Bửu Hưng Tự – Ngôi chùa gắn liền với những sự kiện lịch sử mang tính trọng đại

02/03/2017 09:43

Theo dõi trên

Bửu Hưng Tự còn có tên gọi là chùa Cô Hồn nằm trên đường Phan Đình Phùng trong nội ô TP. Biên Hòa (ảnh) được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng (Quyết định số 62/QĐ.UBT, ngày 16-2-1979). Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1920, nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa, Đồng Nai trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.



Chùa Bửu Hưng Tự - Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM

Năm 1861, Pháp đánh chiếm và xây dựng chính quyền thuộc địa tại Biên Hòa. Trước cảnh nước mất nhà tan, người dân Biên Hòa đã đứng dậy chống lại kẻ thù với nhiều hình thức khác nhau, trong đó phải kể đến tổ chức Hội kín yêu nước với tên gọi là Lâm Trung trại, được thành lập ở Biên Hòa vào đầu thế kỷ XX. Tháng 2-1916, Lâm Trung trại tổ chức tiến công vào các công sở của Pháp ở Biên Hòa nhưng do vũ khí thô sơ, lực lượng lại mỏng nên đã thất bại.

Thực dân lùng sục và tìm mọi cách bắt giam các nghĩa sĩ chỉ huy, xử bắn và chôn xác 9 người chung một nấm mồ trước sự chứng kiến đau thương của người dân địa phương. Cảm động tấm lòng yêu nước của các nghĩa sĩ Lâm Trung trại, người dân địa phương đã xây dựng ngôi miếu nhỏ trên triền đồi nhằm tưởng nhớ và thờ cúng những linh hồn các sĩ tử.

Đến năm 1920, nhân dân địa phương góp tiền của, công sức xây dựng ngôi miếu thành ngôi chùa có tên gọi Bửu Hưng tự.

Từ đây, chùa Cô hồn được vị sư tổ trụ trì đổi lại hiệu là Bửu Hưng tự cho đến ngày nay. Bửu Hưng tự cũng trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1967, 1999...

Bửu Hưng tự không chỉ là nơi ghi dấu buổi hành quyết đẫm máu đối với các anh hùng Lâm Trung trại năm nào mà còn là một di tích lịch sử cách mạng.

Theo tài liệu nhà chùa lưu giữ lại thì nơi đây từng diễn ra hội nghị cán bộ Đảng ở Biên Hòa vào tháng 6-1945 do Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa Hoàng Minh Châu triệu tập.

Đây là hội nghị quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, đường lối để chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chính quyền trong giờ khắc cách mạng mùa thu tháng 8 lịch sử.

Mặt bằng hiện hữu của Bửu Hưng tự nằm trên một diện tích đất khá nhỏ hẹp. Kiến trúc được xây theo kiểu khối nhà vuông (nhà tứ trụ hay dân gian còn gọi là nhà mái bánh ít) truyền thống nối dài liền nhau có dạng chữ “nhị” gồm: chánh điện, nhà giảng, nhà bếp. Bộ khung sườn của chùa được làm bằng các gây gỗ quý (căm xe, gỗ đỏ), tường xây gạch thẻ, mái lợp ngói vảy cá, nền chùa lót gạch bông.

Hằng năm, vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 nhà chùa đều tổ chức lễ cầu an cho bá tánh và cầu siêu cho các linh hồn anh hùng liệt sĩ theo nghi thức Phật giáo cổ truyền phái Lục Hòa Tăng, đã thu hút nhiều Phật tử gần xa và nhân dân địa phương về chiêm bái Phật pháp và thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Như vậy, di tích chùa Cô hồn là nơi vừa thể hiện sự hòa quyện tốt đẹp giữa đạo và đời, vừa gìn giữ Phật pháp, vừa ghi nhớ công lao những người xả thân vì nước. Đồng thời, đây là một địa điểm gắn chặt với sự kiện quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Bửu Hưng Tự – Ngôi chùa gắn liền với những sự kiện lịch sử mang tính trọng đại" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.