Chương trình biểu diễn vở múa “Nón” với sự kết hợp giữa dòng chảy giai điệu âm nhạc dân tộc và chuyển động cơ thể cởi mở của nghệ thuật múa đương đại trong tổng thể không gian mang đậm chất Việt hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm độc đáo, thú vị. Đây là dự án nghệ thuật do nghệ sỹ, biên đạo múa, nhà sản xuất Vũ Ngọc Khải và nhạc sỹ Ngô Hồng Quang thực hiện.
Trên thực tế, khi thưởng thức một tác phẩm múa, có khán giả nghĩ rằng nhạc chỉ là “đệm” cho múa, hoặc múa đã “dịch” nhạc sang ngôn ngữ của mình. Nhưng để có thể lột tả được nội dung và tạo nên tác phẩm múa giàu cảm xúc, đầy tính nghệ thuật thì múa và nhạc phải có sự hòa quyện vô cùng nhuần nhuyễn.
Âm nhạc đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình tính cách, bố cục, hình tượng và ngôn ngữ của múa. Phải làm thế nào để chỉ cần một nét nhạc dân gian hò khoan vang lên là người ta liên tưởng đến không gian lao động của một làng chài ven biển; chỉ cần hồi trống chầu và tiếng kèn sona là người xem nghĩ ngay đến những chiếc mặt nạ, những điệu bộ của hát tuồng; hay âm nhạc mang tính hoạt náo của hội hè, có tác dụng mạnh đối với cả người diễn lẫn người xem trong múa rối nước… và còn rất nhiều ngôn ngữ âm nhạc khác: tiếng trống thúc quân, tiếng kèn xung trận, hoà cùng tiếng quân reo để tạo nên cảnh chiến trường ác liệt khiến người xem đôi khi phải nín thở, tim đập rộn ràng, rồi những lớp chia li, tang tóc thì tiếng kèn như gào thét oán than…
Vở múa “Nón” có nét đặc biệt bởi ngoài tính hấp dẫn về sự kết hợp giữa ngôn ngữ cơ thể và âm nhạc còn là sự hoà quyện giữa những nét văn hoá truyền thống (sự tích bánh Chưng bánh Dày, nón lá, áo dài, nhạc cụ dân tộc) và các vấn đề trong nhịp sống đương đại (nỗi cô đơn của con người khi công nghệ tiên tiến chi phối toàn bộ đời sống, hành trình tìm kiếm bản sắc cá nhân, gìn giữ văn hoá nguồn cội - hoà nhập với thế giới).
Từ ý niệm trời tròn, đất vuông với hai biểu tượng là bánh chưng, bánh dày, “Nón” thể hiện sự kết nối âm - dương. Thông qua cách sắp đặt các yếu tố quen thuộc, biên đạo - diễn viên múa Vũ Ngọc Khải và nhạc sỹ Ngô Hồng Quang chia sẻ trải nghiệm của những người con xa xứ, đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Ta là ai giữa quê người?”
Đối với mỗi chúng ta, nón là hình ảnh quen thuộc. Nón che mưa, che nắng cho con người và cũng là biểu tượng mong muốn vươn tới những điều cao đẹp hơn trong cuộc sống. Nếu như trước kia, mỗi người biết đến nón là vật dụng không thể thiếu của người phụ nữ thì ngày nay, nón còn trở thành món quà lưu niệm của du khách, một đạo cụ đặc sắc trên sân khấu nghệ thuật. Nón lá đã trở thành nét đẹp trong nền văn hóa của Việt Nam.
Mạnh dạn ứng dụng yếu tố mở của múa đương đại vào quá trình biểu diễn, lần này biên đạo múa Vũ Ngọc Khải còn táo bạo hơn khi chuyển đổi từ phương thức 70 - 30 (70% sắp đặt, 30 % ngẫu hứng) sang phương thức 50 - 50. Nhờ đó, với mỗi đêm diễn, nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, làm mới tác phẩm của mình, và khán giả, luôn khám phá được nét khác biệt để hiểu thêm về câu chuyện mà nghệ sĩ muốn kể, thông điệp họ muốn chia sẻ. Đây là điểm nhấn hết sức đặc biệt mà Nón đem lại cho khán giả sau một năm Nón được bồi đắp thêm nhiều “phù sa” từ những lần trình diễn tổng thể hay trích đoạn, workshop.
Nón - vở múa đương đại kết hợp âm nhạc Việt Nam được trình diễn trực tiếp bằng nhạc cụ dân tộc lần đầu đến với khán giả Hà Nội lúc 20 giờ ngày 21/7/2016 tại L’espace (24 Tràng Tiền) và tái ngộ khán giả Tp. Hồ Chí Minh qua hai buổi diễn vào ngày 26-27/7 lúc 20 giờ tại Idecaf (28 Lê Thánh Tôn, Q.1).
Trước 2 đêm diễn chính thức, Nón 2016 còn tổ chức 2 đợt workshop cho những ai yêu nghệ thuật múa - âm nhạc vào các ngày 9, 10/7 tại Hà Nội và 22, 23/7 tại TP.HCM.
(Theo Cinet.vn)