Ấn tượng đầu tiên khi lên đỉnh núi Ấn là khí hậu mát mẻ. Ở đây hiện ra một vùng đất đỏ bazan bằng phẳng rộng lớn, có nhiều loài cây ăn trái như mít, xoài hoặc nhiều loại cây gỗ quý tỏa bóng mát và rất đông du khách từ mọi miền về đây tham quan. Trên đỉnh núi có ngôi chùa Thiên Ấn uy nghi dưới những tán cây cổ thụ. Theo một số tài liệu, ngôi chùa này được xây dựng từ 1694 đến cuối năm 1695 thì hoàn thành và đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716.
Một góc chùa Thiên Ấn - Ảnh: Báo Thanh niên
Trao đổi với báo Thanh niên, Hòa thượng Thích Hạnh Trình, trụ trì chùa Thiên Ấn, cho biết chùa được khởi công xây dựng vào năm 1694, một năm sau thì hoàn thành. Tổ khai sơn chùa là thiền sư Pháp Hóa, người Phúc Kiến (Trung Hoa), thuộc dòng thiền Lâm Tế. Vào đời Lê Dụ Tông (năm Vĩnh Thịnh thứ 11, năm 1717), chúa Nguyễn Phúc Chu, vì rất sùng đạo, đã ban cho chùa biển ngạch “Sắc Tứ Thiên Ấn Tự”. Cũng năm đó, chùa trùng tu lần thứ nhất, rồi tiếp tục trùng tu vào các năm 1827, 1910, 1918, 1959, như vậy đến nay chùa đã 5 lần trùng tu. Gần 320 năm từ ngày khai lập đến nay, chùa đã qua 15 đời trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, thường được gọi là lục tổ.
So với các ngôi chùa cổ trong nam ngoài bắc, kể cả chùa Ông Thu Xà, chùa không nổi bật lắm về kiến trúc nội thất, trừ nhà phương trượng được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, vốn là bộ khung mua lại của đình làng Phú Nhơn. Bù lại, chùa được xây dựng ở một vị trí có một không hai, đó là đỉnh đồi Thiên Ấn, một thế đất thiêng trong tâm tưởng người dân Quảng Ngãi.
Kỳ bí “giếng phật”
Trong không gian trầm mặc xung quanh là cây cối um tùm, ngôi chùa có vẻ u tịch. Nằm nép mình bên một gốc bồ đề cổ thụ là "giếng Phật" đã nhuộm màu rêu phong cổ kính.
"Giếng phật" chùa Thiên Ấn - Ảnh: hanhtrinhtamlinh.com
Theo báo Đất Việt, Bác Nguyễn Văn Hùng, người dân sống ở đây cho biết: "Tui nghe người ta đồn đại về giếng Phật ở chùa Thiên Ấn, đặc biệt là thời gian gần đây, rằng uống nước "giếng Phật" có khả năng chữa được rất nhiều bệnh. Có người đi viện nằm vật vã hàng tháng trời mà bệnh tình không thuyên giảm, dù được các bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng cũng phải trả về. Có tin đồn, uống nước giếng Phật ở chùa Thiên Ấn thì bệnh sẽ khỏi ngay. Không rõ thực hư ra sao nhưng dân trong vùng và nhiều nơi khác cứ ùn ùn kéo về xin nước".
Một đồn mười, mười đồn trăm,… ai cũng tìm cách để "mục sở thị" giếng Phật, người dân khắp nơi đổ xô về "giếng Phật" mong múc cho được một ca "nước thiêng" mà uống.
Tuy nhiên, một trong những điều bí ẩn đến bây giờ chưa có thể lý giải, đó là nước giếng có tác dụng như người ta đồn thổi từ lâu hay không? Liệu rằng uống nước ở "giếng Phật" sẽ trường thọ, chữa được bách bệnh, gột rửa tội lỗi, phàm tục trong mỗi con người để trở nên trong sạch hơn hay không?… Và còn nhiều lời nguyền từ "giếng Phật" nữa...