Đào Bích
Chuyện chưa kể về ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của nhạc sĩ Văn Cao
12/01/2017 11:28
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là bài hát đầu tiên và duy nhất mà nhạc sĩ Văn Cao viết về Bác.
Theo họa sĩ Văn Thao, con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao, trong bài hát này, nhạc sĩ Văn Cao đã trìu mến gọi tên Người và danh xưng này sau đó đã được phổ biến rộng rãi, trở thành cách gọi thiêng liêng, trang trọng mà nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, có vóc dáng và thần thái giống hệt cha mình.
Họa sĩ Văn Thao chia sẻ, thời điểm nhạc sĩ Văn Cao viết bài hát này, ông mới gặp Bác Hồ hai lần nhưng chưa có dịp trò chuyện và tìm hiểu về Bác. Cho đến khi trong quá trình tham gia kháng chiến, tác giả tận mắt chứng kiến tình cảm mà nhân dân dành cho vị lãnh tụ kính yêu. Đó là cách gọi thân thương, gần gũi mà người dân hay dùng để nói về Bác. Chính tình yêu ấy đã khiến nhạc sĩ Văn Cao xúc động và ý thức hơn, tin tưởng hơn về vai trò lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng theo họa sĩ Văn Thao, đây là ca khúc đầu tiên và là ca khúc duy nhất nhạc sĩ Văn Cao viết về Bác. Nhưng những giai điệu trữ tình, xúc động này đã nổi tiếng ngay từ khi mới ra đời và cho đến hôm nay vẫn còn nguyên sức sống, sự lan tỏa. Đối với Văn Cao, đây thực sự là những tình cảm chân thành, trong sáng và thiêng liêng nhất về Bác.
Trước đó có người gợi ý Văn Cao viết về Bác nhưng ông chưa viết được. Để hiểu hơn về Người, ông chọn cách đi nhiều nơi trong chiến khu, tiếp xúc với nhiều người dân, hỏi chuyện bộ đội để cảm nhận tình cảm mà mọi người dành cho Bác.
Nhạc sĩ Văn Cao chỉ viết duy nhất một ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng bài hát đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng.
“Sau chuyến đi khắp núi rừng Việt Bắc, chứng kiến tình cảm thực sự mà nhân dân dành cho Bác Hồ, bố tôi hiểu vai trò không gì có thể thay thế được của Bác đối với dân tộc Việt Nam. Hình ảnh của một vị lãnh tụ hiện lên giản dị và gần gũi trong suy nghĩ của Văn Cao, thôi thúc ông nhanh chóng hoàn thành ca khúc ca ngợi Hồ Chủ tịch”, họa sĩ Văn Thao kể .
Ông cũng cho rằng giai điệu và ca từ mở đầu ca khúc được lấy cảm hứng từ chính hình ảnh lúc Bác Hồ đang đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trưởng Ba Đình vào ngày 2/9/1945. Lúc đó, nhạc sĩ Văn Cao đứng ở dưới khán đài với tư cách là thành viên trong Việt Minh cùng với các chiến sĩ cách mạng và hàng vạn đồng bào khác hướng nhìn và dõi theo giọng đọc trầm ấm của Bác.
“Sự im lặng của hàng vạn con người khiến nhạc sĩ có cảm giác họ như đang nuốt từng lời Bác nói. Từ hình ảnh đó, ông mới viết thành những lời mở đầu đầy xúc động: “Người về mang tới niềm vui/ Mùa thu lắng tỏa Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời/ Người về đem tới xuân đời từ đất nước cằn/ Từ bùn lầy cả cuộc đời vùng lên”, họa sĩ Văn Thao cao hứng hát lại đoạn mở đầu trong sáng tác của cha mình. Ông cũng không giấu diếm niềm tự hào khi cho rằng, "Ca ngợi Hồ Chủ tịch như một bài thánh ca về Bác”.
Ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch được nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu vào đúng dịp sinh nhật Bác năm 1949. Ngay sau đó, bài hát được đông đảo nhân dân yêu mến và trở thành một trong những ca khúc hay nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đánh giá về những giọng ca từng thể hiện bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch, họa sĩ Văn Thao cho biết, ông ấn tượng với giọng ca của NSND Quý Dương. “Sau này, trong lớp ca sĩ trẻ thì tôi thích cách thể hiện của NSƯT Đăng Dương”, con trai nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ.
Tối 17/1/2017 tới, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia 58 Quán Sứ, Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm lần đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên Đài Tiếng nói Việt Nam và chương trình nghệ thuật "Lời của non sông". Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên các Hệ phát thanh VOV1, VOV2, VOV3, các kênh truyền hình VOVTV, VTC1, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và trực tuyến trên VOV.VN. Mời quý khán giả, thính giả và độc giả đón xem và đón nghe. Bài hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" sẽ được NSƯT Đăng Dương thể hiện trong chương trình này.
Đào Bích
Bạn đang đọc bài viết "Chuyện chưa kể về ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của nhạc sĩ Văn Cao" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.