Di tích quốc gia Căng Bắc Mê. Ảnh: baohagiang.vn
Cách trung tâm tỉnh hơn 60 km, Di tích Căng Bắc Mê nằm tại địa phận xã Yên Cường và thị trấn Yên Phú của huyện Bắc Mê. Nơi đây có địa thế thuận lợi cho việc quan sát, không chế cả một vùng rộng lớn và cơ động di chuyển đi hai tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang. Giai đoạn năm 1939 - 1942, thực dân Pháp biến Căng Bắc Mê thành nơi giam giữ cán bộ cách mạng - những tù chính trị chưa bị kết án.
Nơi đây ghi dấu ý chí cách mạng của nhiều đồng chí như Xuân Thủy, Trần Cung, Đặng Việt Châu… trong vận động, đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong căng, nêu cao tinh thần yêu nước, tư tưởng đấu tranh cách mạng, tranh thủ giác ngộ thanh niên quần chúng ở trong và ngoài Căng. Những hoạt động này đã tác động tích cực đến tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân các dân tộc quanh vùng.
Sau hơn nửa thế kỷ bị bỏ hoang, Di tích Căng Bắc Mê trở thành phế tích do bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và con người. Năm 1992, khu vực Căng Bắc Mê được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia, bao gồm hai hạng mục chính (Căng Bắc Mê và Nhà Bang tá). Qua 4 lần tu bổ tôn tạo nhưng hiện trạng và không gian di tích không được cải thiện nhiều, do việc tu bổ chủ yếu tập trung xây dựng lối thăm quan trong căng, xây tường bao… Lần tu bổ gần đây nhất là năm 2012 - 2013 với kinh phí trên 16 tỉ đồng được đầu tư xây kè bê tông để chống sạt lở di tích.
Song, thực tế cho thấy nhiều hạng mục nhỏ trong Căng Bắc Mê bị hư hỏng hoàn toàn. Hệ thống tường rào và kè bị đổ, sạt lở gần 80 m. Nhiều công trình như Nhà trung tâm, Nhà thông tin, Nhà kho… chỉ trơ chọi tường gạch đá, không mái che; một số công trình bị rêu phủ, đổ nát gần hết. Đặc biệt, khu vực Nhà Bang tá bị hư hỏng nặng với bốt gác bị sập toàn bộ khung mái; nền sân nhà bị hư hỏng. Người trông coi di tích cho hay, thực trạng trên một phần là do trước kia Nhà nước chưa quản lý Căng Bắc Mê nên người dân xung quanh đã lên đập phá lấy gạch về xây công trình phụ. Ngoài ra, mưa gió, thời tiết xấu cũng là cũng nguyên nhân gây hư hại di tích.
Theo bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Giang hiện có hơn 50 di tích cấp Quốc gia và địa phương, ngành Văn hóa đã làm hết sức để trùng tu tôn tạo. Tuy nhiên, do nhiều lý do cả khách quan, chủ quan như thời tiết khắc nghiệt, mặt bằng di tích (Căng Bắc Mê nằm trên sườn núi có độ dốc lớn), kinh phí eo hẹp… khiến cho việc quản lý, tu bổ di tích gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự quan tâm, quản lý di tích còn nhiều hạn chế; Hà Giang đã giao việc quản lý di tích cho cấp huyện. Tuy nhiên, một số huyện chưa có sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền, thậm chí có quan niệm: “Di tích là của Sở văn hóa, Sở văn hóa phải có trách nhiệm tu bổ, tôn tạo…” Một số huyện do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên không bố trí được kinh phí để duy tu bảo dưỡng di tích hàng năm, dẫn đến các di tích xuống cấp là không tránh khỏi.
Bà Triệu Thị Tình cho hay, riêng đối với di tích Căng Bắc Mê, cả 4 lần tu bổ tôn tạo đều bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, nguồn vốn này không còn nữa. Trong khi đó với ngân sách eo hẹp, Hà Giang chưa bố trí được kinh phí để hỗ trợ tu bổ tôn tạo di tích. Được biết, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang sẽ phối hợp với huyện Bắc Mê lập dự án xin kinh phí của tỉnh (khoảng vài trăm triệu) để duy tu, bảo dưỡng di tích Căng Bắc Mê.
Bà Củng Thị Mẩy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Mê nhận định, việc đầu tư xây dựng một số hạng mục xung quanh Căng Bắc Mê thời gian qua đã gợi lại một số hình ảnh về lịch sử, tuy nhiên chưa nói lên hết tầm quan trọng về mặt lịch sử của di tích. Để thu hút du khách tham quan tìm hiểu về Căng Bắc Mê, huyện Bắc Mê đã có nhiều ý tưởng, kế hoạch lồng ghép phát triển du lịch như đẩy mạnh du lịch lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, xây dựng một số làng văn hóa du lịch cộng đồng. Đến nay, đây vẫn là bài toán khó giải bởi giao thông kết nối Bắc Mê với trung tâm tỉnh Hà Giang và các tỉnh bạn còn hết sức khó khăn. Để phát huy giá trị lịch sử của di tích, trước mắt huyện Bắc Mê giao cho các trường trên địa bàn lồng ghép lịch sử của địa phương vào việc dạy và học môn lịch sử. Hàng tuần, các trường tại khu vực trung tâm huyện tổ chức tham quan, dọn vệ sinh tại khu vực di tích.