Cách TP Huế về phía Tây Bắc chừng 7km, làng La Chữ thuộc phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh TT Huế là một vùng quê trù phú yên bình, bao quanh những cánh đồng lúa mênh mông xanh ngắt. Chúng tôi tìm đến La Chữ. Men theo con đường bê tông nhỏ, cậu bé mục đồng ân cần chỉ đường dẫn chúng tôi đến tận ngôi chùa của làng La Chữ, nơi lưu giữ quả chuông đồng cuối cùng của triều Tây Sơn. Tiếp chuyện kẻ hậu bối muốn chiêm bái tìm hiểu kỹ vật sót lại của cố nhân, ông Lê Phước Vân, người trong coi chuông chùa La Chữ kể lại…
Dưới thời vua Quang Trung, có một võ tướng trung thành tài giỏi tên là Võ Văn Dũng, ông cũng là con rể của làng La Chữ. Trong những năm theo vua chinh chiến, võ tướng Võ Văn Dũng đã lập được nhiều võ công, sau khi vua Quang Trung lên ngôi và định đô ở Phú Xuân, ngài phong cho ông chức Điện tiền Thái bảo Ngự giá quận công và cho lập dinh trấn ở làng La Chữ.
Năm 1791, vua Quang Trung đã cho đúc một quả chuông đồng La Chữ, đây như là một ân điển mà ngài ban cho người võ tướng trung thần của mình. Chuông này đặt ở chùa làng, do vợ chồng võ tướng Điện tiền Thái bảo, ngự giá Quận công Võ Văn Dũng cùng với nhạc phụ là ông Lê Công Học đứng ra làm hội chủ cúng dường.
Người xưa đục lỗ thân chuông nhằm hạn chế tiếng vang
Quả chuông nặng 3,5 tạ, có chiều cao 1,78m. Khác với những quả chuông ngày nay, quả chuông La Chữ được đánh giá là độc đáo nhất ở Huế, không chỉ vì nó là quả chuông còn lại cuối cùng của triều Tây Sơn mà còn bởi các hoa văn hoạ tiết trên thân của nó.
Hoạ tiết văn hoa trang trí của chuông không hề mang nặng dấu ấn của văn hóa Phật giáo như các quả chuông đương thời, vành trên đỉnh chuông được trang trí bằng bộ “tứ thời”: “Xuân, Hạ, Thu, Đông”.
Ô Xuân tượng trưng cho sự mềm mại của phái đẹp với các hoa văn như chiếc lược, ô Hạ được trang trí với hình ảnh là ngọn lá và thanh gươm, biểu thị cho sự cứng rắn của các đấng anh hùng. Ô Thu có hai bầu rượu quấn dải lụa mềm mại, ô Đông trang trí hình chiếc quạt lá vả và cuốn sách. Dưới các ô có hình 8 vị võ tướng tay cầm khí giới. Và dưới cùng là những hoạ tiết của bộ tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng”.
Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua vào năm 1802, để trả thù triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã cho đào mồ mả của vua Quang Trung lên, dùng chính sách tận diệt công thần vương triều cũ. Ngoài ra, hoàng đế triều Nguyễn còn thực hiện chính sách tiêu huỷ những dấu tích của triều Tây Sơn để lại như sách vở, đình làng, miếu mạo… Thế nhưng, người dân làng La Chữ đã không quản nguy hiểm đã bảo vệ chuông đồng thoát khỏi sự tiêu huỷ của nhà Nguyễn… Một trong số những biện pháp bảo vệ chuông đồng đó là đục lỗ nhằm làm giảm tiếng vang của chuông không cho nó ngân xa. Chính điều này mà quả chuông hôm nay có nhiều lỗ chi chit phía bên vành của nó.
Trong kháng chiến chống Mỹ, dù bom rơi đạn lạc, chùa làng bị đạn pháo bắn cháy tan tành, nhưng người làng La Chữ vẫn hết mình, không quản ngại hy sinh để bảo vệ chuông được nguyên vẹn. Ngày nay, phía trên đỉnh chuông vẫn còn lưu lại dấu tích là những lổ thủng lớn do đạn Mỹ bắn phá.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh loạn lạc, chiếc chuông đồng quý giá ngày ấy vẫn gắn bó với dân làng La Chữ cho đến tận hôm nay, trở thành kỷ vật của làng quê, và là linh khí nối kết những con người La Chữ với quê hương xứ sở.
Mỗi ngày trôi đi, cứ đến 19h là ông Vân lại ra chùa đánh một hồi chuông. Tiếng chuông ngân xa, vang xa dần rồi theo thời gian in đậm trong tâm thức mỗi người con La Chữ.
Theo ông Vân: “Tiếng chuông theo quan niệm những người xưa trong làng có tác dụng để “trừ tà ma”, nhưng cho đến những năm sau giải phóng, khi mà nhà nhà đi làm hợp tác xã thì tiếng chuông ấy mang một ý nghĩa khác. Nó chính là tiếng kẻng báo hiệu cho tất cả mọi người đến giờ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc cật lực, vất vả. Tiếng chuông vang lên, cũng là lúc mọi người quây quần bên mâm cơm ấm áp của gia đình.” “Với những người lớn tuổi trong làng như chúng tôi, thì tiếng chuông chùa La Chữ chính là kỷ vật ghi nhớ đến cái thưả mọi nhà sống bằng tem phiếu”, cụ Lượm, một bô lão trong làng trầm ngâm nhớ lại.
Chính điều này làm tiếng ngân của chuông chùa La Chữ càng trở nên sâu lắng trong lòng với mỗi người con xa quê. Dù đi đâu, về đâu thì trong trái tim họ vẫn luôn vang vọng tiếng chuông ngân, gợi cho họ nhớ về quê hương xứ sở.