Có một “Đà Lạt ở miền Tây”…

14/09/2016 10:01

Theo dõi trên

Với độ cao trên 700m, Núi Cấm (An Giang) được coi là “nóc nhà đồng bằng” của miền Tây. Đến Núi Cấm, du khách có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp tuyệt vời, không khí mát lạnh như một Đà Lạt của miền Tây Nam bộ…

Khu du lịch Núi Cấm (thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) là khu du lịch tự nhiên với phong cảnh núi non, chùa chiền ẩn hiện trong những tán rừng xanh rất huyền diệu và bình yên. Đây là hệ rừng sinh thái thiên nhiên đặc sắc, trên đỉnh núi có quần thể chùa chiền như: Vạn Linh tự, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc (cao 33,6 m), hồ Thanh Long, động Thủy Liêm, vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hông, suối Thanh Long, điện 13 tầng, hang Ông Thẻ… hằng năm thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương đến tham quan.


Năm 2015, Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang đã đầu tư cáp treo lên Núi Cấm. Tuyến cáp treo có tổng chiều dài 3,5km, gồm 89 cabin, mỗi cabin có sức chứa 8 người, công suất 2.000 người/giờ, do Công ty POMA (Pháp) thiết kế, lắp đặt. Hệ thống cáp treo Núi Cấm được lắp đặt theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO của châu Âu. Đây là hệ thống cáp treo lớn thứ 2 của cả nước và đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cáp treo là một loại hình dịch vụ hiện đại và có độ an toàn cao. Nếu đi ôtô, du khách phải mất 30 phút để lên tới đỉnh núi, nhưng với hệ thống cáp treo này thì thời gian di chuyển chỉ gần 10 phút. Ngồi trên cabin cáp treo lơ lửng giữa bầu trời, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên núi rừng mênh mông hùng vĩ của vùng “Thất Sơn huyền bí”, nhìn từ trên nóc nhà của đồng bằng miền Tây.

Khi lên Núi Cấm bằng cáp treo, du khách có những giây phút lướt trên đại ngàn, thỏa sức ngắm những cánh đồng lúa xanh mát dưới chân núi. Đặc biệt, cáp treo còn giúp bạn “bay” qua hồ chứa nước Thanh Long được “treo” lưng chừng Núi Cấm rất thơ mộng…

Ông Nguyễn Thanh Sơn. Phó Trưởng ban quản lý khu du lịch Núi Cấm, cho biết: “Năm 2015, khu du lịch Núi Cấm đã đón trên 1,4 triệu lượt khách, trong đó có 340 ngàn lượt du khách hành hương bằng cáp treo. 8 tháng đầu năm 2016, khu du lịch đã đón 700 ngàn lượt khách, lượng du khách đi hành hương bằng cáp treo vượt 35%”.

Rõ ràng, việc cáp treo lên Núi Cấm được đưa vào sử dụng đánh dấu bước ngoặt lớn, quan trọng cho sự phát triển du lịch của tỉnh An Giang. Cáp treo phục vụ thiết thực nhu cầu đi lại của khách tham quan lên Núi Cấm.

Thời gian sắp tới, khu du lịch Núi Cấm sẽ tiếp tục đầu tư và xây dựng nhiều công trình mới như: khu công viên trò chơi, khu vườn dược liệu, khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp… để dần hoàn thiện thành một quy trình “đi cáp treo – viếng chùa – thưởng ngoạn – giải trí thư giãn và ẩm thực” cho du khách.

(Theo Báo Du Lịch)

HOÀNG NAM
Bạn đang đọc bài viết "Có một “Đà Lạt ở miền Tây”…" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.