Tượng Bùi Hữu Nghĩa và khu di tích được xây dựng khang trang với kinh phí gần 100 tỷ đồng
Bị bắt vì bênh vực dân nghèo
Người dân Đồng Nai phong cho Bùi Hữu Nghĩa là một trong tứ rồng vàng: “Đồng Nai có bốn rồng vàng – Lộc họa, Sang đàn, Nghĩa phú, Nghĩa thi”. Cuộc đời của ông có nhiều thăng trầm, đặc biệt là khi được bổ nhiệm làm quan tại Vĩnh Long (Trà Vinh ngày nay).
Trà Vang bấy giờ (Trà Vinh ngày nay) là địa bàn có đông đồng bào người dân tộc sinh sống.Đó là người Hoa, người Khmer, đông nhất là người Khmer.
Thời Nguyễn Ánh, khi bị quân nhà Tây Sơn truy đuổi, ông chạy vào khu vực này và được người dân che chở, chu cấp lương thực. Hơn thế nữa, có một số dân thường người Khmer khi đi lính đã lập được nhiều công lớn nên khi giành lại được ngai vị và củng cố đất nước, Nguyễn Ánh nhớ đến đóng góp và ơn cưu mang mình nên đã xuống chiếu miễn thuế khai thác thủy sản cho dân vùng này.
Tuy nhiên, đến năm 1848, một số người gốc Hoa đã “lót tay”, “đi cửa sau” với quan trên của Vĩnh Long là Tổng đốc Uyển, Bố chánh Truyện để “thầu” khai thác độc quyền thủy sản ở rạch Láng Thé. Quyết định cho phép người Hoa độc quyền khai thác tại rạch này đã đẩy người Khmer vốn nghèo rơi vào cảnh trắng tay và không biết khai thác cái gì.
Vụ việc này được báo lên quan tri huyện Bùi Hữu Nghĩa. Thời điểm ấy, nhiều người cho rằng, vụ này chỉ cần mời hai bên lên làm việc và phân định trong ôn hòa nhưng quan tri huyện, vốn tính cương trực, hướng về người nghèo nên đã xử thẳng tay. Khi các đại diện người Khmer kéo lên khiếu kiện tại quan tri huyện, ông Bùi Hữu Nghĩa đã thẳng tay phê vào đơn: “Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho Thổ dân, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng ra bán rạch ấy thì có chém đầu nó cũng chẳng sao”.
Nghe lời xử của quan huyện, những người dân lành người Khmer từ lâu bị đè ép, hà hiếp đã tụ họp và vùng lên đập phá đồ đạc tài sản của những người gốc Hoa. Hai bên không kềm chế đã xảy ra xung đột hết sức dữ dội.
Sau cuộc hỗn chiến, bọn tham quan vốn đã có hiềm khích và ghét Bùi Hữu Nghĩa từ trước, nhân cơ hội này tung tin mù quáng đồng thời, cho bắt một số người dân người Khmer và bắt luôn Bùi Hữu Nghĩa. Ngay sau đó ông được tạm giam tại Vĩnh Long rồi giải về Gia Định. Cùng với quá trình di lý đó thì một tờ sớ cũng được tống đạt lên triều đình, tố cáo Bùi Hữu Nghĩa kích động người Khmer làm loạn, lạm phép giết người.
Bùi Hữu Nghĩa chờ ngày định tội. Khi hay biết tin này, người vợ biết chuyện chẳng lành nên đã tìm cách cứu chồng khỏi án tử. Cuộc hành trình này hết sức gian khổ, cam go với rất ít cơ hội thành công, nhưng với hy vọng mong manh, còn nước còn tát, bà Nguyễn Thị Tồn đã lên đường vào Kinh nghĩ cách cứu chồng.
Trước khi lên đường, bà Tồn đã nhờ em bạn dì là Quản Kiệm tìm cách nhờ người lùi thời hạn thi hành chiếu chỉ để bà có đủ thời gian vào Kinh. Còn về phần mình, Bùi Hữu Nghĩa dù bị bắt giam thậm chí đã được báo tin nhận án tử nhưng ông vẫn bình thản như không hề có chuyện gì. Người ta vẫn thấy thi sĩ Bùi Hữu Nghĩa “uy vũ bất năng khuất” phía sau song sắt.
Bà Tồn đón ghe bầu từ Định Tường (Tiền Giang ngày nay) ra Huế để đánh trống kêu oan cho chồng.Bà đã vượt qua muôn vàn thử thách, sóng gió và nguy hiểm trong những ngày lênh đênh trên sông nước.Ra đến Huế, bà không đến thẳng những phủ quan chức năng trong triều mà tìm đến tư dinh của cụ Phan Thanh Giản. Lúc này, ông Giản đang là Thượng thư Bộ Lại ở triều đình.
May mắn bà gặp được cụ Phan và trình bày đầu đuôi vụ việc cũng như sự lộng hành, thối nát của các quan ở Vĩnh Long.Sau khi nghe qua vụ việc, cụ Phan đã khuyên bà tìm đến Tam pháp ty đánh trống kêu oan cho chồng.Thời ấy, sự kiện bà Tồn đánh trống kêu oan cho chồng đã làm chấn động triều đình, chốn quan trường và dư luận.
Sau khi biết chuyện vợ Bùi Hữu Nghĩa kêu oan, vua Tự Đức đã tha tội chết cho ông nhưng phải chịu “quân tiền hiệu lực” (làm lính ở Vĩnh Thông - Châu Đốc, An Giang ngày nay) để lập công chuộc tội. Còn bà Nguyễn Thị Tồn thì được Từ Dụ thái hậu ban tặng là tấm gương “Liệt phụ khả gia”.
Câu chuyện này tưởng chừng là cái kết có hậu, tuy nhiên, ngoài thời gian ở chốn quan trường trong 10 năm xem như không còn gì, thanh danh mất hết thì ông còn có một mất mát lớn lao, đó là sự ra đi của người vợ hiền, thông minh và dũng cảm. Chuyện kể lại rằng, sau khi vào Kinh kêu oan cho chồng thành công, bà Tồn về lại quê nhà ở Biên Hòa thì đổ bệnh.
Đó là kết quả tất yếu của quá trình lao tâm, lao lực, bất chấp hiểm nguy, vượt qua phong ba bão táp. Bà Tồn lâm bệnh ngày một nặng và đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà.Lúc này Bùi Hữu Nghĩa đang ở vùng biên ải xa xôi, nhận được tin báo, ông được cho về, nhưng khi tới nơi thì việc mai táng người vợ yêu dấu cũng đã xong xuôi.
Không có nỗi đau nào bằng, không có sự sẻ chia nào và không có lời từ biệt nào cho người vợ trước phút lâm chung, Bùi Hữu Nghĩa nghẹn ngào thốt lên: “Ngã bần, khanh năng trợ; ngã oan khanh năng minh, triều dã giai xưng khanh thị phụ khanh bệnh, ngã bất dược; khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu”. (Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ/ Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng).
(Theo Báo Du Lịch)