Cảnh trong vở “Đế đo sóng cả” của Nhà hát Cải lương Việt Nam. (Ảnh minh họa).
27 đơn vị nghệ thuật cả công lập và xã hội hóa mang đến những bữa tiệc nghệ thuật thịnh soạn với 36 vở diễn. Cuộc thi do UBND tỉnh Bạc Liêu, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức, sẽ bế mạc và trao giải vào 23-11.
Từ thuở hồng hoang, những bậc tiền nhân xuôi về phương Nam “mang gươm đi mở cõi”, và dừng bước hành trình trên vùng sông nước Nam Bộ thì âm nhạc tài tử, một loại hình nghệ thuật xuất thân từ nhã nhạc cung đình Huế, cũng cùng người lang bạc lưu dấu nơi đây.
Nơi chốn rừng thiêng nước độc mà lắm hữu tình ấy, đờn ca tài tử như được người xưa gieo mầm trên mảnh đất tốt nên đã nhanh chóng bén rễ và phát triển trở thành cây đại thụ trong nền âm nhạc dân tộc.
Và đỉnh cao nhất phải kể đến là sự tiếp biến ngoạn mục để thành hình hài mang đậm giá trị nghệ thuật sân khấu là cải lương. Từ những năm 50 của thế kỷ XX, cải lương đã có những bước phát triển mà rực rỡ. Đây được xem là thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương.
Xét cho cùng cải lương cũng giống như các loại hình nghệ thuật, văn hóa khác. Nó cũng phải tuân theo quy luật phát triển của lịch sử, xã hội dân tộc. Dù là một nhánh riêng lẻ nhưng vẫn miệt mài xuôi chảy để hội nguồn cùng văn hóa, nghệ thuật Việt. Vì thế tất nhiên phải có lúc thịnh suy nhưng chắc hẳn một điều là không mất.
Ngược lại, nó luôn âm ỉ tự nuôi dưỡng sức sống trong lòng người mộ điệu. Và khi có dịp, nó lại trỗi dậy, thăng hoa. Ví như cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 đang diễn ra tại Bạc Liêu. Về với cái nôi lớn Bạc Liêu, cải lương lại được công chúng nồng nhiệt đón nhận.
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Nguyễn Văn Hợp (81 tuổi), đang sinh sống tại TP Bạc Liêu, vẫn ngày hai buổi đến Nhà hát Cao Văn Lầu và chọn cho mình một vị trí ưng ý để xem các đoàn diễn cải lương.
Ông nói: “Với tôi, cải lương là một phần cuộc sống. Tôi mê cải lương từ nhỏ. Thuở ấy dù phải đội mưa, tôi còn đi xem hát huống hồ bây giờ đường sá thuận tiện, lại được ngồi xem trong một nhà hát khang trang, bề thế sao lại bỏ qua cơ hội này. Hơn nữa, tôi đến xem coi các cháu nó diễn ra sao, có bằng cha chú ngày trước không…”.
Thế mới thấy được cải lương có sức sống bền vững như thế nào. Chưa dừng lại ở đó, chúng tôi cũng muốn có cái nhìn khách quan hơn về cải lương hiện tại.
Trò chuyện với anh Trần Văn Khởi (35 tuổi), ở Châu Hưng, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, anh chia sẻ: “Khi tôi nghe đài thông báo tỉnh mình đang tổ chức cuộc thi cải lương toàn quốc, có nhiều đoàn cải lương chuyên nghiệp cả nước về biểu diễn nên từ sớm tôi đã cùng gia đình sắp xếp công việc để tranh thủ đi xem. Cả gia đình tôi ai cũng mê cải lương mà bỏ lỡ dịp này thì uổng lắm”.
Dù nhà ở cách xa hơn hai mươi cây số nhưng anh vẫn thường chở vợ con lên tỉnh xem cải lương. Được biết trong thời gian các đoàn về tham gia thi diễn thì Ban tổ chức cũng có bố trí để các đoàn về các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh biểu diễn phục vụ bà con, chúng tôi thắc mắc hỏi thì anh Khởi hồ hởi trả lời: “Dù các đoàn có về huyện nhà biểu diễn phục vụ nhân dân, nhưng chỉ có một vài đoàn, diễn một vài đêm thì thấm vào đâu, lên đây coi cho đã…”. Một sự chân chất, mộc mạc trong nếp nghĩ và từng câu nói của anh làm chúng tôi cũng thấy vui lây cho cải lương.
Thêm một sự tình cờ mà vô cùng thú vị, đó là, chúng tôi rất may mắn được tiếp xúc, chuyện trò với bà Camilla Leigh - một du khách nước ngoài. Qua từng câu nói tiếng Việt chưa được tròn vành, thông thạo của bà, chúng tôi cũng cảm nhận được tình yêu bà dành cho các loại hình nghệ thuật dân gian của Việt Nam, trong đó có cải lương: “Tôi từng sinh sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm. Lúc trước, tôi làm việc tại Hà Nội. Khi rảnh, tôi thường đến xem hát, kịch ở những nhà hát ở Hà Nội. Tôi rất thích. Tôi cũng rất thích cải lương. Tôi biết cải lương qua các chuyến du lịch. Lần này về Bạc Liêu đúng dịp nên tôi đến xem cải lương”.
Thế mới nói, đờn ca tài tử - ngọn nguồn của sân khấu cải lương, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là một lý do để chúng ta có thể khẳng định sức sống của loại hình này. Nếu một loại hình nghệ thuật đang đứng bên bờ vực thẳm thì khó mà thuyết phục UNESCO công nhận là di sản của nhân loại.
Chí ít, loại hình đó cũng phải có phạm vi, quy mô, sức tác động nhưng tiên quyết hơn là phải được gìn giữ, bảo tồn và đang “sống”. Vậy sức sống ấy từ đâu. Phải chăng nó đang âm thầm nương náu trong tâm hồn người mộ điệu.
Không như thời hoàng kim, cải lương ngày nay chỉ miệt mài vượt qua thách thức của thời gian. Mỗi cuộc liên hoan, mỗi một sự kiện, chương trình nghệ thuật sân khấu được tổ chức như càng minh chứng cho sức sống của cải lương. Những lúc ấy, cải lương lại chắt chiu từng phút, từng giây để khơi gợi và lôi cuốn khán giả tìm về với màn nhung, sân khấu. Và chính những nụ cười, những tràng pháo tay hay cả những giọt nước mắt đã rơi trong khán phòng là tấm chân tình son sắt mà người mộ điệu muốn nói rằng “cải lương luôn trong tim họ”.
Theo CÔNG TÂM (Đại đoàn kết)