Cần tôn trọng di tích gốc trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa

14/03/2016 17:57

Theo dõi trên

Một lần theo đoàn kiểm tra của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) tại hai địa phương Bình Dương và Bình Phước, phóng viên nhận thấy còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm trong công tác trùng tu, tôn tạo, bảo quản... di tích.

Nhiều di tích phát huy giá trị giáo dục, nhưng…

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có 44 di tích được xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Vài năm trở lại đây, địa phương này cũng đã chú trọng tiến hành triển khai một số đề án trùng tu, tôn tạo hầu hết các di tích cấp quốc gia trên địa bàn, tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. 

Một trong số các di tích đang khẩn trương trùng tu, tôn tạo là di tích lịch sử địa đạo Tam giác sắt (vốn đầu tư 225 tỉ đồng). Địa đạo Tam giác sắt nằm phía Tây Nam huyện Bến Cát, thuộc vùng đất 3 xã An Điền, An Tây và Phú An. Trong thời kỳ chống Mỹ, kẻ thù đã nhiều lần càng quét nơi đây bằng xe tăng, tàu chiến, nhưng chúng không thể nào khuất phục được lòng dân nơi đây. Sau nhiều lần thất bại, kẻ thù bất lực đành phải gọi vùng này là “Tam giác sắt”. Quần thể Khu di tích này có diện tích 17 ha, có đường địa đạo chính dài 18km, sâu 4m, nằm ở trung tâm xã An Tây. Kế hoạch trùng tu sẽ hoàn chỉnh, bao gồm một số hạn mục chính: Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhà tưởng niệm, nhà điều hành, nhà văn bia đài vọng cảnh, nhà chứng tích chiến tranh, tượng đài trung tâm…

Một di tích khác cũng đã được trùng tu là khu di tích lịch sử nhà tù Phú Lợi (vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng). Tuy nhà tù này tồn tại trong 8 năm (1957 - 1964) nhưng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” của những người chiến sĩ Cách mạng bị giam cầm. Nơi đây có 3 trại, 9 phòng giam, số tù nhân có lúc lên đến 6.000 người. Sau năm 1964, do điều kiện mới của chiến tranh, nơi đây chuyển thành tiểu khu quân sự của chính quyền Sài Gòn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hàng năm, di tích này đón khoảng trên dưới 50.000 lượt khách, đông nhất so với các khu di tích lịch sử khác trong tỉnh.

Một di tích Kiến trúc - Nghệ thuật khác cũng đã được chú trọng trùng tu là chùa Hội Khánh. Ngôi chùa tọa lạc dưới chân đồi (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương), xây dựng từ thế kỷ 18, theo lối kiến trúc tôn giáo, đồng thời cũng là công trình kiến trúc gỗ có diện tích xây dựng lên đến 1.211m2, lớn nhất Bình Dương. Trong những năm 1923 - 1926, chùa Hội Khánh là nơi ẩn thân của các nhân sĩ, nhà nho, nhà sư yêu nước như: Hòa thượng Từ Tâm, hòa thượng Từ Văn, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc… Cho đến nay, di tích này đã trải qua 7 lần trùng tu, lần trùng tu gần nhất năm 2006, bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Không có được những ưu thế như Bình Dương, trong số 10 di tích cấp quốc gia của Bình Phước, hầu hết nằm rải rác ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn. Trong khi BQL Di tích và Danh thắng mới thành lập cuối năm 2011, nên vấn đề quản lý còn nhiều hạn chế. Công tác trùng tu, tôn tạo những năm qua cho thấy chỉ mang tính cấp thiết, chỉ nhằm ngăn sự xuống cấp của di tích chứ ít có sự đầu tư lớn làm nổi bậc giá trị vốn có của di tích. Điều này thể hiện rõ qua một số di tích cấp Quốc gia, như: Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng - Sóc Bom Bo, khu di tích Bồn xăng – Kho nhiên liệu VK 98, Nhà giao tế Lộc Ninh, khu Mộ tập thể 3.000 người… Tại các khu di tích này, khách tham quan vẫn còn hết sức hạn chế. Nhiều di tích chưa có cán bộ thuyết minh, khách tự ý vào tham quan, một số di tích thiếu công trình vệ sinh… 

Nhiều di tích gốc bị biến dạng

Trong một lần kiểm tra các di sản văn hóa của hai địa phương Bình Dương và Bình Phước, ông Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VH, TT&DL cho biết, không riêng gì hai địa phương trên, hầu hết các địa phương khác trong cả nước hàng năm đều được Bộ VH, TT&DL cấp kinh phí đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích, đặc biệt là các di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy vậy, trong quá trình trùng tu, tôn tạo, nhiều địa phương chưa tuân thủ qui định của Bộ VH, TT&DL về qui chế bảo quản, trùng tu và phục hồi di tích Lịch sử - Văn hóa, danh lam thắng cảnh nên đã làm biến dạng, thậm chí mất luôn di tích gốc. Chính vì vậy, ông Hùng lưu ý các địa phương chú trọng hơn nữa đến công các trùng tu, tôn tạo, đặc biệt là nên tôn trọng nguyên bản các di tích gốc. Bởi các di tích “gốc” – đặc biệt là di tích lịch sử cách mạng, mất đi không thể nào phục dựng nguyên bản được. Đấy là chưa kể, không có một bài sử học nào dễ phát huy giá trị giáo dục bằng tham quan di tích lịch sử, văn hóa. Và thể bây giờ kinh tế của một số địa phương còn khó khăn, người dân chưa quan tâm đúng mực đến giá trị của di sản văn hóa dân tộc, nhưng một khi kinh tế phát triển chắc chắn người dân sẽ rất quan tâm.

H. Oanh
Bạn đang đọc bài viết "Cần tôn trọng di tích gốc trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.