Cổ vật trong di tích: Lỏng lẻo công tác bảo vệ

13/10/2016 08:41

Theo dõi trên

Tượng Phật Bà Quan âm nghìn tay nghìn mắt tại Chùa Mễ Sở, Hưng Yên bị đánh cắp ngày 29/9 vừa qua đã may mắn được tìm thấy, nhưng không còn nguyên vẹn như trước. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên pho tượng này bị đánh cắp và thời gian qua cũng đã rất nhiều di tích xảy ra tình trạng mất cắp tượng phật, đồ thờ.



Tượng Phật Bà Quan âm nghìn tay nghìn mắt trước khi bị mất cắp.

 
Cổ vật "hớ hênh" trong di tích

Năm 2013, cả két sắt chứa 69 sắc phong trong hậu cung đền Bồng Châu (Kim Động, Hưng Yên) đã bị kẻ gian lấy cắp.

Đền Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng từng bị mất 6 thanh kiếm sơn son thếp vàng ở hậu cung và 2 lư hương đồng mun. Cũng trong năm này, 2 con nghê bằng đồng cùng 4 chiếc ché lớn tại điện Hòa Khiêm (điện chính di tích Lăng Vua Tự Đức-Khiêm Lăng) ở Huế đã bị kẻ gian lấy trộm.

Cuối tháng 6/2015, kẻ gian đã trộm 39 tượng Phật cổ (các tượng cao trung bình khoảng 30 cm) tại chùa Kim Long (Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang). Những bức tượng bị trộm là tượng quý bằng đồng, có từ khi xây dựng chùa (năm 1749).

Chùa Nễ Châu, thuộc cụm di tích Phố Hiến, Hưng Yên từng bị mất một lúc 5 pho tượng cổ. Bảo tàng Hà Nội thì hiện đang giữ một số hiện vật quý không rõ xuất xứ, do công an tìm thấy trong những vụ buôn lậu đồ cổ. Một trong số đó là chiếc long đình gốm Bát Tràng, được phỏng đoán là đồ thờ trong di tích.

Chùa Dâu là một trong 4 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù các hiện vật cổ không còn nhiều do bị chiến tranh tàn phá nhưng ở đây vẫn lưu giữ được hệ thống các pho tượng cổ tứ pháp có niên đại 300-400 năm. Trước đây, ngôi chùa này đã từng bị kẻ gian đột nhập lấy đi 3 pho tượng cổ tam thế cùng một số hiện vật. Kể từ đó, nhà chùa đã luôn cảnh giác, tăng cường phối hợp với chính quyền và lực lượng an ninh địa phương. Tuy nhiên, tình trạng mất cắp vặt vẫn xảy ra.

Theo đại diện Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh thì tính đến nay, tỉnh này đã mất trên 30 cổ vật và 20 tài liệu sắc phong. Tuy nhiên, mới chỉ tìm lại được một số sắc phong, còn các cổ vật quý hiếm thì chưa tìm thấy và chưa có một đối tượng nào bị truy tố. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành công văn số 242 phân cấp quản lý di tích rõ ràng, Ban Quản lý di tích tỉnh cũng đã cử cán bộ xuống làm việc thường trực tại các di tích. Tuy nhiên, với gần 600 di tích đã được xếp hạng trên tổng số 1.558 di tích thì không thể đáp ứng hết nhân lực và việc trông coi hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào chính quyền và nhân dân sở tại.

Cha chung không ai khóc?

Tình trạng chảy máu cổ vật đang trở nên ngày càng đáng báo động và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Điều này đã làm thất thoát đi pho tàng di sản văn hóa có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần, thẩm mỹ và cả giá trị tâm linh. Cổ vật tại các di tích là những báu vật quốc gia, thuộc về tất cả những người dân, bởi vậy bảo vệ những báu vật vô giá này là trách nhiệm không chỉ của riêng ai.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cổ vật, hiện vật, đồ thờ cúng trong chùa là công tác bảo vệ chưa thực sự được chú ý. Chưa kể có trường hợp chính người trông coi di tích làm thất thoát các hiện vật, đồ thờ cúng trong di tích.

Cha chung không ai khóc, quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân dẫn đến phần lớn các vụ mất trộm cổ vật. Theo các chuyên gia, cần có những biện pháp thực sự hữu hiệu hơn.

Đại diện Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cho rằng, công tác bảo vệ hiện vật, đồ thờ trong các di tích hiện đang gặp nhiều khó khăn. Theo lý giải của người này, hiện vật, đồ thờ trong di tích khác với hiện vật tại các bảo tàng. Nếu hiện vật tại các bảo tàng được trưng bày, bảo quản chặt chẽ thì hiện vật trong di tích đang “sống” đúng với công năng của mình tức là đang được sử dụng để phục vụ cho việc thờ cúng. Việc quản lý, trông coi đồ thờ cúng này phụ thuộc vào ban quản lý hoặc những người quản lý di tích.  

(Theo chinhphu.vn)

Hoàng Lâm
Bạn đang đọc bài viết "Cổ vật trong di tích: Lỏng lẻo công tác bảo vệ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.