Biến tướng hầu đồng vào Hoàng thành
Gần đây, Hoàng thành Thăng Long tổ chức nhiều sự kiện văn hóa thu hút nhân dân tới tham quan, vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, cũng có những hoạt động thiếu sự chọn lọc hoặc thực hành nghi lễ tâm linh tùy tiện, bừa bãi. Xin lấy ví dụ đó là việc biểu diễn hầu đồng trước cửa Đoan môn sáng 1/10/2016.
Người biểu diễn hầu giá Cô bé còn chổng cả mông đả tanh tách vào công đồng. Điều này là tối kỵ đối với bất cứ một người nào đã ra trình đồng mở phủ. Từng nhiều năm gắn bó với nghệ thuật dân gian truyền thống, Nhà nghiên cứu trẻ Mai Đức Thiện cũng đồng tình với về ý kiến này. Anh cho rằng: “Không ai được phép bắc ghế hầu mà lại chổng mông vào công đồng, kể cả hầu biểu diễn”.
Thậm chí, việc bố trí các dụng cụ trình diễn hầu đồng cũng không đúng. Không ai để kiệu có linh vị ra làm công đồng hầu mẫu. Vấn đề là Ban tổ chức đang nhầm lẫn giữa diễn xướng và hầu bóng. Bởi trong ngữ cảnh này thì là diễn xướng nhưng tiếc là cả người tổ chức lẫn người hầu biểu diễn đều không am hiểu hết những quy định bất di bất dịch của Tín ngưỡng thờ mẫu Việt Nam.
“Đáng trách ở đây là các nhà quản lý văn hóa. Họ không hiểu rõ và để biến tướng ra thành mê tín dị đoan”, Nhà nghiên cứu trẻ Mai Đức Thiện bình luận.
Chia sẻ ý kiến của mình về việc này, TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cho biết, không chỉ là một người nghiên cứu, ông còn là một người sinh ra tại Hà Nội, nên cả về tình cảm và lý trí, ông thuộc về Hà Nội. Ông nói rằng mình tự hào với di sản thế giới hiếm có như Hoàng thành Thăng Long xưa.
“Tôi cũng đã đọc một số tin về sự cố “trình diễn hầu đồng” trước cửa Đoan Môn trước hết phải nói là rất không đáng để xảy ra”, ông Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ.
Theo vị Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học của Hoàng thành, di tích cũng có “hồn”, đó là nơi linh khí trời đất tụ lại, cho nên thực hiện bất cứ hoạt động gì cũng phải tính toán đến vị thế của Hoàng thành, đến truyền thống tâm linh được tích tụ và trao truyền.
TS. Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định: “Sự tôn vinh của nhân dân, chính quyền các cấp và của quốc tế đối với Hoàng thành chính là lý do để chúng ta phải đối xử với Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long một cách cẩn trọng, có chọn lọc, không nên để các hoạt động tự phát, thiếu tính toán diễn ra ở nơi này. Tôi hy vọng những người có trách nhiệm sẽ cân nhắc ý kiến đóng góp của công luận nhằm giữ gìn vẻ đẹp, sự sang trọng và linh thiêng của Hoàng thành Thăng Long”.
Cần phải được trao đổi thẳng thắn, trên cơ sở khoa học và pháp luật
Hoàng thành Thăng Long đã đưa nhiều hoạt động đưa văn hóa nghệ thuật đương đại vào khuôn viên di tích như: Lễ hội âm nhạc Gió Mùa; Hội chợ sách hàng năm, Liên hoan du lịch làng nghề… Trong đó, “Lễ hội âm nhạc Gió Mùa” với đủ các thể loại nhạc điện tử thuộc các thể loại rock, pop, electro, dubstep... và quán bia “Vuvuzela”. Còn Liên hoan du lịch làng nghề 2016 bị đánh giá như một cái chợ nhếch nhác.
Trao đổi xung quanh các sự kiện này, TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên đã dẫn lại Công ước về việc bảo vệ Di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới: “Nhận thấy rằng: Di sản văn hóa và di sản tự nhiên ngày càng có nguy cơ bị phá hoại không những bởi những nguyên nhân cổ truyền là xuống cấp mà còn bởi sự tiến triển của đời sống xã hội và kinh tế làm cho các nguyên nhân cổ truyền trầm trọng thêm do các hiện tượng làm hư hỏng hoặc phá hoại ghê gớm hơn nữa”. Vì thế, ông Nguyễn Hồng Kiên không đồng tình với việc đưa các hoạt động văn hóa nghệ thuật đương đại thiếu chọn lọc vào Hoàng thành Thăng Long.
“Việc có các ý kiến, quan điểm trái ngược, nhất là về văn hóa, cần phải được trao đổi thẳng thắn, trên cơ sở khoa học và pháp luật”, TS Nguyễn Hồng Kiên nhấn mạnh....
(Theo nongnghiep.vn)