Thanh Chương

Chùa Đại Giác - Ngôi chùa cổ từ thế kỷ XVII

20/01/2016 10:50

Theo dõi trên

Được xây dựng từ thế kỷ XVII, chùa Đại Giác (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là ngôi chùa cổ kính gắn liền với sự ra đời phát triển của thương cảng Cù Lao Phố.

Đại Giác là ngôi chùa cổ có niên đại sớm của tỉnh Đồng Nai, nơi minh chứng cho sự hiện diện của người Việt ở đất Đồng Nai từ giữa thế kỷ XVII, trước khi chúa Nguyễn quan tâm đến vùng đất Đàng Trong, có nghĩa là người Việt đã có mặt ở đất Đồng Nai trước khi nhóm khai khẩn Trần Thượng Xuyên đến (năm 1679) hay Thống xuất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phía Nam (năm 1698).

Chùa Đại Giác còn gọi là Đại Giác cổ tự, Chùa Tượng hay chùa Phật lớn (có tượng Di đà lớn) là ngôi chùa cổ kính gắn liền với sự ra đời phát triển của thương cảng Cù Lao Phố.



Chùa Đại Giác

Tương truyền, Đại Giác ban đầu là ngôi chùa có quy mô, kiến trúc nhỏ hẹp: vách ván, cột gỗ, lợp ngói âm dương. Năm 1779, Nguyễn Thị Ngọc Anh, công chúa thứ ba của vua Gia Long trên đường chạy trốn quân Tây Sơn đã đến trú ngụ tại chùa. Do vậy, khi Nguyễn Ánh lên ngôi (Gia Long nguyên niên 1802) đã nhớ ơn, ban chiếu chỉ trùng tu ngôi chùa. Dựng thêm lầu chuông và lầu trống ở mái trước; nối thêm phía sau chánh điện làm giảng đường, nhà cầu; làm bức tượng Phật A Di Đà cao 2,25m bằng gỗ quý hiện còn lưu giữ tại chùa.

Mười tám năm sau (1820), vua Minh Mạng lại cho tu sửa, sơn phết phía bên trong; làm nhà trù, nhà bếp; Công chúa Ngọc Anh đã cúng một tấm hoành phi sơn son thiếp vàng ghi “Đại Giác Tự” treo ở phía trước Chánh điện.

Sau trận lụt năm Nhâm Thìn (1952), mối mọt nhiều, Phật tử và bô lão địa phương vận động bá tánh góp công góp của trùng tu ngôi chùa. Năm 1960, Hòa thượng trụ trì Huệ Minh cho xây cất lại toàn bộ chùa bằng gạch, cột đúc bê tông cốt thép, mở rộng phía trước và hành lang hai bên tạo nên quy mô, kiến trúc như ngày nay.

Năm 1966, chùa được bổ sung thêm hai tấm liễn lớn và năm bức hoành phi ở chánh điện. Tháng 3 năm 1975, chùa được đổ mái bằng, đúc bê tông cốt thép làm hội trường. Năm 1988, Đại đức Thích Trí Hưng cho sơn phết lại toàn bộ liễn đối, hoành phi, tượng, bộ đèn bách sư 49 ngọn. Và cho xây dựng tượng Phật bà Quan Âm trước chùa và hàng rào vào năm 1989. Sau nhiều lần trùng tu từ kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, chùa Đại Giác đã được thay đổi thành chữ Đinh, bao gồm: Chánh điện, hội trường, nhà giảng nối tiếp nhau, nhà trù, nhà bếp và các bảo tháp bên hông chùa.

Các tượng phật, bức riềm, liễn đối…trong chùa được trạm khắc công phu thể hiện nhiều đề tài phong phú của các nghệ nhân xưa. Mỗi đề tài đều thể hiện những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân về một tương lai đủ đầy. Họ ước muốn về mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, nuôi trồng đánh bắt thuận lợi. Điều này đã khắc họa rất rõ nét qua từng nhát chạm trổ của các bức tranh, bức riềm. Ngoài ra, đây còn là niềm tự hào của nghệ thuật tạo hình, điêu khắc truyền thống của người dân Biên Hòa – Đồng Nai.

Chùa Đại Giác dần dần đã gắn liền với đời sống của người dân Cù lao phố nói riêng và vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai nói chung. Cứ mỗi độ tết đến xuân về, mọi người lại nô nức lên chùa cầu nguyện một năm mới sức khỏe, an khang, thịnh vượng, cầu cho đất nước thanh bình, gia đinh ấm no hạnh phúc. Khi bước chân đến cửa chùa thì tất cả mọi người đều gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình vào đức Phật, họ tin rằng sẽ có một phép nhiệm màu qua lời cầu nguyện. Đây chính là giá trị tâm linh mà bấy lâu nay Phật pháp đã xây dựng trong lòng mọi người dân.

Du khách đến thăm chùa sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tôn giáo quy mô, đồ sộ. Tuy mới được trùng tu vào giữa thế kỷ XX nhưng chùa vẫn lưu giữ được các đường nét cổ xưa. Trong sân chùa, dưới gốc bồ đề cổ thụ có tượng Phật bằng đá cẩm thạch đang trầm mặc, ánh mắt hiền hòa làm ấm lòng biết bao con người và tượng Quan âm Nam Hải hiền hậu đứng trên tòa sen nhìn xuống chúng sinh như xóa tan mọi ưu phiền cho du khách.

Hiện nay, nằm trong tuyến du lịch trên sông Đồng Nai tham quan Cù Lao phố, Trung tâm văn hóa du lịch Bửu Long, làng bưởi Tân Triều, Văn miếu Trấn Biên… thì chùa Đại Giác nằm trên đất Cù Lao phố là điểm đến đầy thú vị. Mỗi năm chùa Đại Giác đón nhận hàng ngàn lượt khách đến tham quan, đông nhất là vào các dịp lễ Phật Đản và ngày giỗ tổ 2 – 3/ 9 âm lịch hằng năm.

Chùa Đại Giác cũng đã được Bộ VHTTDL xếp loại di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.


Trang Trang (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chùa Đại Giác - Ngôi chùa cổ từ thế kỷ XVII" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.