Không biết tự khi nào, người Hà Nội truyền tai nhau rằng “đến Phủ Tây Hồ cầu danh cầu lộc, đến Chùa Trấn Quốc cầu phúc cầu an và đến Chùa Hà để cầu duyên cầu tình”. Có lẽ nhờ sự linh ứng trong chuyện tình duyên mà Chùa Hà thu hút khách đông đảo thập phương, nhất là nam thanh nữ tú thường xuyên lui tới lễ bái khấn cầu. Nhiều bạn trẻ tìm được người trong mộng, nhiều đôi lứa hạnh phúc bên nhau đã thêu dệt nên những huyền thoại giữa đời thường.
Đậm đà bản sắc Việt
Chùa Hà thực chất là tên tắt thường gọi để chỉ cụm công trình bao gồm Đình Bối Hà, Chùa Hà (Thánh Đức Tự) và Điện thờ mẫu tam bảo. Cụm công trình này tọa lạc cuối phố Chùa Hà thuộc Phường Dịch Vọng – Quận Cầu Giấy – TP. Hà Nội. Tương truyền rằng, Chùa Hà một gia đình làm nghề gốm quê Bối Khê khởi dựng vào thời nhà Lý. Các công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu, tái thiết để có diện mạo như hôm nay và được xem là một trong những công trình cổ kính lớn và nổi tiếng vào bậc nhất ở Hà Nội.
Đến thăm cụm công trình kiến trúc Chùa Hà, du khách sẽ thấy các công trình được thiết kế theo từng khu riêng biệt. Phía bên trái là Chùa Hà (tự Thánh Đức), trước cửa là tam quan, đồng thời là tháp chuông hai tầng, giữa sân chùa là hồ bán nguyệt, nhà tiền đường năm gian lợp ngói mũi hài. Phía bên tay phải là đình Bối Hà xây kiến trúc hình chữ Đinh thờ thành hoàng Triệu Chí Thành có công đánh giặc Lương, phía ngoài là thiên trụ, bên cạnh là nghi môn nhỏ, trong sân đình có thiên trụ thứ 2 ngăn cách sân lớn và sân nhỏ. Theo lối nhỏ giữa đình và chùa, du khách sẽ thấy điện thờ Thánh Mẫu tam bảo, trước là phương đình có đặt đỉnh và đôi hạc lớn, sau phương đình là bái đường gồm năm gian với kiến trúc vùng Bắc Bộ. Chùa có quả chuông cổ niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799).

Các công trình kiến trúc đều được xây dựng theo lối kiến trúc cổ với cột xà làm bằng gỗ quý có tuổi đời cả ngàn năm. Cụm công trình kiến trúc Chùa Hà là mô hình thu nhỏ của văn hóa làng xã của người Việt bao gồm các công trình Chùa – Đình – Điện được xây sát nhau. Việc xây dựng tập trung các công trình trong một khuôn viên như vậy vừa tao ra không gian rộng rãi, lại dễ dàng quy tụ dân chúng vào các dịp lễ tết hay khi có việc làng. Đây là lối kiến trúc vừa quen thuộc lại vừa độc đáo, đậm đà bản sắc làng quê Việt.
Những huyền thoại tình yêu
Chưa thấy có điển tích nào lý giải cho tên tuổi chùa Hà tại sao lại linh thiêng trong chuyện tình duyên. Thế nhưng, ngày lễ cũng như này thường, khách thập phương, đặc biệt là nam thanh nữ tú đông như trẩy hội tìm đến chùa khấn vái, nguyện xin. Vì thế, hoa hồng, loài hoa biểu tượng của tình yêu được bày bán rất nhiều con phố Chùa Hà; người viết sớ thuê cũng ngồi trước cổng chùa đông không kể siết; các quầy hàng cũng bày bán đủ các loại vòng đôi nhẫn đôi. Dân gian bảo người đến Chùa Hà thường là những người cô đơn. Theo lẽ thường những người không có nhan sắc sẽ ít có người theo đuổi nhưng có một khó hiểu là tới lễ Chùa Hà chỉ toàn “trai xinh, gái đẹp”. Lẽ nào thời đại ngày nay người đẹp mới dễ cô đơn?

Có biết bao câu chuyện tình duyên mỹ mãn gắn liền với tên tuổi của Chùa Hà được lưu truyền trong dân gian. Có những người tình duyên gặp trục trặc tưởng như lỡ dở được hàn gắn sau khi đến Chùa. Có nhiều bạn trẻ đau khổ vì bị bồ đá tới Chùa Hà lễ khấn, một tháng sau gặp được người như ý rồi nên duyên vợ chồng. Có nhiều người không chinh phục được người mình yêu nên tới chùa lễ bái chưa đầy tuần sau đối phương đã nhận lời yêu. Còn biết bao thanh niên “FA” đến chùa cầu duyên ra về chưa đến nhà thì bắt gặp người trong mộng…
Đến Chùa Hà, du khách sẽ không đủ sức để lắng nghe đủ đầy một ngàn lẻ mấy trăm câu chuyện tình duyên đẹp như mơ nhờ phúc lộc từ ngôi phát sinh Chùa cổ kính này. Ai đến đây cầu khấn cũng đều được linh ứng nên mọi người truyền nhau rằng “Đức ông Chùa Hà, Đức Bà Chùa Hương”. Quả thật những huyền thoại được thêu dệt trong dân gian đã làm cho ngôi chùa trở nên linh thiêng và có sự ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý tình cảm của thanh niên Hà thành biết bao thế hệ qua.
Điểm du lịch tâm linh
Với lối kiến trúc độc đáo cùng những huyền thoại tình duyên được thêu dệt, ngôi Chùa Hà thực sự trở thành công trình kính trúc cổ kính và linh thiêng. Những điểm quý giá hội tụ đã biến cụm công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Việt trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách, nhất là những bạn trẻ đang sống trong cô đơn. Đây cũng là điểm nhấn đặc sắc khiến cho ngôi Chùa Hà có nét riêng không lẫn vào đâu được và cũng không tìm thấy ở ngôi chùa nào về sự linh thiêng trong chuyện cầu duyên như Chùa Hà.
Gần đây lãnh đạo quận Cầu Giấy, đặc biệt là phường Dịch Vọng đã quan tâm rất nhiều đến việc bảo quản, tu bổ cụm công trình Chùa Hà. Trong đó, Ủy ban phường Dịch Vọng còn tổ chức biên soạn và cho ra đời cuốn sách “Di tích lịch sử - văn hóa Đình – Chùa Hà và tư liệu Hán Nôm” vô cùng giá trị và ý nghĩa. Ngoài ra, chính quyền phường Dịch Vọng còn cho in cuốn sổ tay và tờ bướm giới thiệu sơ lược về Chùa Hà, Đình Bối Hà và Điện Thờ Mẫu tam phủ giúp du khách có thể hiểu rõ các giá trị của các công trình kiến trúc này.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Anh – Phó Chủ tịch UBND Phường Dịch Vọng cho biết, trong quy hoạch của Quận Cầu Giấy, Chùa Hà được xem là cụm công trình kiến trúc ý nghĩa cần phải bảo vệ và phát triển cách đặc biệt. Vì thế, quận Cầu Giấy cũng xếp Chùa Hà vào điểm du lịch tâm linh trọng điểm của quận nhằm thu hút khách thập phương. Về phía phường, ông Ngọc Anh cũng cho biết ủy ban phường đã có những chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời trong việc quản lý, tu bổ cụm công trình lịch sử này. Phường cũng đang triển khai việc xây dựng và quảng bá cho cụm công trình kiến trúc Chùa Hà.
Giữa không gian mênh mang thăm thẳm của những khối nhà cao tầng, cụm công trình kiến trúc Chùa Hà vẫn tồn tại như bảo chứng khẳng định sự bất biến các giá trị tâm linh truyền thống và đặc sắc. Điều quan trọng nhất hiện nay đặt ra là chính quyền cần phải có quy hoạch và giải pháp đồng bộ nhằm tôn tạo và phát huy các giá trị truyền thống vốn có với các chiến lược và hành động cụ thể. Bên cạnh đó người dân cũng cần phải nâng cao hiểu biết và tích cực góp phần bảo vệ sự linh thiêng cho các công trình văn hóa – tâm linh.
Nhật Nguyên - Phụng Thiên