Chùa Giám – Danh lam cổ tự nổi tiếng Hải Dương

07/11/2016 08:07

Theo dõi trên

Chùa Giám, tên chữ là Nghiêm Quang Tự, tọa lạc ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Từ xưa, chùa Giám đã được liệt hạng Danh lam cổ tích, tương truyền khởi dựng từ thời Lý - Trần, chùa thờ Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Từ hướng Hải Phòng qua thành phố Hải Dương, tới Ghẽ thì gặp con đường nhỏ bên phải đi vào... Đường đi rộng 5m hai bên đồng ruộng, gió xuân mơn man qua da mặt mát lạnh pha lẫn hương đất, bụi mua xuân hờ hững trên vai áo, cảm nhận đất trời. Đi khoảng 4km tới chùa Giám.

Ngay trước cổng Tam Quan chùa có 3 chữ Hán "Quán Tự Tại". Qua cổng Tam Quan là hai bên vườn cây xanh, một hồ hình chữ nhật thả hoa súng. Cách một lối đi là hồ Non Bộ, vườn cảnh mô phỏng thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Liền đó là sân tiền đường rộng lát gạch vuông mầu đỏ, xung quanh là nối đi sang hai nhánh. Bên phải là 5 gian nhà khách thoáng mát với những cánh cửa gỗ chạm khắc hình nổi từng ô, rất kỳ công tạo thành những bức tranh ước lệ. Chỉ khoảng vài chục hàng chữ nhưng chứa đựng hàng trăm năm thời gian, ghi dấu bao công lao to lớn của danh y Tuệ Tĩnh và công đức của những người tạo dụng chùa từ bao đời nay.



Toàn cảnh chùa Giám.

Nguyên thủy của chùa Giám là Nghiêm Quang Tự do sư Hải Triều trụ trì, vốn nằm trên nền đất trống phía đông huyện Cẩm Giàng. Chùa được xây dựng năm 1336 vào thời Lý, thời đó người ta dựng chủ yếu bằng gỗ, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, lợp ngói đỏ. Bởi vậy, khi ngôi chùa hình thành đã trở thành một công trình văn hóa nghệ thuật của Phật giáo thời kỳ bấy giờ và rất có giá trị về lịch sử, nghệ thuật với thời nay.

Do thời gian và ảnh hưởng của bom đạn chiến tranh nên ngôi chùa cổ đã bị xuống cấp nhiều. Tháng 4 năm 1970 chùa Giám chuyển về xã Cẩm Sơn ngày nay, cách mặt bằng cũ gần 7 km, được dựng lại nguyên kiến trúc cũ. Do các tượng và các vật liệu có giá trị văn hóa cần phải được bảo tồn nguyên dạng nên việc di chuyển tượng hoàn toàn phương tiện thô sơ rất công phu trong suốt ròng rã 7 tháng trời. Đến năm 1975 chùa Giám ở khu đất mới hoàn chỉnh.

Trong chính điện có các tượng Phật Thích Ca và các vị Bồ Tát, tượng Phật Đản Sinh, tượng Quan Âm Thị Kính và Thập Điện Diêm Vương. Trong nhà phẩm là tòa tháp Cửu Phẩm Liên Hoa bằng gỗ hình lục giác màu cánh sen có 9 tầng, mỗi tầng có 19 vị bồ tát bằng đồng ngự và 54 tầng cánh sen nổi, khắc những họa tiets sinh động. Có tất cả 145 pho tượng, duy nhất tượng phật A Di Đà ngự tầng trên cùng. Khách viếng chùa không thể chiêm ngưỡng gần mà chỉ bái vọng mà thôi.




Cửu phẩm liên hoa - báu vật chùa Giám.

Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa nặng 4 tấn, nếu đẩy sẽ xoay vòng tròn, là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật bằng gỗ độc đáo nhất trong kiến trúc phật giáo ở Việt Nam. Riêng bức tượng đồng A Di Đà được đúc năm 1712 do Thái phi Trương thị Ngọc Chứ, Liễu Hạnh công chúa, Hòa Diệu đại vương, Đức Bà đóng góp công đức. Năm 1717 chùa đức tượng đồng Quan Âm Thánh Vị 24 tay và năm 1775 xây dựng điện Thiên Đế cũng do các cung tần và một số người khác thời ấy đóng góp công đức xây dựng.

Bên ngoài chính điện là 2 dẫy hành lang có 11 gian thờ, 18 vị La Hán. Hậu đường có 7 gian thờ Thiền Sư Tuệ Tĩnh và thờ Sư Tổ. Quan sát toàn cảnh kiến trúc chùa Giám, ta thấy các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã tạo trên mặt bằng của chùa sự liên hoàn của các hạng mục tôn lên vẻ tráng lệ cổ kính, ẩn chứa nhiều tầng giá trị văn hóa. Ngôi nhà phẩm rộng 7,90 m2 cao trên 10m, khung nhà bằng gỗ, mái ngói vẩy cá rêu nâu đều đặn, 4 góc mái uốn cung hình đuôi rồng nổi rõ dưới nền trời vừa mền mại vừa uy nghi. Bên trái là khu tháp Tổ màu xám trắng rêu phong, xung quanh xào xạc cây xanh bên vài cây cao thanh cảnh. từ nhà Tăng đến dãy nhà khách, nhà thọ trai đều được xây cất với một phong cách rất riêng của kiến trúc Việt Nam. Bục lá trầu không cuốn quýt cây xanh ngả chùm quả như muốn níu bàn tay lá trầu. Cây hồng xiêm nặng cành, các loại hoa thơm quanh vườn tỏa hương bốn mùa. Bên nhà Nghè cây đa cổ thụ xòe tán rộng.




Khám thờ Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Lễ hội đầu tiên được tổ chức để tượng niệm những bậc tu hành và viên tịch tại đay là: Hòa thượng Thích Thanh Mão giỗ vào ngày 28 tháng 11, hòa thượng Thích Thanh Bồi giỗ vào ngày 15 tháng 2. Mặt khác chùa là nơi Tuệ Tĩnh từng tu hành và làm thuốc chữa bệnh nên ông được tôn thờ tại chùa và lễ hội được tổ chức hàng năm là kỷ niệm và tôn vinh vị thánh thuốc nam Tuệ Tĩnh.

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 làng có chùa, nghè và đình, lễ hội được tổ chức chung của cả làng và bắt đầu từ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Lễ hội do hội đồng kỳ mục và các vị chức sắc lý dịch đứng ra tổ chức, có sự chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Lệ "làng vào đám" được quy định như sau: Làng cử ra một ông tuổi từ 50 trở lên, nuôi một con bò từ trước để làm lễ, bò nuôi để cúng tế thần linh nên nhân dân gọi là "ông bò". Người được nuôi bò phải cho "ông" ăn cỏ sạch, thức ăn phải nấu chín và được chăm sóc rất cẩn thận từ trong bữa ăn, giấc ngủ, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày. Ngày 10 tháng 3 làng chuẩn bị kiệu đến nhà nuôi bò. Đoàn rước "ông bò" được bố trí đám thanh nhiên trẻ khỏe, mặc áo nâu đỏ, thắt khăn đầu rìu rước bò từ nhà ông đám về đình và nghè để làm lễ cúng thành hoàng. Người chủ trì đám rước bò phải là hương dịch, hội đồng tộc biểu và các cụ bô lão, trong đám rước có người cầm cờ, quạt , tán, lọng che cho bò. Lễ tế Thanh hoàng được diễn ra long trọng. Đội tế nam có từ 15 đến 17 người. Người đọc văn tế phải có chức sắc trong làng.

Ngoài lễ vật cúng là Bò, làng còn chuẩn bị lễ chay gồm xôi, hoa nghi giầu rượu, hương đèn. Các hoạt động diễn xướng có tuồng, chèo, hát ví, hát đúm làm cho không khí lễ hội tưng bừng vui vẻ, mang đậm nét dân gian. Ở chùa Giám ngoài việc lễ phật, nhân dân vẫn mua lá làm lễ xin thuốc thánh, sân chùa bày bán đủ các thứ lá làm lễ thuốc.

(Theo Làng Việt Online)

Tuệ Bình
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Giám – Danh lam cổ tự nổi tiếng Hải Dương" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.