Chàng Đông Ki Sốp của Đại học Y Dược Huế: Định mệnh là thứ bắt mình phải nỗ lực cố gắng hết mình!

30/01/2015 14:25

Theo dõi trên

“Người ta nói đến nhiều về định mệnh, về một thứ gì đó vô hình cột chặt vào con người. Với em, em cũng tin có số phận nhưng em cũng tin số phận nó bắt mình phải sống hết mình, đưa đẩy mình phải cố gắng hết sức mình chứ không hẵn là ngồi một chỗ đề rồi mọi thứ nó trôi qua vô vị”.



Chàng Đông Ki Sốp Trần Văn Hiền

Chàng Đông Ki Sốp xứ Quảng

Câu nói triết lý của Hiền (sinh viên Trần Văn Hiền - năm 4, Khoa Dược, Đại học Y Dược Huế) làm tôi nghĩ nhiều về cái gọi là “số phận”, phải chăng “Thiên tạo” đã tự đặt ra những bất hạnh khó khăn như một phần của định mệnh rồi bắt con người phải tìm cách bước qua Tôi tự hỏi, tại sao một chàng trai còn quá trẻ (Hiền SN 1992), gầy còm, cao lều khều chẳng khác gì chàng hiệp sỹ Đông Ki Sốp trong tiểu thuyết của văn hào Tây Ban Nha - Xecvantec lại có thể thốt ra được một câu nói mang nhiều sự chiêm nghiệm cuộc đời đến như vậy

Hiền lặng lẽ cười, cậu cười hiền như chính tính cách của mình, trầm lắng nhưng mãnh liệt, ẩn chứa trong nụ cười ấy là cả sức sống bền bỉ, là sự lạc quan về tương lai lẫn thực tại cuộc sống. Có lẽ những biến cố gia đình, những mất mát tổn thương của một thời niên thiếu đã làm Hiền trở thành một chàng trai mạnh mẽ, trầm tĩnh, vững vàng như hôm nay.

Hiền bảo: “Nếu an phận, có lẽ em đã không còn sống cho đến bây giờ. Anh biết không, ngay từ khi sinh ra, em đã bị bệnh hen suyễn, lại sinh thiếu tháng nên suy dinh dưỡng nặng. Trong làng 10 người thì cả 10 cho rằng số em khó sống nổi chứ đừng nói là lớn lên một cách bình thường. Mẹ em khi ấy bất chấp mọi thứ vẫn cố giữ lại em, bảo rằng dù có thế nào vẫn phải nuôi em… Cho đến khi em 10 tuổi mà người ta vẫn không tin là em vẫn có thể sống tiếp”.


Trong ký ức của Hiền, hình ảnh bố chỉ là một tờ giấy trắng trọn vẹn. Hiền chưa từng biết đến bố mình là ai, ông còn tồn tại hay đã mất??? Hiền không rõ. Hiền chỉ biết rằng, mẹ mình, một cựu chiến binh (xã Phụ Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) khi ấy đã phải đơn độc sinh ra Hiền. Trong tuổi thơ, dấu ấn của Hiền về người mẹ là sự tần tảo chịu đựng mọi nỗi mất mát của cuộc đời, chịu đựng tật bệnh để nuôi Hiền nên người, được ăn học bình thường như bao người. Căn nhà tranh xiêu vẹo trống hoác chẳng có thứ đồ vật dụng quý giá với 4 con người nhỏ bé cô lẽ. Mẹ và dì của Hiền, những con người đã bước băng qua một thời đại hào hùng của dân tộc, đã cống hiến hết tất cả tuổi thanh xuân, họ là chứng nhân, cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại, họ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho những năm tháng ác liệt nhất, để đến khi xế chiều, họ lầm lũi đơn thân gối chiếc. Hiền và chị gái của Hiền đã ra đời chính là từ khao khát cháy bỗng về một mái ấm gia đình của họ…

Tuổi thơ của Hiền là quá trình chống chọi với bệnh tật, những người dân ở nơi thôn 7 nghèo, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn vẫn còn nhớ như in những lần cậu bé Hiền lên cơn hen suyễn, cậu nằm ngất ra ngay trên đất thở gấp gáp một cách khó nhọc như thể người ta đang gần…hấp hối. Bao lần tưởng chừng như sẽ chết đi vì không thể chịu được nữa, nhưng nghĩ đến hình ảnh người mẹ già quanh năm chống chọi với bạo bệnh do di chứng của tra tấn, tù đày trong chiến tranh để lại khiến cậu bé vẫn cố gắng bò dậy, đứng lên để thành người lớn sau này có thể nuôi mẹ, nuôi dì… Hiền lớn lên từ những lần ngã xuống như vậy.

Ngày ấy, khi nhập học, những cô giáo thầy giáo ở trường tiểu học xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn đều ái ngại trước hình ảnh của cậu bé Hiền gầy còm, thở hắt như không ra hơi. Mọi người cho rằng, với sức khỏe ấy, Hiền sẽ khó có thể theo học được một cách bình thường như bao bạn bè khác. Nhưng thấy bạn bè cùng trang lứa đến lớp, được học, được vui chơi cười đùa, Hiền khao khát vô cùng. Bất chấp mọi thứ, Hiền vẫn chăm chỉ đến trường. Chẳng những thế, Hiền còn trở thành một học sinh cực kỳ xuất sắc… cho đến ngày bước vào cánh cửa đại học.

Hiền đỗ vào Trường Đại Học Y Dược Huế (số điểm khá cao, gần như tuyệt đối 2 môn Lý Hóa). Đó là thành quả lớn lao cho những năm tháng nỗ lực hết sức mình để vượt lên bất hạnh cuộc đời và trở thành biểu tượng vượt khó của một thế hệ học sinh ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam khi ấy.

“Mẹ đau ốm triền miên vì chất độc da cam và di chứng vì bị địch bắt tù đày tra tấn trong chiến tranh, dì cũng vậy! Mẹ và dì đã luôn mong mỏi, động viên em phải cố gắng học hành cho nên người. Rồi chị gái em, chị em cũng phải bỏ học từ sớm để đi làm kiếm tiền nuôi em ăn học. Chị em ngày đó cũng học giỏi lắm! Vì chính những điều đó, em không thể dừng lại dù bất cứ giá nào, khi còn người ta đủ đầy thì mọi thứ sẽ qua đi một cách đơn giản. Nhưng trải qua những điều đó thì mới hiểu hết giá trị cuộc đời mang đến, để biến trân trọng những gì người thân yêu nhất dành cho mình mà cố gắng. Em nghĩ đó cũng là số phận, số phận làm cho khó khăn và bắt mình không thể đầu hàng được”.

Cùng tuổi, cùng trường với Hiền, nhiều sinh viên khác đến lớp với những chiếc xe máy đời mới hoành tráng, thậm chí còn đi ô tô đi học, tiền bạc, đồ hiệu rủng rỉnh. Nhưng với tôi những thứ đó chẳng có ý nghĩa gì cả, dù sao đa phần những thứ đó là của… các bậc phụ huynh. Nhưng Hiền thì khác, tôi phục cậu, ngưỡng mộ nỗ lực của cậu, ít ai biết được rằng trong những năm tháng sinh viên, để có thể theo học, Hiền phải tự xoay sở, tự trang trải nuôi thân. Chị gái đi lấy chồng, gia cảnh chồng cùng chung cảnh nghèo khó như nhau nên chẳng giúp gì nhiều được cho em trai. Người mẹ già và dì ruột quanh năm ốm đau triền miên, số tiền trợ cấp nhỏ nhặt hàng tháng thì chỉ có thể lo đủ số tiền thuốc men, cơm gạo. Theo đuổi ước mơ trở thành nhà khoa học sau này, Hiền đi làm thêm, gia sư, dạy kèm và mở lớp luyện thi đại học. Cũng chính điều này, Hiền đã trở thành “tổ sư” của Group Diễn đàn “Giải đáp Hóa học” – Diễn đàn ôn luyện thi môn Hóa học trực tuyến hiện đang được rất nhiều học sinh sinh viên quan tâm yêu thích. (địa chỉ https://www.facebook.com/Hienpharmacist). 

Trong năm 2012, Hiền đã được Tỉnh Đoàn Quảng Nam trao tặng Bằng khen về tấm gương học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi.

Tình yêu với môn Hóa học

Để sống có ý nghĩa, con người ta thường phải có một niềm đam mê nào đó. Với Hiền, hóa học là niềm đam mê cháy bỏng của cậu. Yêu thích hóa học đến mãnh liệt thế nên chẳng khó hiểu khi ngay từ thời học phổ thông, Hiền đã học rất giỏi về môn học “khó nhai” này (Hiền từng đạt giải học sinh giỏi tỉnh môn hóa học). Vào đại học, được tiếp xúc với những giảng viên là chuyên gia đầu ngành hóa học, Hiền không bỏ qua cơ hội này để tiếp tục tìm tòi nghiên cứu chuyên sâu về hóa học với ước mơ trở thành nhà khoa học trong tương lai.

Cũng trong quá trình gia sư nhằm trang trải cuộc sống, Hiền đã nhìn thấy được thực trạng về việc đại đa số học sinh giờ đây rất kém hứng thú với môn hóa học. Và Hiền đã nghĩ ra ý tưởng thành lập một diễn đàn mở về môn học này nhằm tạo ra sự hứng thú cho các em học sinh, tạo điều kiện ôn thi môn hóa học cho các em năm cuối PTTH. Diễn đàn “Giải đáp Hóa học” ra đời từ chính ý tưởng đó của Hiền. Điều đáng mừng là hiện nay Group đang nhận được những phản hồi rất tích cực của các bạn học sinh trên cả nước và ngày càng được các bạn học sinh sinh viên quan tâm yêu thích. Điều này khiến Hiền rất vui.

Vẫn biết hóa là môn học rất khó, cần nắm rõ bản chất và ghi nhớ rất nhiều tên của các chất, hợp chất, nguyên tố, và riêng bản thân tôi vốn không thích hóa, lại học không được tốt môn này thời phổ thông nên rất thắc mắc về việc tại sao Hiền là tìm cách “vác tù và hàng tổng” như vậy, không chỉ tìm cách truyền hứng thú, hàng ngày Hiền còn phải trả lời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn câu hỏi về lý thuyết hóa học của các thành viên diễn đàn (thông qua Facebook hoặc điện thoại). Việc này đâu phải dễ?

Chưa kịp dứt lời, Hiền cười đáp: “Khi anh đã yêu thích, đam mê rồi thì mọi thứ đâu có quan trọng, miễn là mục đích của việc mình làm tốt cho nhiều người là được, nó giống như anh mở lớp võ rồi đi dạy lại miền phí cho mọi người vậy thôi. Với em, nhiều người quan tâm hóa học, yêu thích hóa học là niềm vui vô cùng rồi”.

Hiền đã rất khéo léo khi truyền niềm đam mê của mình cho các em, thông qua bài giảng, hay các lần giải đáp chuyên đề trên facebook hay offline trên thực tế, Hiền lòng vào đó các mẩu chuyện bên lề thú vị về công nghệ hóa học hiện đại, những ứng dụng của nó… để các em hiểu hơn về ý nghĩa thực tiễn của môn Hóa học. “Chỉ cần có hứng thú là các em thức sẽ tiếp thu tốt về kiến thức được học thôi mà”, Hiền bật mí bí quyết vốn chẳng có gì xa lạ.

Hiện nay không chỉ tổ chức thi thử trực tuyến qua facebook, Hiền và ban quản trị Group còn tổ chức thi thử trên thực tế với các thành viên Page tại Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng. Để tổ chức được một kỳ thi này, Hiền thường liên hệ với các trường trên địa bàn TP Huế rồi mượn phòng cho các thành viên tham gia thi. Và chính Hiền cũng là người ra đề thi. Những bộ đề thi của Hiền được giới chuyên môn đánh giá là bám sát chương trình học và có tính phân loại. ”Anh Trần Tánh, giáo viên môn Hóa, trường THPT Nguyễn Khuyến - TP. Hồ Chí Minh (thành viên Ban quản trị Group Giải đáp hóa học”) nhận xét. Giải thưởng cho các kỳ thi trực tiếp hay trực tuyến mà Hiền đứng ra tổ chức tuy chỉ là hộp bánh, hay ngòi bút bi, nhưng tác dụng thực sự của nó đã được minh chứng qua trực tiếp. Sau thời gian tham gia ôn luyện thi đại học trên diễn đàn với Hiền, rất nhiều học sinh đã thi đỗ đại học với điểm thi môn Hóa tương đối cao. (Nổi bật nhất trong số đó chính là sinh viên Nguyễn Thành Nhân, (lớp Chất lượng cao) Á khoa trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - kỳ thi đại học 2013, người đã đạt 9,75 điểm môn hóa khối A và 9,5 điểm môn Hóa khối B. Nhân chính là người đã được Hiền kèm cặp và tìm cách vá lổ hỏng kiến thức môn Hóa trong suốt 2 năm cuối cùng khi còn học THPT). Đây chính là thành quả cũng là niềm vui lớn nhất mà Hiền đã có được. Cùng với đó số lượng thành viên Group Diễn đàn “Giải đáp hóa” học không ngừng tăng lên nhanh chóng.

Vĩ Thanh

… Người ta nói, mọi thứ trong cuộc đời này vốn đều đã có sự hợp lý, cuộc đời không cho ai điều gì, cũng không lấy đi của ai điều gì. Với Hiền cũng vậy, nếu không có những bất hạnh của thời niên thiếu, không có những khó khăn trong cuộc sống cần một nghị lực vô cùng lớn để vượt qua, liệu sẽ có một chàng Đông Ki Sốp của ngành Dược - Trường ĐH Y Dược Huế như hôm nay? (Biệt danh của Hiền là Đôn Ki Hô Tê).

“Để học tốt môn Hóa thì cần chăm chỉ tìm đọc bằng được những cuốn sách chuyên hóa có ở thư viện trường, tích cực trao đổi với các giáo viên bộ môn những gì còn thắc mắc chưa rõ, và đặc biệt là phải… tích cực làm các thí nghiệm hóa học. Trong một bài giải, phải cố gắng nắm vững bản chất của cách giải và vận dụng kiến thức tìm tòi ra những phương pháp giải khác”,  “Tổ sư” Group Giải đáp Hóa học chia sẽ kinh nghiệm.
 
Uông Ngọc Tân

Bạn đang đọc bài viết "Chàng Đông Ki Sốp của Đại học Y Dược Huế: Định mệnh là thứ bắt mình phải nỗ lực cố gắng hết mình!" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.