
Bạch Dinh với lối kiến trúc Châu Âu cuối thế kỷ 19, cao 19m, rộng 15 m, dài 28 m, gồm 3 tầng: Tầng hầm làm nơi nấu nướng; tầng trệt vừa làm nơi khánh tiết vừa dùng bày trí một số hiện vật cổ xưa như: Song bình bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ hoàng gia có niên đại Khải Định (1921), cặp ngà voi châu phi dài 170cm… Tầng lầu thoáng hơn dành cho việc nghĩ dưỡng. Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là 8 bức chân dung tạc các vị thần Hy Lạp thời cổ đại, từ gương mặt, mắt mũi đến sắc thái đều biểu hiện rõ ràng, sắc nét và tinh tế. Trải qua hơn thế kỷ, với bao biến đổi của thời gian, Bạch Dinh vẫn giữ nguyên tính sang trọng, hài hòa và uy nghiêm hiếm thấy.
Để xây dựng Bạch Dinh uy nghiêm và lộng lẫy, chính quyền thực dân đã cưỡng bức 800 tù nhân của thuộc địa lao động trong suốt 10 năm ròng.
Vào mùa này, đường lên Bạch Dinh hoa sứ nở từng chùm, dưới đất hoa sứ rụng ngập lối đi. Du khách đến đây ngỡ như lạc vào rừng hoa, mùi hương thoang thoảng làm dịu lòng người. Hoa sứ ở đây có nhiều loại: hoa màu đỏ, màu trắng, hoa trắng pha sắc vàng… góp phần tôn thêm cho thắng cảnh quốc gia.
Những họa tiết trên bình hoa, lọ, ấm trà, chóe… của bộ sưu tập gốm sứ Hòn Cau, cho thấy ở đây mô típ truyền thống như mai, đào, cúc, trúc biểu tượng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông của Trung Hoa được phát huy cao nhất. Bên cạnh đó còn có những tích xưa, như ngư ông đắc lợi, cưỡi ngựa bắn cung, lã vọng câu cá…. Mỗi tích là một bài học nhân văn vô giá, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc được chuyển tải qua từng món đồ gốm sứ.
Chẳng hạn tích Lã vọng câu cá kể về ông Khương Thượng thời nhà Chu ngồi câu cá trên bến sông, nhưng cần câu không có lưỡi. Thực ra mục đích của ông không phải câu cá mà là cái cớ để ngồi suy gẫm thời cuộc. Chu Văn Vương đã thấy được tài năng của con người khác thường này nên đã dời ông về làm quan. Về sau ông giúp nhà Chu làm nên cơ nghiệp. Qua đấy cho thấy, muốn làm nên cơ nghiệp không chỉ biết dùng người mà còn phải biết chờ đợi thời cơ.
Hay tích ngư ông đắc lợi, con cò mổ bụng con trai, con trai khép miệng kẹp luôn cả cổ con cò. Cò cố vùng vẫy để thoát ra, trai càng khép chặt miệng, cuối cùng người nông dân đến bắt luôn cả trai lẫn cò. Tích này muốn nói đến việc chỉ lo cắn xé nhau, thì cả hai đều bị thiệt, chỉ có kẻ ngoài cuộc được hưởng lợi. Rõ ràng cho đến nay những điển tích này đã trải qua bao thế kỷ, song vẫn còn nguyên giá trị!
Đáng lưu ý, trong loạt tượng gốm sứ Hòn Cau còn mang đến cho người thưởng ngoạn cảm xúc khác lạ, bởi giá trị nghệ thuật về các nhân vật võ lâm. 39 tác phẩm, mỗi bức cao chừng 10 cm, áo quần phủ đầy màu men, riêng những chỗ da thịt lộ ra thì để trần xương đất. Các bức tượng tuy nhỏ nhưng thể hiện hết sức tinh tế, đặc biệt trong cách diễn tả râu tóc và nét mặt của từng nhân vật không thấy có nét trùng lặp nào dù rất nhỏ…
Giờ đây du khách đến Bạch Dinh, không chỉ để thưởng thức cổ ngoạn hay chiêm ngưỡng Villa Blanche với lối kiến trúc độc đáo của Châu Âu cận đại, mà còn để hiểu thêm về lịch sử của Bạch Dinh cũng chính là một phần lịch sử của dân tộc./.
(Theo Báo Du Lịch)