Cái lạ của Lăng Khải Định

14/05/2015 16:55

Theo dõi trên

Lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng là lăng mộ của vua Khải Định (1885-1925) vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, toạ lạc trên triền núi Châu Ê bên ngoài kinh thành Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.

Xây lăng từ mồ hôi của dân

Trong số 13 triều Vua nhà Nguyễn thì vua Khải Định được đánh giá cao về độ "chịu chơi" trong việc xây dựng lăng tẩm dành cho mình. Bởi vì lăng của ông có diện tích nhỏ nhất nhưng về tiền của và thời gian lại là lớn nhất.

Khải Định là vị vua thứ 12 trong triều đại nhà Nguyễn, ông lên ngôi vào năm 1916 khi 31 tuổi. Sau khi lên ngôi Hoàng đế được 4 năm, tức là năm 1920 Khải Định tiến hành cho xây lăng và hoàn thành trong vòng 11 năm.

Để hoàn thành việc xây dựng lăng vua Khải Định cử người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói ác đoa, sang Trung Quốc, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh để kiến thiết công trình.

Để làm được điều nay mà ông đã xin chính quyền bảo hộ Pháp cho tăng thuế lên 30%, làm dân oán thán rất nhiều vì thế mà có câu ca dao: “Thọ đáo tứ tuần mừng mẹ nước/Bách gia tam thập chết cha dân”.

Công trình này đã phản ánh rõ nét tính cách xa hoa, thích chưng diện của vua Khải Định lúc sinh thời.

Lối kiến trúc phá cách

Cái khác biệt lớn nhất của lăng Khải Định với các lăng tẩm khác ở Huế chính là những công trình mang dấu ấn của nhiều trường phái kiến trúc khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng lớn của kiến trúc Phương Tây. Có lẽ chính vì vậy mà lăng Khải Định có cái lạ, có phần ngông nghênh, phô trương và độc đáo so với các công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam.

Bức bích họa " Cửu long ẩn vân " của nghệ nhân Phan Văn Tách lớn nhất nước ta

Ra đời trong sự giao thoa văn hóa Đông Tây, những công trình trong lăng Khải Định đều mang những nét kiến trúc châu Âu thế kỷ 19. Ít thấy các vật liệu truyền thống của dân tộc như gỗ, đá, gạch, vôi mà thay vào đó là những cánh cửa sắt, những cây thánh giá khẳng khiu, những viên gạch caro ngói, hệ thống đèn điện.

Nếu như các công trình lăng tẩm của các vị Vua triều Nguyễn được xây dựng rộng lớn, sân vườn, các nhà để lúc sinh thời vua rời cung điện tới lăng ngắm trăng, làm thơ, uống rượu thì ở lăng Khải Định hoàn toàn không có.

Qua 127 tầng bậc cấp là cổng chính của lăng, trên cái sân đầu tiên có tả hữu tùng tự thờ quan văn võ, nhưng hầu như chưa được sử dụng, kế tiếp qua vài chục bậc thang đến bái đình cùng hai hàng quan văn võ voi ngựa đứng chấu, rồi đến bi đình theo phong cách tân cổ điển.

Công trình kiến trúc chính của lăng Khải Định chính là cung Thiên Định. Đây là công trình nằm ở vị trí cao nhất và được xây dựng tinh xảo, công phu nhất. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành, sứ và thủy tinh rất tinh xảo và tuyệt đẹp đạt đến trình độ điêu luyện, thể hiện được sự sáng tạo đỉnh cao của các nghệ nhân thời đó.

Điện là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, được trang trí cực kỳ công phu và tinh xảo. Vào bên trong được chia làm nhiều phòng trong đó có điện Khải Thành, phòng chính của cung, nơi đặt án thờ và mộ phần của Vua.

Phía trên có tấm bửu tán được khám sành sứ và thếp vàng rất lộng lẫy, tuy làm hoàn toàn bằng xi măng cốt thép nhưng ta có cảm giác nó rất nhẹ nhàng thanh thoát. Nghệ thuật trang trí với rất nhiều đề tài, từ truyền thống của chốn cung đình đến đề tài dân gian và cả những cái mới của phương Tây.

Và người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn nhất Việt Nam. Ba tấm phù điêu này được trang trí trên trần của ba gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Hơn tám mươi năm nay vẫn không bị bay màu, nét mực vẫn tươi nguyên.

Điều đặc biệt ở lăng nữa là nơi đặt tượng Vua, tượng được đúc bằng đồng bên Pháp, tỷ lệ bằng người thật và khi Khải Định qua đời, ông đã cho biết nơi đặt thi hài của mình chứ không giấu như các vua tiền nhiệm.

Vua Khải Định luôn tin rằng nếu như có các thế lực thù địch nào đó đến để phá lăng mộ của ông thì họ sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của lăng và quay về.

Qua sự biến thiên của thời gian lăng đã ngã màu nhưng nó càng làm cho lăng thêm cổ kính. Lăng Khải Định đích thực là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc, góp phần làm phong phú và đa dạng thiên quần thể lăng tẩm ở Di sản Huế.

Ngô Sinh
Bạn đang đọc bài viết "Cái lạ của Lăng Khải Định" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.