Chuyện về ông lão vớt rác ở Vung Viêng

17/04/2016 15:55

Theo dõi trên

Đời cụ nhiều sóng gió, nhưng chưa một lần cụ cúi đầu trước bão tố. Dù đã ở cái tuổi 80, cụ vẫn kiên định một niềm tin cho sóng nước Vung Viêng trong trẻo mãi.



Ngày ngày cụ Lãng đều đặn vớt rác cho miền Vung Viêng trong mãi

Chèo đò vớt rác bạc mái đầu

Đã hơn năm năm, cụ gần 80 tuổi vẫn hàng ngày miệt mài chèo đò quanh làng chài Vung Viêng vớt rác thải trôi trên dòng nước xanh biếc. Cụ quen rồi, quen với công việc của người “lao công” dưới biển, đem đến cho người dân làng và chài khách du lịch đến đây một môi trường trong sạch nhất, nên thơ nhất.

Đến với làng chài Vung Viêng, khó mà thấy được những túi ni lông, những vỏ bánh, vỏ kẹo hay chai lọ dưới dòng nước xanh biếc. Bởi hàng ngày, những rác thải này đã được cụ Lãng chèo đò đi vòng quanh đảo vớt rác và làm sạch nơi đây. Cụ có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Lãng, sinh năm 1939, trú tại phường Hà An (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Năm 2010, cụ Lãng bắt đầu đến với đảo Vung Viêng và bén duyên với nghề. Khi đó, người con dâu, trước đó làm nghề vớt rác tại đây bỏ đi biệt tích, chẳng ngại vất vả, chẳng ngại tuổi già cụ thay thế con dâu của mình làm công việc này thấm thoát đến nay đã được hơn năm năm.

Căn chòi nơi cụ ở tại Bè hợp tác xã tại Làng chài vào lúc trời vừa nhá nhem tối, cụ một mình đang dọn dẹp và nấu cơm ăn. Trong một căn nhà nhỏ, tối om, đến khi thấy có khách cụ cụ mới bắt đầu bật đèn chạy bằng bình ắc quy cho sáng. Chẳng mấy khi có khách đến chơi, cụ cụ vội nấu nước pha chè mời khách uống và hàn huyên câu chuyện về cuộc đời của mình. 

Tưởng một ông cụ khi đã ở cái tuổi xấp xỉ 80, sẽ được sống trong một cuộc sống êm đềm và thanh thản ở cái tuổi về già. Tuy nhiên, trong lòng của cụ Lãng, còn chất chứa bao nỗi buồn thầm kín, mà chỉ cụ và sóng nước Vung Viêng mới thấu. Cụ sống ly thân với vợ cách đây khoảng sáu, bảy năm, cụ cùng cụ bà sinh được cả thảy năm người con, 1 người con trai và 4 người con gái. Trong một vụ ẩu đả, chẳng may người con trai của cụ mắc phải vào án giết người, kết an tù chung thân. Vợ của con trai cụ, trước cũng làm nghề vớt rác tại đây, thấy cuộc sống cơ cực quá, liền bỏ đi mặc người chồng tù tội cùng hai đứa con của mình ở lại. Thương con trong tù, lo cho hai đứa cháu còn cả cha, cả mẹ nhưng không nơi nương tựa, cụ Lãng quyết định ra đảo đi làm lấy tiền nuôi hai đứa nhỏ ăn học. Bốn người con gái của cụ, ngỏ ý muốn cụ ở lại đất liền, hàng tháng gửi tiền chăm sóc cho bố. Tuy nhiên, cụ cương quyết không đồng ý vì sợ làm phiền đến con. Vì hai đứa cháu, cụ muốn tự mình nuôi bản thân cùng hai đứa cháu nhỏ.

Năm 2010, cụ quyết định ra làng chài Vung Viêng, nơi mà phải đi tàu gần 2 tiếng đồng hồ từ đất liền mới đến nơi. Đến đây, cụ thay người con dâu của mình đi vớt rác mỗi ngày, với lương tháng được trả là 3 triệu rưỡi một tháng. Chắt bóp cho từng bữa ăn hàng ngày, cụ Lãng tiết kiệm chi tiêu hết mức, để dành tiền gửi về đất liền cho hai đứa cháu ăn học. Cụ không bao giờ mua cho mình chiếc quần hay manh áo mới. Chiếc áo ấm của cụ cũng đã mặc được thấm thoát cả chục năm trời. Thỉnh thoảng, con gái cụ cũng gửi ra cho bố chiếc áo mới để mặc thêm vào những hôm lạnh giá ngoài đảo. Bằng không, chỉ một manh áo mỏng, chiếc quần cũ kĩ, cụ cụ chèo đò khắp cả làng chài đi vớt rác đi sáng sớm cho đến tận khuya trong những ngày giá lạnh, hay mưa phùn rét buốt.

Khi kể câu chuyện về người con trai duy nhất của mình, đã đi tù được 13 năm, để lại hai đứa con nhỏ một mình cụ chăm sóc mà chẳng hiểu nước mắt cụ rơi tự bao giờ. Khuôn mặt chằng chịt những nếp nhăn, mái tóc bạc phơ cùng đôi mắt đượm buồn, nhìn vào đôi mắt ấy như hiểu thấu tâm can của người cha mong con trở về, nỗi lòng của người ông mong cháu được ăn học đầy đủ, sống trong tình thương của cha mẹ, hơi ấm của gia đình. Ở cái tuổi của cụ, đáng ra người ta phải được sống thanh nhàn, viên mãn, còn cụ, cụ vẫn đang phải vật lộn trong cuộc sống mưu sinh của mình. Lòng cụ nặng trĩu, chất chứa một nỗi lo lắng, rồi mai đây, khi cụ tuổi già sức yếu, không thể làm được nữa, ai sẽ lo cho con, cho cháu của cụ đây? Đôi mắt cụ rưng rưng, gương mặt lộ rõ niềm u sầu, ánh mắt cụ thỉnh thoảng lại nhìn về phía những ngọn núi cao, vô định, miên man, chất chứa nỗi u sầu.

Khi đêm đến chỉ còn cụ với một bóng tối dày đặc nơi đảo vắng, một mình làm bạn với bóng tối và sống quen cùng bóng tối. Chỉ lúc ăn cơm, cụ mới bật chiếc đèn được sạc bằng bình ắc quy mà thôi.

Mái đầu bạc không cúi trước giống tố

Sau khi đã tâm sự được những chất chứa ở trong lòng, cụ cụ gạt nước mắt và kể về những năm tháng thanh niên, tuổi trẻ của mình. “Mặc dù cuộc sống có đôi phần khắc nghiệt, nhưng không bao giờ tối hối tiếc những việc mình đã làm, đã cống hiến”. Thật vậy, những năm tháng còn tuổi trẻ, cụ cũng từng xông pha trận mạc, cũng từng liều mình đánh giặc Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Cụ được Nhà nước trao tặng huân chương chống Mỹ, cụ cất giữ nó như một báu vật và giọng đầy tự hào khi nhắc đến. “Ở cái tuổi gần đất xa trời này, tôi thấy mình vẫn còn ý nghĩa lắm. Không xông pha trận địa đánh giặc, không quyết tử cho tổ quốc quyết sinh thì tôi quyết bảo vệ nguồn nước của đảo Vung Viêng trong sạch đến hơi thở cuối cùng”, cụ Lãng nói với một giọng nói đanh thép, hùng hồn. À thì ra, không phải cụ dọn vệ sinh chỉ vì cuộc sống mưu sinh của mình, vì những đứa cháu của cụ mà còn vì môi trường, vì bảo vệ cho nguồn nước Vung Viêng mãi xanh biếc như hiện tại.

Công việc của cụ không phải ai cũng làm và làm đầy trách nhiệm như cụ. Hàng ngày, khoảng 7 giờ sáng, cụ lại chuẩn bị những chiếc thùng xốp xếp gọn gàng vào chiếc thuyền của mình, sau đó đi vòng quanh làng chài, đến từng nhà để thu gom rác, sau đó đi tận sâu trong những ngóc ngách của vách núi để vớt rác, hay những nơi thường có gió dạt rác vào gần bờ để vớt. Chèo khắp một vòng quanh đảo, vừa chèo vừa vớt rác, ngót nghét cũng phải mất 3 tiếng đồng hồ. Lúc này cụ mới chèo đò đến một chiếc bãi, bê những thùng xốp đầy rác lên tận trên núi, phân loại chúng để đốt. Những chiếc túi bóng, giấy hay rác rưởi cụ cho vào một đống để đốt, còn những chai, lọ cụ tranh thủ nhặt nhạnh mang về thu vào một đống, đợi hôm nao trở nao trở về đất liền bán đồng nát lấy thêm tiền mua miếng bánh, chiếc kẹo cho hai người cháu của mình. Rồi cụ quay trở về chiếc bè hợp tác, nơi dành cho những người chèo đò và làm thuê cho hợp tác để ngơi nghỉ, nấu ăn trưa. Ăn vội miếng cơm, uống thêm ngụm chè, rồi cụ lại bắt đầu công việc của mình vào lúc 1 giờ chiều cho đến tận 6h tối, khi nước biển Vung Viêng sạch không còn rác, cụ mới yên tâm trở về bè. 

Công việc của cụ khá vất vả, nhất là với độ tuổi già sức yếu như cụ. “Sợ nhất là những ngày có gió Nam, hay những ngày mưa. Trời lạnh, ngược gió chèo đò, phải vật lộn với chiếc đò mới đi được khắp một vòng để vớt hết rác. Còn mùa hè, những lúc trời nắng gắt, chèo đò, mồ hôi ướt hết áo, cũng có nhiều hôm bị say nắng. Hay những lần, có những đoàn tàu đi qua, xả rác xuống sông tôi lại được ngày làm thêm giờ. Nhưng dần rồi cũng quen, mưa nắng, dãi dầu, tôi đều chịu đựng được cả”. Cụ cười, nụ cười méo mó trên khuôn mặt khắc khổ. Nhìn cụ lênh đênh chèo đò nơi sóng nước, nhỏ bé dưới dòng sông mênh mông rộng lớn, mới thấy được cái tâm, cái nhiệt huyết, lòng tận tụy của cụ dành cho nơi này. “Gắn bó với sông với nước với nghề được hơn năm năm, nhưng giờ bảo tôi trở về đất liền tôi cũng buồn lắm. Cũng lo sau này mình không làm nữa, nước biển ở đây có còn được trong nữa không, rác có được phân loại và đốt cẩn thận không? Nhưng còn sức thì tôi còn làm, chưa biết bao giờ mới nghỉ. Chỉ mong mọi người có ý thức, không vứt rác xuống biển, để người vớt rác như tôi đỡ cực, quan trọng là bảo vệ môi trường nơi đây. Khách du lịch người ta thấy sạch sẽ, người ta mới có ấn tượng tốt với làng chài, với Vịnh Hạ Long, hình ảnh đất nước mình mới đẹp hơn với bạn bè quốc tế được”, cụ thì thảo bảo thế, giọng thoảng như gió biển, miên man vô cùng.

Hàng ngày, vẫn miệt mài chèo đò, đi đến tận những ngõ ngách, những chân đồi vách núi, lúc lại chèo ra giữa dòng nước, dùng vợt vớt rác lên thuyền của mình. Công việc của cụ cứ tiếp tiếp diễn hàng ngày, và cụ đã trở thành hồn cốt của người làng chài và sóng nước Vung Viêng nơi đây. Người làng chài nhắc đến cụ tên cụ với một sự trân trọng, tôn kính với cái tên “Cụ Lãng”. Dù cuộc sống có khó khăn, và còn khắc nghiệt nhưng cụ không vì thế cúi đầu, cụ vẫn luôn sống, sống và để lại những điều ý nghĩa cho đời. Cụ làm tôi thấm đẫm câu nói của Đăng Thùy Trâm về cuộc sống: “Đời phải trải qua giông tố, nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.
 
Kim Thanh - Cẩm Vân

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện về ông lão vớt rác ở Vung Viêng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.