Chùa Bà Đanh - dấu tích xưa còn đó

28/07/2015 22:12

Theo dõi trên

Được biết đến bởi sự vắng vẻ, u tịch qua câu thành ngữ dân gian “Vắng tanh như chùa Bà Đanh” nhưng ngoài việc nổi tiếng vì vắng ấy thì ít ai biết rằng chùa Bà Đanh - ngôi cổ tự có lịch sử hàng ngàn năm - này còn rất đẹp với nhiều thần tích nhuốm đầy màu sắc huyền bí mà cho đến nay vẫn chưa khám phá hết.

 
Bến nước chùa Bà Đanh nhìn từ phía bên này sông và con đường dẫn vào chùa được lát đá luôn được du khách thập phương chọn làm nơi chụp ảnh lưu niệm

Từ ngã ba Hồng Phú trên quốc lộ 1A rẽ sang quốc lộ 21 khoảng 10 km, vượt qua cây cầu Cấm Sơn bắc ngang qua dòng sông Đáy hiền hòa thơ mộng khoảng 1km nữa là đến chùa Bà Đanh. Ngoài tên gọi dân dã thì chùa Bà Đanh còn có tên chữ là Bảo Sơn Tự, chùa tọa lạc trên một vùng đất cao ráo nằm giữa ngã ba sông, thuộc  địa  phận làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa có cổng quay về phía Nam, hướng ra con sông Đáy quanh năm nước chảy. Chùa Bà Đanh là một hệ thống tổng thể kiến trúc bao gồm nhiều công trình khác nhau với khoảng 40 gian nhà. Bên cạnh đó chùa Bà Đanh còn là đền nên ngoài thờ Phật, trong chùa còn thờ Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu và Tứ Pháp thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam thời xa xưa. Tượng Bà Chúa Đanh (Thần Pháp Vũ) được thờ trong chùa tương truyền chính là vị nữ thần chuyên điều mưa khiển gió giúp cho việc sản xuất, canh tác nông nghiệp của người dân vùng này được thuận lợi hơn.
 
Truyền rằng, xa xưa vùng đất chiêm trũng này quanh năm lụt lội, mùa màng thất bát khiến cho cảnh đói kém xảy ra triền miên. Người dân ở đây thấy rằng vùng Kinh Bắc (khu vực Bắc Ninh ngày nay) do lập đền thờ Tứ Pháp – là một trong những tín ngưỡng dân gian rất phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nước ta hồi thế kỷ thứ VII, bao gồm thần Mây (Pháp Vân), thần Mưa (Pháp Vũ), thần Sấm (Pháp Lôi), thần Chớp (Pháp Điện) thì cuộc sống trở nên sung túc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nghĩ vậy nên người dân ở đây bèn họp nhau lại đưa ra ý định lên xứ Kinh Bắc xin chân nhang về để thờ thì xảy ra một chuyện lạ: Một cụ già trong làng kể lại rằng mình nằm mộng thấy một người con gái trẻ trung, xinh đẹp với vầng trán cao, khuôn mặt phúc hậu hiện về cho biết mình được các Thần cử về đây chăm nom, cai quản vùng đất này và dân làng muốn làm ăn yên ổn thì hãy chọn khu rừng đầu làng làm nơi dựng đền thờ.
 




Dù đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng chùa Bà Đanh vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp của kiến trúc Phật giáo Việt Nam
 
Khu rừng đó bấy giờ rất rậm rạp sát bờ sông, cạnh đó là một ngọn núi nhỏ nhô mình ra mặt nước. Nghe xong dân làng quyết định bỏ công góp của để dựng đền thờ. Đền vừa dựng xong được ít lâu thì có một cây mít cổ thụ ngàn năm tuổi ở cạnh đền bị gió bão quật đổ, cho là sự lạ nên dân làng đã lấy gỗ cây mít ngàn năm tuổi đó để tạc tượng và làm ngai để thờ vị nữ thần đã báo mộng cho dân làng và gọi là Đền Bà Đanh. Cũng kể từ đó, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng ấm no do mưa thuận gió hòa, không còn cảnh lụt lội, mùa màng thất bát triền miên như trước nữa.
 
Lúc đầu mới xây dựng, xung quanh là rừng cây rậm rạp nên đền chỉ là tranh tre nứa lá đơn sơ. Đến đời vua Lê Hy Tông (1675 – 1705) đền được xây dựng lại khang trang hơn, đồng thời có lệnh cấm xây nhà dựng cửa quanh khu vực đền nên quang cảnh nơi đây càng thêm trang nghiêm, tĩnh lặng. Tất cả những công trình kiến trúc bề thế trong chùa hiện nay là do những lần trùng tu, tôn tạo từ thế kỷ thứ XIX trở lại đây. Về sau dân làng rước thêm tượng Phật về thờ trong đền nên lâu dần dân trong vùng gọi là chùa Bà Đanh. Năm 1994, chùa Bà Đanh cùng quần thể Núi Ngọc được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
 
Lý giải cho sự vắng vẻ đã đi vào thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” của ngôi cổ tự này, có thuyết cho rằng lý do ngôi chùa trở nên vắng vẻ như vậy vì nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý là sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến đây. Tuy nhiên, theo các cụ cao niên trong làng Đanh Xá thì lý do chùa Bà Đanh luôn vắng vẻ là trước đây, chùa nằm biệt lập phía bên này sông, đường xá đi lại khó khăn, xung quang lại là rừng rậm thâm u, muốn sang tham quan phải đi qua đò nên nhiều người ngại, chính vì lẽ đó nên ngôi chùa luôn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có.
 
Vài năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của ngôi cổ tự này, nhiều dự án đầu tư, tôn tạo như: Mở đường, xây cầu bắc qua sông khiến cho việc tham quan, đi lại của người dân cũng như khách tham quan được dễ dàng hơn. Cùng với các công trình tâm linh nổi tiếng khác, chùa Bà Đanh đã góp phần làm lên một bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Hiện nay, thương hiệu “Vắng như chùa Bà Đanh” lại trở thành điểm đến hấp dẫn khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu tại ngôi cổ tự này.
 
Đ.C.N

Bạn đang đọc bài viết "Chùa Bà Đanh - dấu tích xưa còn đó" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.