Cô gái bị nhiễm chất độc da cam và con đường gian nan trở thành giảng viên đại học

16/11/2015 17:40

Theo dõi trên

Lọt lòng mẹ, cô bé Đồng Thị Nga đã mang trên mình di chứng của chất độc da cam do người cha truyền lại. Đầu trọc lốc, mưng mủ. Toàn thân đen xẹm. Da sần sùi vẩy cá, nứt nẻ, ri rỉ chảy nước vàng. Nước mắt khổ đau của mẹ. Những cơn dằn hắt, uất hận của cha. Cái nhìn kinh hãi, rẻ khinh của người đời. Cảnh nhà ly tán...

Nga lầm lụi sống, nghiến răng vượt lên nỗi đau. Với nghị lực phi thường, nhờ tình thương bao la của mẹ, sự chở che giúp đỡ của thầy, của bạn, Đồng Thị Nga đã lập nên những “kỳ tích”: Đỗ liền một lúc hai trường đại học, tốt nghiệp xuất sắc Trường Đại học dân lập Hải Phòng rồi trở thành giảng viên khoa Quản trị kinh doanh. Cô đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Malaysia, trở thành giáo viên đầu tiên của trường được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
 

"Giời hành tôi hay sao mà bắt tôi đẻ ra toàn ma với quỷ thế này hả giời"

Tính đến những ngày này, người đàn bà khổ đau ấy đã bước sang tuổi 64. Mấy mươi năm lăn lóc trên đường đời trắc trở, biết bao nước mắt đã đổ, biết bao đắng đót, bầm dập, khổ đau, chị đã nếm trải đủ. Tưởng mọi nỗi cơ khổ rồi cũng chai lỳ đi, nước mắt đã kiệt cùng. Nào ngờ, ngồi tiếp chuyện chúng tôi, câu mở đầu lại là lời van xin đến tội tình: “Tôi xin các anh đừng bắt tôi phải kể về cái quá khứ đau thương ấy. Dưới gầm trời này, nỗi khổ của tôi là một. 5 lần chửa đẻ, 4 lần chôn con. Đứa còn lại là em Nga thì sống khổ sống sở, sống đau sống đớn. Đã thế, người đời còn dị nghị, đặt điều. Chồng đâm ra nát rượu, nay đánh mai đập rồi rũ bỏ mẹ con tôi. Khổ đến thế là cùng. Thôi! Các anh tha cho”. Tiếng chị nghẹn lại rồi bật ra thành tiếng khóc tức tưởi. Tôi ngồi lặng thinh, không dám lên lời. Biết nói thế nào đây? Đời chị quá nhiều bất hạnh. Sóng gió giờ mới tạm yên. Quá khứ đau thương, chị đã cố chôn vùi. Tôi nhắc lại làm gì. Nhưng rồi chính chị, giơ bàn tay chai sần vì lam lũ lên lau những dòng lệ đầm đìa trên khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu, lại nghẹn ngào kể về những ngày tháng đau thương ấy. Câu chuyện cứ bị đứt đoạn bởi tiếng nấc và những dòng lệ xót cay.

Năm 1980, chị Nguyễn Thị Phương mang thai lần thứ 2. Lần đầu, sinh ra đứa trẻ không mắt, không mũi, không mồm, tai sắt seo như tai chuột, chị đã rú lên kinh hãi rồi ngất lịm đi. Bởi thế, lần này, chị lo âu, hồi hộp lắm. Mang thai đủ chín tháng mười ngày, chị trở dạ. Nghe tiếng con ọ ẹ khóc như tiếng mèo hen, chị he hé mắt nhìn. Ối giời! Một hình hài quắt queo, nhăn nhúm, đen xẹm như khúc củi cháy. Chị ngã vật xuống giường, tống cả bàn tay vào miệng mà cắn đến bật máu tươi. Khóc ròng suốt mấy ngày giời, không ăn, không uống, những tưởng chết đi được. Nhưng tiếng khóc ngằn ngặt khát sữa của con bé đã đánh thức tình mẫu tử trong chị. Thôi! Dẫu chẳng lành lặn như người cũng là máu thịt mình rứt ruột đẻ đau. Bỏ làm sao được. Thế là chị vùng dậy, gắng gượng nuôi con. Chị Phương sùi sụt kể: “Khổ lắm! Đầu em Nga trọc lốc, sần sùi vẩy ốc, vẩy cá. Da nhăn nheo như bà lão 80. Trời nóng là nứt toác ra, máu mủ ri rỉ chảy. Tắm không được, mặc quần áo cũng không xong, suốt ngày phải quấn xô màn chống ruồi nhặng. Lớp da cũ sùi lên, dày ra, rụng đi, lớp da vảy sừng khác lại mọc. Em Nga đau đớn, suốt ngày quấy quả”. Thương con, chị ôm Nga chạy hết viện này đến viện khác. Cứ nghe thấy ai mách ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi là chị lại tất tưởi đi tìm. Của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Đến lúc sạch sành sanh cũng là khi chị nhận được những cái lắc đầu ngao ngán. Chị lăn đùng ra ốm. Kiệt quệ đến tận cùng.
 
Được một thời gian, chồng chị, anh Đồng Kim Lý, lại động viên chị đẻ tiếp. Nhưng hỡi ôi! Con tạo khéo đùa dai. 3 lần đẻ là 3 lần chị chết đi sống lại, 3 lần anh Lý ôm những đứa con không thành hình đi chôn. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Anh Lý lao đầu vào rượu. Rượu vào là đập phá tanh bành, là đấm tát chị, rủa nguyền chị là “đồ ăn ở thất đức nên mới sinh ra quái thai”. Đánh chán, chửi chán, anh lại ngửa cổ nốc rượu rồi ngã vật ra giường lăn lộn kêu khóc: “Ối giời ôi là giời! Người ta thì sinh ra người, còn tôi thì đẻ ra toàn ma với quỉ. Chắc là tại tôi ngày xưa giết người nhiều quá nên bây giờ giời mới bắt đền tội thế này đây”. Khổ! Anh Lý cùng quẫn, tuyệt vọng quá mà. Chiến trường ác liệt, anh đi biền biệt. Giết giặc lập công, sao anh lại nói là giết người? Chất độc màu da cam trên chiến trường Tây Nguyên đã nhiễm vào máu thịt anh nên các con anh mới thế. Nào phải quả báo, đền tội gì đâu!
 
Năm 1987, anh viết đơn đòi ly dị. Chị nhắm mắt ký vào. Thì vợ chồng ăn ở với nhau ngót chục năm, nay chẳng còn tình thương yêu, chị níu giữ để làm gì. Đầu thì nghĩ thế mà lòng chị đau như ai vò ai xé. Ôm ghì con vào lòng, nước mắt chị cứ thánh thót rơi. Ôi chồng! Ôi con! Đời chị có còn gì nữa đâu. Phẫn chí, chị định uống thuốc tự tử. Ông anh trai tát cho mấy cái nảy đom đóm mắt, gầm lên: “Đồ hèn. Mày chết để con cho ai nuôi? Mày phải tự thương lấy mày. Chỉ có mày mới cứu được mày thôi”. Thế mà chị tỉnh, nghiến răng nuốt nước mắt nuôi con.

23 năm nhìn nước mắt của mẹ và hành trình gian nan để đến giảng đường đại học


Quặt quẹo sống thế rồi bé Nga cũng đến tuổi ăn tuổi học. Hàng ngày, nhìn bạn bè cùng xóm tíu tít cắp sách đến trường, Nga thèm lắm. Thương con, chị Phương dằn lòng mua sách vở, bút mực... đưa con đến trường. Nhưng vừa nhìn thấy Nga, bọn trẻ cùng lớp đã kêu rú lên, thầy không dám nhận. Người mẹ tay gạt nước mắt, tay dắt con về mà lòng đau như cắt. Thôi thì mẹ lụi cụi dạy con học vậy. Một năm sau, lên bảy tuổi, Nga đã đọc thông viết thạo. Lần nữa, mẹ lại đánh liều đến cầu xin các thầy cho con được đến lớp. Cảm kích trước tấm lòng người mẹ, thầy đặc cách cho Nga vào học thẳng lớp 2. Nga sướng quá, cặm cụi học tối ngày. Nhưng nào đâu có yên. Bạn bè trong lớp không ai chịu chơi với Nga, không ai chịu ngồi chung với con bé da sùi như da cóc, đầu lở loét toàn mụn với mủ. Nga phải lủi thủi ngồi một mình trong xó lớp. Đã thế, một số phụ huynh còn viết đơn kiến nghị nhà trường đuổi học Nga vì sợ bệnh lây sang con em mình. Cứ một tháng, bà hiệu trưởng lại cho mời mẹ Nga đến trường. Bà bảo: “Không phải chúng tôi muốn đuổi học em Nga. Nhưng chỗ chị em với nhau, tôi nói thật. Thiên hạ kia kìa, lành lặn, khỏe mạnh, học hành đến nơi đến chốn mà còn chẳng làm nên trò trống gì, huống hồ con chị, bệnh tật đầy mình, người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Thôi, chị cho cháu nó về đi. Vọc vạch chữ nghĩa thế là đủ rồi”. Mẹ quỳ sụp xuống, van lạy cô hiệu trưởng, giọng tắc nghẹn: “Tôi xin cô, cô đừng đuổi học con tôi! Cháu nó sinh ra chẳng được bằng người, tôi đau lắm chứ. Nhưng cô ơi! Cháu nó quặt quẹo thế, tay chân lại nứt nẻ, chẳng làm lụng được gì. Kiêng nắng, kiêng gió, kiêng mưa. Không cho cháu cái chữ để kiếm cái nghề, sau này tôi chết đi, cháu nó sinh sống bằng gì hả cô?!”. Khóc lóc thế mà bà hiệu trưởng vẫn nhất quyết khước từ. Động lòng trước cảnh tình đáng thương của chị, cô giáo chủ nhiệm Dáng Hương đã đứng ra bảo lãnh cho Nga. Mẹ con Nga mừng rơi nước mắt.
 
Vài năm sau, mẹ đi bước nữa. Dượng cũng là người đàn ông goá vợ, có 4 đứa con riêng. Dượng thương Nga như con đẻ. Nhưng thời bao cấp, cuộc sống cực khổ trăm bề. Lo cho ngần ấy miệng ăn, mẹ phải tảo tần, lam lũ. Nuôi lợn, làm kem, bán sữa chua, lọ mọ 1-2 giờ đêm làm đá. Mẹ làm kế toán ở ngành lương thực tít tận Thuỷ Nguyên. Sáng, trên đường đến cơ quan, mẹ tranh thủ đèo 50 kg gạo giao cho các quán ăn. Sẩm tối, mẹ lại cọc cạch đạp về, trên xe chằng bó rau lợn. Cứ mỗi thứ một tý, rồi cũng đủ ăn. Nga thương mẹ lắm nhưng chẳng giúp được gì. Lòng tự nhủ phải gắng học giỏi để khỏi phụ công lao của mẹ.
 
Năm 1998, Nga tốt nghiệp cấp III loại giỏi. Thấy bạn bè náo nức đi ôn thi đại học, Nga cũng xin mẹ cho lên Hà Nội ôn thi. Mẹ rơm rớm lệ, bảo: “Nga ơi! Không phải mẹ không muốn cho con đi. Nhưng bệnh tật con thế này, lại ở một mình tít tắp trên ấy, con học làm sao?”. Nga buồn, không nói gì. Mấy đêm liền, vào vén màn cho con, tưởng Nga ngủ, ai dè thấy con nằm thút thít khóc. “Thôi! Đến nước này thì mẹ đành chiều con vậy”. Một tháng ôn thi, trời nóng như thiêu như đốt, nhà trọ ẩm thấp, ngột ngạt như cái hoả lò. Lại xa bàn tay chăm sóc của mẹ, bệnh Nga phát nặng. Da toàn thân sùi lên, lở loét. Móng chân, móng tay tuốt ra. Bàn chân nẻ toác như những nhát dao chém, tứa máu. Nga yếu lắm. Tuần, mẹ phải lặn lội lên mấy lần để chăm sóc con. Đến ngày thi, Nga cắn môi gượng dậy. Hết đợt thi thứ nhất, sức khoẻ càng trở nên trầm trọng. Mẹ lựa lời khuyên: “Thôi con ạ! Thi xong một trường rồi, ốm yếu thế này, nghỉ thôi”. Nga cười: “Mẹ vô tư đi”. Đến lần thi thứ 3 thì không gượng dậy được nữa, Nga mới chịu theo mẹ về. Một tháng sau, nhận được liền một lúc 2 giấy báo trúng tuyển của 2 trường đại học: Kinh tế quốc dân và Đại học công đoàn, Nga khóc oà vì sung sướng. Còn chị, miệng mỉm cười, tay lén vuốt hai hàng nước mắt. Thấy con giỏi giang, mẹ mừng. Nhưng bệnh tật con thế, lên Hà Nội học làm sao được hả con?

"Nếu không có thầy Nghị, cuộc đời em đã rẽ sang một hướng khác, lành ít, dữ nhiều"


Giữa lúc lòng chị đang bời bời lên như thế thì có người đến bảo: “Trường Đại học dân lập Hải Phòng mới thành lập, chị thử đến xin chuyển cho cháu về đấy xem sao”. Chị nghe lời, mang theo giấy nhập học của Trường Đại học công đoàn. Và may sao, số phận lại một lần nữa mỉm cười với Nga. Giáo sư Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hải Phòng đã đặc cách, nhận Nga vào học.
 
Được chừng 2 tháng, một hôm, Nga đi học về, mặt buồn rười rượi. Bỏ cả ăn trưa, lên giường nằm thút thít. Mẹ gặng hỏi mãi, tiếng khóc vỡ oà: “Con khổ lắm mẹ ơi! Cả lớp không ai chơi với con. Họ kinh sợ con. Họ còn gọi con là người đẹp”. Chị chết lặng. Con ơi! Hàng ngày, nhìn thấy bạn con, em con ríu rít bạn trai, váy ngắn, váy dài, con thì lủi thủi một mình, sù sụ quần dài, áo kín cổ, mẹ như đứt từng khúc ruột. Đêm đêm, ngồi bóc những lớp da sừng khô chết trên thân hình con, mẹ cứ thầm khấn nguyện: Giá như mẹ chết được để cho con làn da tươi mịn, mẹ cũng vui lòng. Mẹ thương con, xót con mà chẳng biết phải làm gì?
 
Bỗng một hôm, thầy Nghị nhận được thư của một phụ huynh học sinh. Thư viết rằng: con trai chị là sinh viên lớp quản trị kinh doanh. Cháu thường kể, trong lớp có bạn Nga “da rắn” bị cả lớp xa lánh. Cháu rất muốn đứng ra bảo vệ, che chở cho bạn nhưng không dám. Vì thế mà ngày đêm dằn vặt, day dứt. Vài hôm sau, thầy lại nhận được thư của một người đàn ông không quen biết. Thư rằng: “Thưa ông! Tôi là một người bất hạnh. Tôi cam đoan với ông rằng, đời tôi là một vở kịch có hồi kết đau thương nhất. Bất hạnh này, một phần do chính tôi gây ra. Tôi đã hành hạ vợ tôi và bỏ cô ấy một cách tàn nhẫn vì nghi cô ấy ăn ở thất đức nên mới sinh ra những đứa con dị dạng, quái thai. Bây giờ thì tôi vô cùng ân hận và đau khổ vì biết đích xác mình đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Vợ tôi đã đi lấy chồng và sinh ra những đứa con hoàn toàn khoẻ mạnh. Chồng cô ấy là người đàn ông thật tốt, sẵn sàng cưu mang đứa con gái duy nhất của tôi. Thưa ông! Con gái tôi hiện đang học ở trường đại học do ông làm hiệu trưởng. Cháu bị nhiễm chất độc màu da cam. Các bạn trong lớp không hiểu nên sợ hãi và xa lánh cháu. Có bạn còn đề nghị đuổi cháu ra khỏi lớp. Ông ơi! Tôi van ông! Ông hãy giúp con tôi để cháu yên tâm học tập. Nó là niềm hy vọng cuối cùng của đời tôi, là giọt máu cuối cùng của trái tim bệnh hoạn của tôi. Nếu con gái tôi có mệnh hệ gì thì tôi sẽ chết. Kính thư”. Đọc xong lá thư, thầy Nghị lập tức đi tìm Nga. Phải mất một tuần dò hỏi trong số 5.000 sinh viên của trường, thầy mới gặp. Một cô nữ sinh dịu hiền với vầng trán cao thông minh có đôi mắt buồn vời vợi. Thầy nắm lấy đôi bàn tay sù sì của Nga mà khóc. Buổi chào cờ đầu tuần, thầy đã nói chuyện trước sinh viên toàn trường về chiến tranh, về chất độc màu da cam, về những mất mát đau thương mà bao gia đình phải gánh chịu, trong đó có trường hợp của Nga. Và thầy đã đọc bức huyết thư đầy nước mắt ấy của người cha tội nghiệp. Cả trường sùi sụt khóc. Các bạn trong lớp giờ mới hiểu về Nga, thấm thía nỗi đau mà em âm thầm chịu đựng trong suốt mấy chục năm ròng. Thầy Nghị nghẹn ngào nói: “Giúp đỡ bạn Đồng Thị Nga về vật chất lẫn tinh thần không chỉ là tình thương đồng loại mà còn là trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa đối với những chiến sĩ đã không tiếc thân mình vì nước”. Từ hôm đó, Nga không còn bị hắt hủi, cô đơn nữa. Bạn bè xích lại gần em, giúp đỡ em. Thầy cô trong trường động viên em. Thầy hiệu trưởng ra quyết định miễn toàn bộ học phí suốt 4 năm liền cho em... Dòng đời đã mở rộng vòng tay nhân từ đón cô nữ sinh tật nguyền bất hạnh. Một sự chuyển biến kỳ diệu trong Nga: em nói, em hát, em cười, em tíu tít vui chơi cùng bè bạn... Suốt 4 năm học đại học, Nga luôn đạt sinh viên xuất sắc và nhận được học bổng của trường. Em đã dành một nửa số tiền ấy để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nga đã thi tuyển vào làm giảng viên của trường và được gửi đi đào tạo thạc sĩ ở Malaysia. Một lần nữa, Nga lại khóc oà. Nhưng đó là những giọt nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc.
 
Trò chuyện với chúng tôi, Nga xúc động nói: “Bố Lý là người sinh ra em, mẹ Phương là người dưỡng dục em, nhưng thầy Nghị mới là người đem lại cho em cuộc sống tươi đẹp này. Nếu không có thầy, cuộc đời em đã rẽ sang một hướng khác mà chắc chắn là lành ít, dữ nhiều. Em vô cùng biết ơn thầy. Mong có ngày được đền đáp”. Còn thầy Nghị, người đã đem nguồn sáng cuộc đời đến cho Nga thì nhỏ nhẹ nói mấy câu thế này: “Cái được lớn nhất của tôi khi từ bỏ chức Phó hiệu trưởng trường Đại học hàng hải để lao tâm khổ tứ sáng lập ra trường Đại học dân lập Hải Phòng là đã rèn cho sinh viên và các cộng sự của mình bản tính hướng nguồn, hướng thiện, biết chia sẻ với cộng đồng trước khi trở thành người tài. Gửi Nga đi, tôi muốn chứng minh cho bè bạn quốc tế và cả các bạn trẻ Việt Nam thấy rằng, con người ta dù bất hạnh đến đâu, nếu có được điểm tựa và nỗ lực vươn lên sẽ làm nên những điều kỳ diệu”. Tôi mỉm cười, thầm ước cuộc đời có thật nhiều điều kỳ diệu như thế...
 
Hoàng Anh Sướng

Bạn đang đọc bài viết "Cô gái bị nhiễm chất độc da cam và con đường gian nan trở thành giảng viên đại học" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.