Chợ nổi một thời

13/04/2016 16:10

Theo dõi trên

Ngày đó, khi lên 7 tuổi, tôi được mẹ dẫn đi chợ mỗi ngày. Đó là chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), cách nhà tôi gần 5 cây số.



 Một góc chợ nổi Cái Bè
 
Do chợ xa nhà nên buổi tối của ngày hôm trước mẹ đã chuẩn bị mọi thứ. Rồi khi tờ mờ sáng ngày hôm sau, ba giúp mẹ bê các rổ cam, rổ chanh, quýt… lên xuồng để đem ra chợ bán, còn ba thì lội sang đồng bên để suốt lúa mướn.
 
 Mẹ xốc tôi dậy trong cơn ngái ngủ rồi hai mẹ con ra chợ trong cái lạnh của buổi sáng mờ sương vào những ngày đông. Chợ diễn ra ngay đoạn dọc theo cù lao Tân Phong ở khúc sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre dài cả cây số.
 
Chợ chỉ buôn bán hàng nông sản là chính, ngoài ra còn bán một vài thứ khác như thức ăn, thức uống… Nơi đây là địa điểm giao lưu hàng hóa đường sông có tiếng giữa ba tỉnh miền Tây Nam bộ.
 
Đặc điểm của chợ nổi là người bán không treo biển hiệu mà ghe thuyền nào bán vật gì thì treo vật đó lên một cây bẹo (hay cây sào) như là dấu hiệu để nhận biết. Bẹo ở đây là bẹo hình, bẹo dáng.
 
Vốn cư dân xưa của vùng đất Nam bộ ít chữ, nên họ dùng cây bẹo để nói lên những thứ họ bán, vì vậy tập tục đó được lưu giữ đến ngày nay. Nếu bạn bán nhãn, thì trên cây sào treo chùm nhãn, bán chuối thì treo nguyên nải chuối, bán ổi thì treo trái ổi…
 
Điều này để “thượng đế” nhận biết cũng là cách tiếp thị độc đáo từ xa. Tuy nhiên, cũng có những món hàng người bán treo nhưng lại không bán, đó là quần áo được phơi lên sau khi đã giặt.
 
Cũng trong lần đi chợ này, với đôi mắt trẻ thơ lạ lẫm, tôi đã hỏi mẹ: “Mẹ ơi, lá dừa xanh người ta cũng bán hả?”. Mẹ hướng nhìn theo ngón tay búp măng tôi chỉ, rồi cười: “Người ta bán ghe thuyền đó con. Do chiếc thuyền to quá, người ta treo lên không được, nên phải treo một tàu lá dừa”.
 
“Thế sao người ta không treo thứ khác mà phải treo tàu dừa?”, tôi hỏi cắc cớ. Mẹ chau mày suy nghĩ giây lát rồi nói: “Mẹ cũng chịu thua, con trai ạ!”. Thế là thắc mắc ấy đến bây giờ vẫn chưa có câu giải đáp.
 
Theo mẹ đi chợ nổi, điều tôi thích nhất là được ăn quà, trẻ con mà. Tuy nhiên người bán hàng ăn không bao giờ treo trước thuyền thứ gì, mà phải do con mắt “thượng đế” nhìn từ xa hay gần trong khoang thuyền đoán xem họ bán gì.
 
Mẹ thường hay để tôi lên thuyền hàng ăn của người quen, cho tôi ngồi ăn bánh lọt, bánh canh… còn mẹ thì rảnh tay buôn bán. Khi mẹ bán hàng xong, bơi thuyền đến rước tôi và hai mẹ con cùng về nhà.
 
Giờ thì quán xá, chợ búa mọc lên như nấm sau cơn mưa. Vậy mà mẹ vẫn giữ thói quen bơi xuồng đi chợ nổi. Mẹ nói, một ngày vắng chợ nổi Cái Bè mẹ buồn, mẹ nhớ như kẻ ly hương….
 
(Theo Báo Nông Nghiệp)

HOÀNG DUY
Bạn đang đọc bài viết "Chợ nổi một thời" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.