Chờ ánh lửa trên đèo Hải Vân

14/11/2016 14:00

Theo dõi trên

Giờ Tý đã trôi qua từ lâu mà vẫn không thấy ánh lửa xuất hiện trên đỉnh đèo Hải Vân, ruột gan Phan Thành Tài nóng như thiêu đốt và đoán biết kế hoạch bị bại lộ, liền ra lệnh cho quân rút lui...


Lăng mộ Phan Thành Tài bên bờ sông Vĩnh Điện.

Phan Thành Tài sinh năm 1878, người làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con trai trưởng của cử nhân Giáo thọ Phan Thành Tích và bà Lê Thị Truyền. Tuy xuất thân trong một gia đình nho giáo nhưng ông theo tân học. Khi còn nhỏ, ông học chữ Hán rồi ra Đà Nẵng học quốc ngữ và tiếng Pháp, trở thành người tân học đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.

Ông sớm có tư tưởng tiến bộ, luôn đả kích lối học từ chương lỗi thời vì cản trở xứ ta theo kịp với đà tiến triển của thế giới. Mặc dù theo tân học nhưng ông tuyệt đối không làm nô lệ cho ngoại bang mà quyết theo sở học của mình để truyền bá tư tưởng văn minh tiến bộ trong phong trào cải cách Duy tân vào những năm đầu thế kỷ XX.

Sau phong trào đấu tranh chống thuế năm 1908 nổ ra đầu tiên tại Đại Lộc, thực dân Pháp và quan lại Nam triều ra sức bủa vây tất cả sĩ phu, đàn áp, bắt bớ, giam cầm bất cứ ai bị tình nghi. Phan Thành Tài và Thái Phiên thoát được các cuộc bố ráp của giặc thù, âm thầm chờ cơ hội vùng lên. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 thành công ở Trung Hoa, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam quang phục hội để tiếp tục vận động công cuộc cứu quốc với tôn chỉ: “Đánh đổ thực dân Pháp, giành lại độc lập cho nước nhà, thành lập một nước Việt Nam tự do, dân chủ”. Phan Thành Tài gia nhập hội và được cử giữ chức  trọng yếu trong Kỳ bộ miền Trung.

Năm 1914, chiến tranh thế giới bùng nổ, Việt Nam quang phục hội hoạt động ráo riết để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lật đổ bộ máy cai trị của giặc Pháp. Tháng 8 - 1914, Thái Phiên và cử nhân Lê Ngung, một nhà yêu nước ở tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc gặp mặt các chí sĩ của Trung kỳ tại Đà Nẵng và Phan Thành Tài cũng tham dự cuộc gặp này. Phong trào cứu nước từ đây được đẩy dần lên, lan sang các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…

Tháng 9 năm Ất Mão 1915, tại nhà ông Đoàn Bổng ở đường Đông Ba, Huế, Việt Nam quang phục hội tổ chức đại hội lần thứ nhất, cử Phan Thành Tài giữ chức “Nam nghĩa kinh lược” và Tổng tư lệnh Nam - Ngãi - Bình (tức các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ bùng nổ khắp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào giờ Tý ngày mồng 2 tháng 4 năm Bính Thìn (3 - 5 - 1916) và điểm khởi đầu từ Huế rồi đốt lửa trên đỉnh đèo Hải Vân để báo hiệu cho các tỉnh phía Nam nổi dậy.

Đạo binh của Phan Thành Tài đồng phục vải rằn, do chính vợ ông là bà Bùi Thị Hậu (1881 - 1967), người làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, đảm nhận việc dệt vải và may vá. Nghĩa quân của ông đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chiến đấu và dụng cụ cần thiết để leo vượt thành, túc trực sẵn sàng chiến đấu để đánh chiếm tỉnh thành Quảng Nam.

Ngày khởi nghĩa sắp cận kề thì Võ An, một lính khố xanh của Pháp nhưng tham gia hoạt động cách mạng, đã nói với em ruột của mình là Võ Huệ là lính canh gác tại Dinh án Quảng Ngãi biết sắp có cuộc nổi dậy của nghĩa quân. Võ Huệ sợ chết, liền xin phép về thăm nhà, mật thám Pháp nghi ngờ, bắt Huệ tra khảo, Huệ khai báo tất cả. Các quan tỉnh khẩn báo tin này cho Công sứ Pháp là De Tates điện về Huế. Quân đội Pháp triển khai các phương án đối phó, tổ chức các đợt tuần tiễu, truy lùng ở khắp nơi, chốt chặn tất cả các ngả đường nên nghĩa quân ở Huế đành án binh bất động.

Giờ Tý đã trôi qua từ lâu mà vẫn không thấy ánh lửa xuất hiện trên đỉnh đèo Hải Vân, ruột gan Phan Thành Tài nóng như thiêu đốt và đoán biết kế hoạch đã bị bại lộ, liền ra lệnh cho quân rút lui. Thế là cuộc khởi nghĩa bất thành và những ngày tiếp theo là các cuộc truy lùng gắt gao của giặc Pháp. Hàng loạt người bị bắt hành hạ, tra tấn hết sức dã man, hàng trăm người yêu nước bị chém giết tàn bạo, bị đưa đi Côn Đảo, Lao Bảo giam cầm…

Phan Thành Tài thoát được sự truy nã của giặc, chạy lên bến Giằng và ẩn sâu trong dãy Trường Sơn. Tại đây, ông được U Thay, một người có uy tín trong đồng bào dân tộc Cơ-tu, tận tình giúp đỡ, che giấu. Ở làng Bảo An, bọn giặc xộc vào khám nhà, tịch thu toàn bộ tài sản của ông, bà Bùi Thị Hậu đang mang thai gần ngày sinh nở bị đuổi ra khỏi nhà với đàn con nheo nhóc, thơ dại.

Lùng sục khắp nơi vẫn không bắt được Phan Thành Tài, giặc Pháp và Nam triều tung quân bao vây làng Bảo An; đe dọa thân nhân, dòng tộc, dân làng bằng mọi giá phải tìm cho được và mang ông về nộp cho chúng, nếu không Bảo An sẽ là biển máu. Để tránh chết chóc tang thương cho bao người dân vô tội, Phan Thành Tài đành phải để bà con thân tộc đưa về làng quê. Chuyến trở về đó có cả người kết nghĩa anh em U Thay đi theo. Vừa thấy ông, bọn giặc xông tới bắt trói, tống vào nhà lao tỉnh. Qua nhiều lần đánh đập, tra hỏi và dùng đủ phương kế dụ dỗ, nhục hình, song ý chí của Phan Thành Tài không hề lay chuyển.

Biết không thể khuất phục được ông, ngày 9 tháng 5 năm Bính Thìn (9 - 6 - 1916), bọn giặc đem Phan Thành Tài cùng U Thay ra chém ở một cồn hoang gần chợ Vĩnh Điện. Cảm kích trước sự hy sinh dũng cảm của Phan Thành Tài, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có bài thơ khóc thương ông và các đồng chí trong cuộc khởi nghĩa: “Khảng bả tây văn khứ tác nô/ Bất thành cam tự đoạn đầu lô/ Quốc trung tây học nhân như tức/ Thanh dạ môn tâm quý tử vô”. Nghĩa là: “Âu học không đem rút của người/ Chả thành đời sống vứt như chơi/ Kìa phường học mới đông như kiến/ Đêm hỏi lòng chăng có hổ ngươi!”.

(Theo Báo Đà Nẵng)

Thái Mỹ
Bạn đang đọc bài viết "Chờ ánh lửa trên đèo Hải Vân" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.