Cầu ngói Thanh Toàn: Nét đẹp vùng quê xứ Huế

01/07/2019 16:41

Theo dõi trên

Nằm giữa khung cảnh yên bình của làng quê Thanh Thủy Chánh, cầu ngói Thanh Toàn là một trong những cây cầu cổ nhất, có kiến trúc đẹp nhất nước ta. Đây cũng được coi là điểm đến đặc trưng cho hình ảnh thanh bình, êm đềm của đồng quê xứ Huế.



Hình ảnh thanh bình, êm đềm của đồng quê xứ Huế. Ảnh: Nhân Dân

Nằm ở làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, cầu ngói Thanh Toàn là điểm đến nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo Sở Du lịch địa phương, hàng ngày có khoảng 200 - 300 khách quốc tế đến thăm cầu ngói này, chưa kể khách trong nước. Cầu cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía đông nam, du khách đi theo đường Trường Chinh băng thẳng qua khu chung cư là tới.

Cầu được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m), chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói lưu ly.

Từ bên ngoài nhìn vào có cảm giác cầu như một ngôi nhà do trên cầu có mái che, phủ ngói lưu ly. Được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, ban đầu cây cầu có chiều dài 18,75m, rộng 5,82m. Trải qua dấu ấn tháng năm, lụt lội, chiến tranh... đã được xây dựng, trùng tu lại nhiều lần, kích thước đã bị thu hẹp chiều dài còn 16,85m và rộng là 4,63m.

Cầu có bảy gian, chính giữa là gian thờ bà Trần Thị Đạo, người đã có công xây dựng cây cầu này. Tương truyền bà là con cháu dòng họ Trần có chồng làm quan dưới triều vua Lê Hiển Tông, để cầu tự bà đã dùng tiền của mình để làm phúc cho dân làng, để việc đi lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân.

Cầu đầu tiên được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân xã đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ.

Cầu đã được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1847, 1906, 1956, 1971. Qua các lần tu sửa, kích thước thu hẹp chiều dài còn 16,85m và rộng là 4,63m.

Cuối năm 2016, cầu cũng đang được chuẩn bị hạ giải để trùng tu, tôn tạo với mức đầu t­ư dự kiến là 13,1 tỷ đồng.

Bên cạnh cầu, từ năm 2015 có một Nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn, trưng bày đầy đủ các loại nông, ngư cụ truyền thống và “kể” những câu chuyện sinh hoạt thôn quê, với sự trợ giúp kinh phí và phối hợp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Đặc biệt, đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu được Bộ Văn hoá cấp bằng công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 575QÐ/VH ngày 14 tháng 7 năm 1990.

 
P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Cầu ngói Thanh Toàn: Nét đẹp vùng quê xứ Huế" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.