Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc một cách bền vững, các địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực - tỉnh An Giang là một điển hình.
Ưu tiên bảo tồn vốn chữ Khmer
Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú An Giang là mô hình dạy nghề nội trú cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây muốn học nghề, con em ở Tri Tôn, Tịnh Biên phải ra tận thành phố Long Xuyên, cách nhà trên 50km. Vất vả, tốn kém nên rất ít người theo được. Một số em quyết tâm nhưng cũng bỏ dở nửa chừng vì kinh tế gia đình không có.
Em Châu Sóc Kone - học sinh Trường Trung cấp nghề DTNT chia sẻ “Trước đây em cũng được đi học chữ nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên phải nghỉ. Giờ đây được học nghề trong một ngôi trường gần nhà, lại được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, em vui lắm. Em quyết tâm học thật giỏi để có được nghề nghiệp ổn định, giúp đỡ gia đình thoát nghèo”.
Đến nay, riêng tỉnh An Giang có 9 trường Dân tộc nội trú (DTNT) cấp tỉnh, 15 trường cấp huyện, hằng năm có trên 6.400 học sinh Khmer theo học. Giáo viên dạy chữ Khmer được hưởng phụ cấp thêm 50% lương, học sinh dân tộc Khmer được miễn học phí, hưởng chế độ chính sách ưu đãi, được cấp dụng cụ học tập và mượn sách giáo khoa. Riêng học sinh trong hệ thống trường DTNT được Nhà nước chăm lo toàn bộ từ học hành, ăn, ở và các chế độ khác.
Đời sống tinh thần của đồng bào cũng được cải thiện khi các trạm tiếp sóng phát thanh - truyền hình được đầu tư xây dựng ở Tức Dụp, Tà Pạ, Trà Sư phủ sóng toàn vùng Bảy Núi. Để bảo tồn vốn chữ của đồng bào, chương trình tiếng Khmer được phát sóng đều đặn trên các kênh sóng đài PT-TH địa phương. Những chuyên đề, chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình, báo Khmer ngữ… giúp đồng bào tiếp cận với những chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như tiếp cận với khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Xa rồi “hứng nước dưới trăng”
Đồi Tà Pạ là điểm cao giữa mênh mông đồng ruộng của xãNúi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Ven chân đồi Tà Pạ có gần 1.000 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào Khmer. Dù là “núi giữa đồng bằng” nhưng cũng như bao vùng núi khác, ở đây luôn thiếu nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất.
Trước đây, vào mùa khô (nhất là từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch), cư dân Tà Pạ bước vào những ngày cao điểm của mùa “khát”. Khi các giếng khoan ở gần nhà đãcạn, người dân phải đi tìm những giếng còn nước gánh về dùng. Cơn khát còn len lỏi vào cả thị trấn Tri Tôn cách chân đồi khoảng 2 cây số. Các hộ gia đình thường phải “cử” một lao động chính trong nhà đảm trách việc gánh nước. Nhiều người phải dậy sớm từ 2-3 giờ sáng đi canh nước vào những đêm trăng sáng để hứng từng ca nhỏ cho đầy thùng mang về dùng. Đối với những người già, neo đơn thì phải thuê mướn.
Vì vậy, dịch vụ“gánh nước thuê” ở đây một thời rất phát đạt. Bà Đặng Thị Hưởng (78 tuổi) ở ấp Sóc Tức (xãLê Trì) cho biết: “Vào mùa khô kiếm nước ở đây khó lắm. Già yếu không đi xa được nên phải mua lại người ta từ 3-4 nghìn đồng/lít. Mắc (đắt) quá nên dùng nước rất tằn tiện”.
Nhưng “hứng nước dưới trăng” giờ chỉ có ở một số vùng quá xa xôi, cách trở vào mùa hạn nặng. Bởi từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay những xãkhó khăn nhất về nước của Tri Tôn là Núi Tô, Ô Lâm, An Tức và Lê Trì đã có nước sạch kéo về. 100% hộ gia đình ở các cụm tuyến dân cư, trên 20% đồng bào ở những vùng xa xôi hẻo lánh đã được hưởng lợi từ các công trình nước tập trung và phân tán ở huyện miền núi Tri Tôn.
Cùng với đầu tư hệ thống cung cấp nước, ống dẫn phân phối cho các xã, thị trấn miền núi, Tri Tôn còn có trên 700 hộ nghèo là đồng bào Khmer được gắn đồng hồ nước miễn phí, giá trị đầu tư khoảng 350 nghìn đồng/hộ. Bà Noèng Đi - một hộ dân ven đồi Tà Pạ, phấn khởi “Nhờ các công trình nước sạch được kéo về tận nhà nên mùa khô không còn phải đi hứng nước nữa. “Con nước” đã gần nhà nên nuôi bò, trồng nấm cũng đỡ vất vả, lại cho thu nhập cao hơn. Kinh tế gia đình phát triển nên sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở phum sóc cũng rộn ràng hơn”.
Theo Ông Võ Thanh Liêm - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, sau nhiều năm thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, hầu hết các phum sóc hẻo lánh ở Tri Tôn, Tịnh Biên đã có điện thắp sáng, nước sinh hoạt, 100% xã có đường ô tô đi đến trung tâm”. Riêng với hệ thống nước sinh hoạt, bên cạnh 54 công trình nước được đầu tư xây dựng, An Giang cũng tập trung hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa xây dựng các giếng khoan bơm tay.