trăng, Ốc vú nàng, Sá sùng, mắm hàu, mắm Nhum, ghẹ, các loại cá biển được đánh bắt trong khu vực ngon ngọt tươi rói. Đặc biệt ở Côn Đảo có món gỏi cá mập (cá Nhám). Một món ăn đặc sắc đã hút hồn thực khách từ lâu.




Du khách trải nghiệm câu cá

(Theo Báo Du Lịch)

Nguyễn Cường
Bạn đang đọc bài viết "Côn Đảo mê đắm khách muôn phương" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.