Cà Mau: Gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế

02/12/2014 15:09

Theo dõi trên

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển mạnh, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, vấn đề xử lý chất thải, giữ gìn vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đang là bài toán khó đối với các hộ chăn nuôi, bởi hoạt động này đã và đang gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khoẻ của cộng đồng.

Vì thế, các cấp hội phụ nữ phát động phong trào nuôi heo làm hầm biogas tạo điều kiện cho chị em hội viên vừa phát triển kinh tế gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường bền vững.

Lợi ích kép
 
Chị Lê Thị Thanh Thuý (ấp Trung Hưng, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) có thâm niên nuôi heo trên 5 năm. Kinh tế gia đình chị phát triển lên cũng nhờ nghề này. Thế nhưng, chất thải từ 3 chuồng heo gây ô nhiễm môi trường và khiến những hộ dân xung quanh phiền hà. Cách đây 2 năm, được giới thiệu mô hình nuôi heo làm hầm biogas, thấy được lợi ích, chị cùng chồng bắt tay vào thực hiện.
 
 
Chăn nuôi kết hợp với làm hầm biogas đã mang lại lợi ích kép cho hội viên phụ nữ

Chị Thuý cho hay, chất thải từ các chuồng heo được chứa lại trong túi ni-lông vừa sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường và nhất là gia đình tận dụng khí gas nấu thức ăn, vẹn cả đôi đường. Chị Thuý tính toán, tiền vốn bỏ ra ban đầu chỉ gần 3 triệu đồng cho 1 hầm biogas bằng túi ni-lông nhưng nếu được bảo quản tốt thời gian sử dụng 7-8 năm. Khoảng thời gian đó nếu phải xuất tiền mua gas nấu ăn trong gia đình cũng phải hơn 10 triệu đồng, số tiền này được để dành tích luỹ.
 
Với gia đình chị Dương Thị Út (ấp Trung Can, xã Tân Trung, huyện Ðầm Dơi) từ khi được vay vốn của Hội LHPN huyện Ðầm Dơi thực hiện chăn nuôi heo kết hợp làm hầm biogas đã mang lại lợi ích kép. Bởi theo chị Út, chăn nuôi tăng thêm thu nhập trong gia đình, chất thải được tận dụng làm chất đốt nấu ăn và nhất là môi trường xung quanh luôn trong sạch. Nhiều hội viên trong tổ hợp tác (THT) chăn nuôi của ấp được hỗ trợ mỗi hộ 2,3 triệu đồng làm hầm biogas bằng túi ni-lông hơn 3 tháng qua. Từ lợi ích thiết thực đó, chị em ai cũng phấn khởi, hiện nay nhiều hội viên khác trong THT rất mong được vay vốn để làm hầm biogas.   
 
Tổ phó THT chăn nuôi “Môi trường xanh” ấp Trung Hưng, xã Lương Thế Trân Lê Thị Duyên cho biết, sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Dự án CARE 4,5 triệu đồng, chị đầu tư thêm 5 triệu đồng mua vật tư xây hầm biogas bằng composite. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm gia đình chị tiết kiệm tiền gas, tiền điện nấu cơm và tiền củi nấu thức ăn heo trên 3 triệu đồng. Số tiền tích luỹ được chị tham gia vào tổ phụ nữ tiết kiệm, tạo vốn nội lực giúp chị em phát triển kinh tế. “Ðiều quan trọng sau khi áp dụng mô hình chăn nuôi kết hợp với hầm biogas là môi trường rất sạch sẽ, hạn chế được ruồi, muỗi và dịch bệnh liên quan đến môi trường”, chị Duyên khẳng định.
 
Tiếp tục nhân rộng  
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước Nguyễn Hằng Ny cho hay, từ 5 hầm biogas được Dự án CARE hỗ trợ ban đầu, sau 2 năm Hội LHPN xã đã nhân rộng thêm 160 hầm biogas. Trong đó, có 19 hầm biogas được xây dựng bằng gạch, composite và 141 hầm biogas được làm bằng túi ni-lông. Và mỗi năm từ mô hình chăn nuôi khép kín này, các chị tích luỹ trên 722 triệu đồng tiền mua gas nấu thức ăn và điện thắp sáng.
 
Cuối năm 2012, từ nguồn vốn 154 triệu đồng của UBND huyện, Hội LHPN huyện Ðầm Dơi phối hợp cùng các ngành có liên quan triển khai sâu rộng mô hình nuôi heo kết hợp làm hầm biogas đến đông đảo các hội viên. Phương pháp này góp phần xử lý chất thải, đồng thời cung cấp nguồn năng lượng sạch cho nông dân. Chia sẻ kinh nghiệm phát triển hầm biogas, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ðầm Dơi Ngô Thuỳ Minh cho biết: "Mặc dù hầm biogas mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải người dân nào cũng sẵn sàng xây dựng và sử dụng hầm.
 
Nguyên nhân là do chi phí xây dựng hầm lớn và người dân chưa quen với việc sử dụng. Ðể khắc phục những khó khăn này, hội đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động hội viên và thông qua những mô hình cụ thể đã tác động tích cực đến ý thức của chị em. Với số tiền 2,3 triệu đồng được hỗ trợ ban đầu, các chị có thể làm hầm biogas bằng túi ni-lông hoặc thêm tiền để xây dựng hầm bằng gạch hay composite. Mô hình chăn nuôi làm hầm biogas rất phù hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ và cả quy mô lớn nên sau 2 năm triển khai đã được đông đảo hội viên hưởng ứng thực hiện".  
 
Theo Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Cà Mau Tiêu Việt Tiên, với lợi ích thiết thực, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng được năng lượng biogas để sử dụng trong sinh hoạt, mô hình chăn nuôi mang lợi ích kép này đã được chị em phụ nữ đánh giá rất cao. Chính lợi ích thiết thực cho người nuôi lẫn cộng đồng đã thuyết phục được người dân tích cực nhân rộng kỹ thuật mới này.
 
Theo Cà Mau Online

Bạn đang đọc bài viết "Cà Mau: Gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.