Đền Ông Hoàng Mười tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
Viện Nghiên cứu Truyền thông Văn hóa Dân tộc, UBND huyện Hưng Nguyên phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An” nhằm nghiên cứu làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa có liên quan đến Đức Thánh Hoàng Mười ở Nghệ An trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn các di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại hóa đất nước hiện nay nói chung và sự nghiệp phát triển văn hóa du lịch ở Nghệ An nói riêng.
Biểu tượng Đức Thánh Hoàng Mười ở Nghệ An
Theo truyền thuyết dân gian, Ông Hoàng Mười (còn gọi là Ông Mười Nghệ An), là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước.
Cho đến nay có rất nhiều dị bản về thân thế của ông. Theo nhân dân vùng Nghệ Tĩnh thì ông được hóa thân thành Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh, làm đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân triều Lê.
Lại có một dị bản khác cho rằng ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lí Nhật Quang, con trai Vua Lí Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An. Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà).
Tại vùng đất xứ Nghệ, ông luôn một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân, ví dụ như có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế.
Cũng theo huyền tích dân gian thì trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam.
Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời.
Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười, không chỉ vì ông là con trai thứ mười của Vua Cha, mà còn vì ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn), không những ông xông pha chinh chiến nơi trận mạc, mà ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương. Ngày ông giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày tiệc chính của ông, vào ngày này, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa đền ông thật là tấp nập, trải dải đến tận đôi bờ sông Lam, người ta dâng ông: cờ quạt bút sách... để cầu tài cầu lộc cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.
Chúng tôi cho rằng, tất cả các truyền thuyết dân gian nói trên về Ông Hoàng Mười đều là những cách giải thích đượm chất huyền tích hóa một biểu tượng anh hùng xứ Nghệ, gắn với một nam thần tiêu biểu được dung nạp vào hệ thống Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.
Qua hàng trăm năm nay, biểu tượng này càng ngày càng được tôn sùng và phổ cập do sức sống và sự lan tỏa mãnh liệt của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà việc hầu đồng, hát văn là những hình thức phổ biến và có sức truyền cảm mạnh mẽ. Trong nghi lễ hầu đồng, văn hay hát để thỉnh Ông Mười bằng việc nhắc đến công trạng của Ông tại Nghệ An:
“Ông Mười trấn thủ Nghệ An
Để ca ngợi tài, đức của ông, người ta đã sáng tác những bài thơ lục bát cho dễ hiểu, dễ nhớ và diễn đạt thành những câu hò xứ Nghệ, ví dụ như:
“Gươm thiêng chống đất chỉ trời
Bên cạnh đó, còn tấu theo điệu hò Nghệ Tĩnh để ca ngợi Thánh Ông:
“Muối đã mặn ba năm còn mặn
Đền thờ Thánh Ông Hoàng Mười - một di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tại Nghệ An
Đền ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, toạ lạc trên vùng đắc địa "sơn thuỷ hữu tình". Đền nằm giữa một cánh đồng lúa bát ngát, biệt lập với làng mạc, phía sau là núi Dũng Quyết được coi là “ hậu chẩm”. Nhìn từ trên cao sẽ thấy hình tượng đầu một con Hạc đẹp tuyệt do những con sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành, đầu con Hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Đấy là nơi có đền thờ ông Hoàng Mười linh thiêng, "Mỏ Hạc Linh Từ" là tên chữ của đền, có nghĩa là ngôi đền linh thiêng toạ trên vùng đất có hình "con hạc" mà đền lại nằm ở vị trí phía "mỏ".
Theo các nguồn tư liệu hiện có, đền được xây dựng năm 1634, từ thời hậu Lê trên mảnh đất bằng phẳng với diện tích 10.615m². Trước đây đền có quy mô bề thế với các công trình kiến trúc như tam quan có voi quỳ, hổ phục, cửa tả cửa hữu với đôi cột nanh sừng sững, ba toà hạ điện, trung điện và thượng điện uy nghi. Trong chiến tranh chống Mỹ phá hoại miền Bắc, đền phải tạm rời vào làng. Đến năm 1995, đền mới được khôi phục lại và vẫn giữ được hình dáng ban đầu.
Toàn bộ kiến trúc của đền ông Hoàng Mười mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Hệ thống gỗ trong di tích được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ. Ông Hoàng Mười được thờ tại đền là một danh tướng thời nhà Lê, gốc ở tỉnh Nghệ An, được nhân thế hoá, phàm tục hoá thành Thái uý Vĩ quốc công, trở thành vị thần chính ở đền.
Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa thì giả thuyết ông Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí, người con sinh ra tại Nghệ An, được trao quyền trấn thủ Nghệ An và là người có nhiều công lao khai khẩn và phát triển xứ Nghệ. Bởi xét về lịch sử ngôi đền được xây dựng vào năm 1634, tức cùng thời của Nguyễn Xí. Hơn nữa, Nguyễn Xí lại là quan đại thần, là bậc khai Quốc công thần dưới thời Lê, có công phò vua đánh tan giặc Minh xâm lược, khi thiên hạ thái bình, ông lại cùng ăn, cùng ở với dân, giúp bách tính vượt qua khổ ải vươn đến phú quý, hưng thịnh. Xét trên công lao đó, dân chúng chí tôn ông là Thánh Hoàng Mười là điều hiển nhiên và cũng hợp với ý nguyện của muôn dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong số 21 đạo sắc phong cho Thánh Ông Hoàng Mười, đáng chú ý là đạo sắc phong của vua Khải Định ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) tôn phong ông là “Quang uý Trung đẳng thần”, trong tín ngưỡng tâm linh nhân dân tôn vinh là “Thượng đẳng thần”.
Tăng cường công tác bảo tồn khu di tích Đền Ông Hoàng Mười và các di sản văn hóa lễ hội của Nghệ An
Từ lâu nay, không chỉ có các thanh đồng đạo quan mới sùng bái và phối thờ Ông Hoàng Mười trong hệ thống tín ngưỡng thờ Tam - Tứ phủ ở Việt Nam mà ngay cả người dân không phải là đệ tử của Ngài cũng có đức tin qua những cuộc hành hương đi đến các di tích khấn cầu hay dự hầu đồng, xem lễ hội, trong số này Đền Ông Hoàng Mười tại Hưng Nguyên, Nghệ An và Đề Chợ Củi, Nghi Xuân, Hà Tĩnh là những nơi thu hút đông đảo khách thập phương từ mọi miền của đất nước.
Chính vì thế, bên cạnh việc tổ chức phục vụ chu đáo các hoạt động đón tiếp khách hành hương cần có kế hoạch tổ chức tốt các lễ hội, nhất là lễ hội đền ông Hoàng Mười vào ngày 10/10 âm lịch hàng năm. Lễ hội này có các hoạt động hấp dẫn như rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người… Chúng tôi cho rằng, để khai thác tốt những giá trị của di tích và lễ hội với tư cách là những tài nguyên du lịch độc đáo và hấp dẫn, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngành văn hóa, ngành du lịch và chính quyền các cấp của tỉnh Nghệ An.
Đồng thời, để khai thác có hiệu quả những tài nguyên du lịch này, cần xây dựng kế hoạch phối hợp quản lý khai thác những tài nguyên du lịch khác trên địa bàn Nghệ An nói chung, đặc biệt là cụm di tích tâm linh Đền Ông Hoàng Mười và quần thể di tích Phượng Hoàng - Trung Đô, (nơi được vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô trên đường kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh, cách ngôi đền không xa về phía Đông Bắc) với khu du lịch nghỉ dưỡng Cửa Lò, Cửa Hội.
Trước mắt, cần đề nghị các cơ quan văn hóa của tỉnh và Bộ ủng hộ việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng “Di tích quốc gia” cho khu di tích Đền Ông Hoàng Mười thuộc làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trên cơ sở khu di tích này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An quyết định xếp hạng “Di tích cấp tỉnh” từ năm 2002 và đặc biệt là vị trí đặc biệt của di tích này trong hệ thống tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 20016 vừa qua.
Viện Nghiên cứu Truyền thông Văn hóa dân tộc sẽ làm hết sức mình để tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, trong đó có hệ thống di tích của Tín ngưỡng Thờ Mẫu ở Việt Nam và khu di tích Đền Ông Hoàng Mười, tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Danh Ngà
Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thông Văn hóa dân tộc