Tuổi thơ lớn lên trong êm đềm nhưng đầy nghịch ngợm của lũ trẻ con, nào là đá bóng, thả diều, hái rau, bắt cá... Muốn tụ tập lũ bạn thì phải qua sông, chiếc cầu khỉ là phương tiện qua sông duy nhất mỗi ngày. Ôi nhớ gì đâu cái cầu khỉ thân thương ấy. Chiếc cầu khỉ được làm từ tre, luồng, lồ ô, cau, dừa, phi lao,... đã qua ngâm bùn thối để chậm bị hư cây tre, người dân quê còn rất tinh tế khi làm cầu khỉ có tay vịn, uống cong và vừa với tầm di chuyển. Chốn quê là thế, để làm nên tác phẩm nào cũng cần có sự giúp sức của nhau, người một tay một chân như bà con mình hay nói.
Chiếc cầu là cầu nối giữa hai bên bờ sông, nơi nối tình người xích lại gần nhau bằng tình cảm mộc mạc, đậm tình. Với tôi, nó quá quen thuộc, gần gũi, nhớ có lần cùng lũ bạn nghịch ngợm qua cầu không vịn tay, nên đứa nào cũng té lăn quay, thiệt là vui không thể tả.
Bỗng nhiên nhớ lại thấy vui lạ thường, ký ức tuổi thơ như ùa về...
Cứ mỗi chiều từ bên chân cầu bên đây bọn trẻ con réo bên kia đi chơi náo nhiệt cả xóm. Ôi, cái thời ấy sao vô tự lự nhỉ. Cũng từ chiếc cầu khỉ ấy chị hai đã được anh hai đón về trong cái đám cưới xứ miệt vườn bình dị mà hạnh phúc, không biết có phải hữu ý hay không mà hôm rước chị hai khi qua cây cầu khỉ ấy, anh hai trượt chân té xuống nước, bọn trẻ con quê tôi được dịp cười no cả bụng...
Hôm nay tự dưng ngồi nhớ lại ngày xưa, nhớ con Hồng xóm bên cứ chiều chiều là bắt thằng Điều dắt qua cầu vì cái tội con nhỏ lùn không với được tay vịn. Nhớ cây so đũa, hàng dâm bụt cạnh cây cầu khỉ của nhà bà Ba sau một trận chơi cất nhà chòi thì toàn để lại hiện trường bà Ba dọn dẹp và sau đó là bị mắng vốn đến tặng nhà.
Đến đời cháu con tôi không biết có còn chiếc cầu khỉ bắt ngang sông, con đường làng uốn éo ấy không nhưng hình ảnh ấy vẫn hiện hữu như thước phim quay chậm. Hi vọng ở quê tôi và những làng quê khác vẫn giữ được cái nét của làng quê bằng hình ảnh chiếc cầu khỉ bắc ngang sông... Yêu lắm chiếc cầu in sâu trong miền nhớ.
(Theo người Lao Động)