
Bảo tàng trung tâm có hình bánh dày bánh chưng
Đón khách bằng hai hàng “Thần công tướng quân”
Toàn bộ khu liên hợp công trình (gồm 1 bảo tàng trung tâm, 6 bảo tàng vệ tinh và các công trình phụ) nằm trên khoảng đất rộng đến 10 ha.Sở dĩ nơi đây được định danh là “Bảo tàng cổ vật tư nhân lớn nhất Đông Nam Á” là vì có đến 300.000 cổ vật đang được trưng bày ở đây. Trong đó nhiều nhất là cổ vật thuộc nhóm “Văn hóa Việt” - cũng là điểm nhấn được trưng bày ở Bảo tàng Trung tâm. Đó là một tòa nhà rộng 3.000m2 gồm 2 tầng lầu ốp kính cường lực. Trên khoảnh sân rộng dẫn vào bảo tàng là hai hàng súng thần công ngạo nghễ chào đón khách (trong đó có một “lão thần công tướng quân” rước từ thành Nhà Hồ - Thanh Hóa).

Những kiệt tác Việt
Ở Bảo tàng Cổ vật Văn hóa Việt, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những kiệt tác của tiền nhân trải qua rất nhiều thời kỳ. Từ thuở hồng hoang dựng nước (với các nền Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh (I), góp với nền Văn hóa Óc Eo (II) đến những thế kỷ cận đại, làm cho đất Việt thêm dồi dào những hiện vật biểu trưng của các tộc người qua mọi thời kỳ...

Trống đồng
Có thể nói đồ đồng, đồ gốm và đồ gỗ là 3 dòng chất liệu tạo nên nét đặc sắc của Văn hóa Việt. Cho nên, vừa bước chân khỏi tiền sảnh, đập vào mắt du khách là dãy trống đồng Đông Sơn đã lên ten xanh nhuốm màu thời gian. Kế đó là hai bộ mõ đồng treo lủng lẳng. Những chiếc mõ có kích cỡ khác nhau trên 3 tầng (trên là hàng mõ nhỏ, giữa là hàng mõ vừa, dưới cùng là hàng mõ lớn). Khiêng dàn mõ là những nữ binh gươm giắt ngang thắt lưng gợi nhớ những nữ anh hùng đất Mê Linh. Nghe nói đây là những dàn nhạc mang tên “Khải hoàn” dùng để thúc quân ra trận hoặc mừng chiến thắng trở về. Thế nên nhìn dàn trống đồng và 2 dàn nhạc mõ này, tưởng như hồn thiêng sông núi đang gióng lên những hồi trống chiêng giục giã...

Dàn mõ bằng đồng và khiêng dàn mõ là những nữ binh gươm giắt ngang thắt lưng
Ngoài rất nhiều nồi đồng, lư đồng... ở đây còn trưng bày cặp rắn thần bằng đồng khá lớn, đang uốn mình, ngóc đầu, thè lưỡi rất “khí thế” hoặc 2 cặp kỳ hươu (III) cũng đang co cẳng, ngoác mồm trông thật dữ dằn. Có thể nói, tất cả cổ vật bằng đồng đang trưng bày ở đây đều được đúc, chạm bằng kỹ thuật cao
tượng kỳ hươu bằng đồng copy.

Về chất liệu gốm, phải kể đến những cổ vật tuyệt đẹp đời Lý - mới được phát hiện trong các đợt khai quật về “hoàng thành Thăng Long” (trong đó có mái đầu đao hình đầu chim phụng vẫn còn nguyên vẹn và hoàn mỹ, lớn nhất Đông Nam Á), rồi gốm Chu Đậu (Hải Dương), gốm Bát Tràng (Bắc Ninh), gốm thời Trần, thời Lê, gốm men lam Huế (thời Nguyễn)... Đặc biệt có khá nhiều đồ “ngự dụng” (đồ dùng của vua) và các quan chức đầu triều (hoàng gia, tể tướng, thượng thư...) như những chiếc âu gốm vẽ hình rồng uốn lượn trong mây, có âu vẽ hình rồng 5 móng hoặc 4, 3 móng... (IV). Nhiều chiếc lư được chạm trổ cầu kỳ hình long phụng hoặc lư bằng đồng có 4 con lân (3 con đeo ở thân, 1 con ngồi trên nắp), chứng tỏ là vật dụng của giới thượng lưu. Đặc biệt có 3 chiếc lư bằng gốm (2 vuông, 1 tròn) được cho là “đỉnh cao của gốm thời Mạc”.

Còn hiện vật bằng sắt thì khá khiêm tốn, có lẽ do chất liệu này dễ bị oxi hóa, hoen gỉ, không bảo quản được lâu. Tuy nhiên, ở Bảo tàng Cổ vật Văn hóa Việt vẫn có khá nhiều bộ “bát bửu binh khí”, chiến cụ thời Tây Sơn, súng điểu mai, hỏa thương... có cả những khẩu súng lục từ thời người Châu Âu mới giao lưu với Việt Nam (hiện đại nhất có lẽ là một khẩu đại liên, chắc của quân đội Pháp, đã hoen gỉ nhiều).

Về chất liệu gỗ, ấn tượng nhất là 3 bức tượng “Phúc, Lộc, Thọ” bằng gỗ xá xị, cao lớn hơn người thật, chạm khắc sinh động. Ở đây còn có rất nhiều bộ ván (sập gụ) bằng danh mộc, được chạm trổ khéo léo nhưng lại được “tận dụng” để làm bàn trưng bày các hiện vật. Điểm nhấn của các cổ vật gỗ là các sản phẩm cung đình như: ngai vàng, chiếc giường có khảm mặt đá (để nằm cho mát) của Nam Phương hoàng hậu, giường ngủ tương truyền của nữ tướng Bùi Thị Xuân, bức bình phong khảm xà cừ với các họa tiết long phụng, hoa lá và bài văn bằng chữ Hán Nôm kín cả 3 mặt (giữa và 2 cánh). Điểm xuyến cho hiện vật gỗ là các bộ rễ cây, lũa cây được chạm khắc thiên hình, vạn trạng...

Tiêu biểu cho văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Óc Eo là các đồ vật dùng trong sinh hoạt thường ngày (đồ trang sức, rìu đá, cung nỏ, lu chóe, thuyền độc mộc, mộ chum, tượng nhà mồ...), hoặc trong tín ngưỡng (linga-yoni, tượng các thần hình thú và hình người, tượng Phật...).

Bên ngoài bảo tàng chính còn có 6 bảo tàng phụ nằm liền một dãy (mỗi bảo tàng rộng khoảng 800m2). Mỗi bảo tàng phụ trưng bày một nhóm hiện vật, như: 1. Cổ vật có xuất xứ từ Trung Hoa; 2. Cổ vật thuộc nhóm tâm linh; 3. Nhóm cổ vật liên quan đến “lửa”; 4. Cổ vật xuất xứ từ Nhật Bản; 5. Cổ vật từ 10 nước Đông Nam Á; 6. Nhóm cổ vật xuất xứ từ Âu Mỹ.

(Theo Báo Người Tiêu Dùng)