Rừng cây Bác Hồ - Ảnh: Quảng Nam Online
Theo lời kể của các vị cao niên tại địa phương và nhân chứng lịch sử từng sống và tham gia hoạt động cách mạng trên địa bàn xã Tam Phú, di tích “Rừng cây mang tên Bác” trước đây vốn là một khu rừng nguyên sinh rậm rạp, trải rộng cả khu vực của hai xóm Ngọc Nam và Phú Phong xã Tam Phú với diện tích hàng chục héc-ta (bây giờ chia tách và Rừng cây mang tên Bác thuộc P. An Phú). Nơi đây, hệ thực vật tương đối đa dạng, phổ biến nhất là các loại cây lấy gỗ như: rõi, trâm, cốc... trong đó có những cây rõi hàng trăm tuổi, đường kính lên đến 3m, chiều cao hơn 20m và trải qua bao thăng trầm của thời gian “Rừng cây mang tên Bác” đi vào lịch sử Tam Kỳ như một huyền thoại.
Theo cuốn “Lý lịch di tích rừng cây mang tên Bác” của UBND phường An Phú, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rừng Miếu là nơi các đảng viên gặp nhau, bàn bạc kế hoạch hoạt động cách mạng, gây tiếng vang không nhỏ trong phong trào kháng chiến chống giặc. Nhất là cuộc mít tinh với quy mô hơn 2.000 người tham gia nhằm phản đối tội ác của Pháp. Sang thời kỳ chống Mỹ, rừng Miếu lại tiếp tục che chở cách mạng, trở thành nơi liên lạc, mạch nối giữa nhân dân với cách mạng.
Chia sẻ với Báo Tin Tức, ông Trương Văn Quế, 87 tuổi, một lão thành cách mạng tại địa phương cho biết: Khu rừng này trước đây có tên là rừng Miếu, một khu rừng nguyên sinh. Ngày 19/5/1949, một cuộc mít tinh trọng thể đã được tổ chức tại đây với hơn 1.000 người tham dự, nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác. Tại cuộc mít tinh này, Ủy ban hành chính kháng chiến và Mặt trận Việt Minh xã Tam Thanh (trước đây, khu rừng thuộc địa giới hành chính xã Tam Thanh) đã quyết định đổi tên khu rừng thành “Rừng cây mang tên Bác”, hay còn gọi là “Rừng cây Bác Hồ”, để thể hiện tình cảm của người dân xứ Quảng đối với Bác Hồ kính yêu.
Ngày 16/7/1955, cán bộ cách mạng nằm vùng tại Quảng Nam đã bí mật vận động, tập hợp hàng trăm người dân địa phương tới “Rừng cây Bác Hồ”, cùng nhau ký kiến nghị gửi tới chính quyền Việt Nam Cộng hòa với nội dung đòi thực thi Hiệp định Giơnevơ, tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Sau đó, khu rừng được chọn làm nơi liên lạc, che giấu cán bộ cách mạng, tập hợp quần chúng nhân dân. Ngày 13/12/1966, các đơn vị bộ đội địa phương đã chọn “Rừng cây Bác Hồ” là nơi hội quân để bất ngờ tấn công tiêu diệt gọn tiểu đoàn 3 (thuộc Trung đoàn 6, Sư đoàn 2 của ngụy quân) đóng tại đồn núi Cấm (thành phố Tam Kỳ) làm cho quân địch hoang mang, khiếp sợ. Tiếp đó, nhiều đợt tấn công của lực lượng cách mạng địa phương dựa vào địa hình hiểm trở của "Rừng cây Bác Hồ" đã làm cho địch bị nhiều tổn thất to lớn. Vào ngày 25/3/1975, cũng tại nơi đây đã diễn ra một cuộc mít tinh quy mô lớn với sự tham dự của hàng ngàn người dân để mừng quê hương hoàn toàn giải phóng.
Đến nay, khu rừng vẫn là tài sản quý giá đối với người dân xã Tam Kỳ nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Cứ đến dịp Tết trồng cây là người dân trong vùng lại kéo đến trồng cây để như một cách thế hiện tình cảm đối với Bác Hồ và các bậc cha ông đã cống hiến công lao to lớn cho tổ quốc. Hàng năm tại đây cũng diễn ra các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau, những gốc cây cổ thụ là nơi cán bộ Đảng tuyên truyền cho các cháu nhỏ về những câu chuyện trong những năm tháng đấu tranh bất khuất của dân tộc ta.