Với mục đích quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm Bình Thuận, đến tham quan du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét văn hóa huyền bí của bộ sưu tập di sản văn hóa Chăm với trên 950 hiện vật gốc có giá trị về văn hóa - lịch sử, từ trang phục vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa cho đến vương miện, ấn kiếm, bộ tanh trầu của các đời vua Chăm. Cạnh đó là bộ sưu tập trang phục, nhạc cụ, vật dụng, sản phẩm mà người Chăm dùng trong các lễ hội quan trọng. Bên cạnh các làng nghề truyền thống như dệt, làm gốm, còn trưng bày rất nhiều hiện vật phục vụ lao động và sinh hoạt như xe trâu, chụp cá, dụng cụ làm nông, đồ trang sức bằng đá. Độc đáo nhất chính là bộ tượng bằng đá các vị Thần chiếm một diện tích khá lớn trong khu trưng bày. Đó là tượng Thần Siva, bộ tượng các tư thế khác nhau của vũ nữ Apsara, Thần Hộ pháp, Thần Ganesa, Thần Avalo Kitecvara, Sư tử đá, bộ linh vật Linga-Yoni, Bia Kut. Ngoài ra, còn có các bộ sách Chăm viết trên lá buông, các tài liệu ấn phẩm bằng tiếng Chăm.
Tại gian làng nghề dệt và gốm, ngoài các hoạt động thường xuyên do các nghệ nhân trình diễn, những ngày đầu năm mới sẽ có thêm Hội thi nâng cao tay nghề Gốm và Dệt truyền thống lần thứ VIII. Bên cạnh đó, các nghệ nhân Chăm sẽ trình diễn và hướng dẫn cho du khách kỹ thuật dệt truyền thống, nặn gốm thủ công và trưng bày các sản phẩm gốm, dệt lưu niệm. Tại Ttrung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, khách tham quan còn có dịp xem triển lãm ảnh nghệ thuật chủ để “Biển đảo Việt Nam” và “Nét đẹp Bình Thuận”.
Khách du lịch vui xuân, đón tết Đinh Dậu cùng Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận tại địa chỉ: ngã 3 Sông Mao, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Thời gian tổ chức các hoạt động: buổi sáng từ 8giờ đến 11giờ30; buổi chiều từ 14giờ đến 17giờ; buổi tối từ 19giờ đến 22giờ.