Biến đổi văn hoá tín ngưỡng đình làng ở TP.HCM

04/12/2018 15:11

Theo dõi trên

Hơn 300 năm trước, người Việt đã đến TP.HCM từng bước khai hoang, lập làng và mang theo những phong tục tập quán nơi quê cha đất tổ. Đến nay, TP.HCM đã trở thành một trong những thành phố phát triển nhất đất nước với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ.

Những giá trị văn hóa truyền thống theo đó cũng có nhiều biến đổi, trong đó có thể kể đến văn hóa làng với các tín ngưỡng thờ cúng tại ngôi đình. Những thay đổi về chức năng, đối tượng thờ cúng đã tạo nên sự khác biệt giữa đình làng ở TP.HCM với khu vực Bắc và Trung Bộ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích loại hình tín ngưỡng đình làng của cư dân đô thị thông qua nghiên cứu trường hợp ngôi đình Nam Chơn, đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM.
 

Về chức năng của ngôi đình

Đình là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng tổng hợp, với ba chức năng: tín ngưỡng, hành chính và văn hóa. Rất khó để phân biệt cũng như xác định chức năng nào có trước, chức năng nào được bổ sung. Theo tác giả Paul Giran: “Đình là nơi ngự trị của vị thành hoàng của mỗi làng xã, là trung tâm đời sống tập thể của cộng đồng, là nơi mà kỳ mục dùng làm nơi nhóm họp, hoạch định các vấn đề hành chánh tố tụng nội bộ, nơi cử hành các nghi lễ tín ngưỡng” (1). Khi phân tích về vị trí, chức năng của đình ở vùng đồng bằng sông Hồng, tác giả Đỗ Văn Rỡ đã chỉ ra: “Triều đình là đình, là đỉnh chót vót của nước (quốc gia), còn đình thần là đỉnh cao nhất của xã, của nền văn minh nông nghiệp, của Viêm Việt (Viêm Việt là dân tộc Việt Nam lúc khởi thủy). Nền văn minh này đặt trên nền tảng gia đình, nhiều gia đình họp thành khu, xóm, ấp và đặt cuối cùng là xã là làng. Bởi vậy có thể nói rằng cái nhà của làng là đình. Đình là tiểu triều đình, là triều đình tại xã, là cấp làng để đối với triều đình ở cấp nước…” (2).

Đình là nơi diễn ra các lễ hội của làng, là nơi thực hành tín ngưỡng dân gian của cộng đồng. Là vùng đất có nhiều dân tộc cộng cư nên đình Nam Bộ có nhiều thần linh hơn so với đình Bắc Bộ, từ tiền hiền, hậu hiền đến Ngọc Hoàng thượng đế, Thiên Hậu, thánh mẫu, anh hùng liệt sĩ… đều được thờ cúng trong đình. Tác giả Nguyễn Văn Khoan trong cho rằng: “Đình là ngôi nhà công cộng. Đình bao gồm một ngôi nhà đặt bàn thờ của một hay nhiều vị thần bảo hộ làng, các căn phòng rộng rãi, làm nơi hành lễ và làm chỗ hội họp của hương chức” (3).

Cùng với những thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội, đình làng ở TP.HCM dần dần thay đổi về mặt chức năng. Nghiên cứu của Nguyễn Long Thao nhận định: “Ngôi đình ở khu vực mới không còn giữ được nét quy mô cổ kính với các tập tục đầy vẻ xã hội có tính công dụng duy trì một cơ cấu chặt chẽ, vì thời đại, ngôi đình miền Nam chỉ còn thỏa mãn được nhu cầu tôn giáo của người dân làng xã miền Nam, làm cho họ cảm thấy không cần thiết để đặt lại vấn đề làm sao cho ngôi đình xứng đáng là một trung tâm bao trùm mọi sinh hoạt xã hội… Như vậy đình làng miền Nam xưa cũng như nay mang nhiều vẻ là một trung tâm tôn giáo hơn là một trung tâm xã hội, nhất là nhận xét này lại đặt vào hoàn cảnh xã hội với các biến cố lịch sử từ đầu TK XX” (4). Như vậy, chức năng trọng tâm của đình ở TP.HCM hiện nay là nơi tín ngưỡng thần thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền cùng các vị thần linh khác với ý nghĩa giữ gìn, bảo vệ văn hóa dân tộc.

Hiện tại, ở TP.HCM những ngôi làng đã trở thành đô thị, các cơ quan hành chính giúp việc nhà nước từ thời Pháp thuộc đã tách rời khỏi đình. “Đình chỉ còn lại chức năng tín ngưỡng với những ngày sóc vọng hàng tháng và rộ lên trong những ngày lễ kỳ yên mà thôi” (5). Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc làm giảm diện tích đình, bê tông hóa kiến trúc và làm vị trí của ngôi đình trở nên mờ nhạt trong đời sống tâm linh của con người (6).

Lễ hội hàng năm được tổ chức là dịp để cộng đồng xích lại gần nhau, tuy nhiên đa số những người tham gia đều là người lớn tuổi, họ xem đây là dịp gặp gỡ bạn bè, xóm giềng. Chức năng của đình đô thị đã có nhiều biến đổi để phù hợp với đời sống văn hóa của cư dân. Từ các chức năng truyền thống nay chỉ còn lại chức năng tín ngưỡng, chức năng bảo tồn những nghi lễ truyền thống văn hóa dân tộc, thêm vào nữa là chức năng hoạt động xã hội, tương trợ xã hội (địa điểm tập trung bỏ phiếu bầu cử, họp tổ dân phố, họp chi bộ dân phố,…).

Đối tượng thờ cúng

Hệ thống thờ tự trong đình Nam Bộ rất phong phú. Đình Nam Chơn là ngôi đình có số lượng thần được thờ nhiều nhất trong hệ thống đình ở TP.HCM, gồm cả nhân thần và nhiên thần: Đô đốc Bắc quân Bùi Tá Hán, được phong tước hiệu Trấn Quận Công; Bùi Tá Hán là người có công lớn trong việc đưa người từ Bắc Hà vào Thuận Quảng khai cơ lập nghiệp; Cao các Quảng độ đại vương, cai quản núi non, vùng đất được thờ; Dương Phi phu nhân tức Bà Giàng hay Bà Vàng, cai quản đất đai; Thiên Yana Diễn Ngọc Phi tức bà Chúa Ngọc; Quan Thánh đế quân tức Quan Vũ (còn gọi là Quan Công, Quan Vân Trường).

Có rất nhiều đối tượng thờ cúng trong đình tùy thuộc vào nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong làng. Các vị thần trong đình một số có nguồn gốc từ các làng ở Bắc, Trung Bộ do các cư dân Thuận Quảng mang theo khi khai hoang. Các thần linh gốc dân tộc Chăm, Hoa, Khơme đã tích hợp vào hệ thống thờ tự của đình qua quá trình giao lưu trong cuộc sống cộng cư.

Đối tượng thờ cúng ở đình TP.HCM nói chung, đình Nam Chơn nói riêng rất đa dạng, có cả các vị thần linh truyền thống và hiện đại đáp ứng như cầu thị hiếu cũng như quan niệm tín ngưỡng của người Việt và các dân tộc anh em cùng sinh sống trong vùng đô thị.

Lịch lễ, lễ vật

Cư dân ở TP.HCM không có thời gian nông nhàn, vì vậy mà lịch lễ cúng đình ở cũng có nhiều thay đổi. Số lượng ngày tổ chức lễ hội giảm bớt, thời gian tiến hành nghi lễ thay đổi cho phù hợp với sinh hoạt của người dân. “Ngoài lễ kỳ yên là hội lễ lớn nhất, hàng tháng Ban Quản trị đình đều phải chú ý đến ngày sóc, vọng, giỗ kỵ của các vị thần”, “do ảnh hưởng của Phật giáo nên những ngày Phật Đản, rằm tháng bảy cũng được tổ chức nghi lễ cúng bái ở đình” (7).

Vào lễ kỳ yên, đình Nam Chơn không còn làm lễ thỉnh sanh vào lúc 12 giờ đêm trước ngày lễ chính. Lễ hội bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng ngày 15 - 6 âm lịch để thuận tiện cho người dân đến tham dự và tiếp đón đại diện chính quyền địa phương. Thời gian tổ chức lễ hội rút gọn còn hai buổi sáng.

Hiện nay, các lễ cúng truyền thống được giản lược đi nhiều. Tại đình Nam Chơn, hiện tại còn giữ lại một số lễ cúng chính theo âm lịch hàng năm được ghi nhận như: 13 - 1 ngày vía quan đế; 2 - 3 ngày vía Thiên Yana Diễn Ngọc Phi; 15, 16 - 6: lễ kỳ yên; rằm, mùng 1 hàng tháng đọc kinh cầu an cho bá tánh trước phật bà; 25 hàng tháng: cúng ông hổ; 6 - 12: ngày vía Vương Phi phu nhân; 30 - 12 cúng tết Nguyên đán. Còn lại các lễ khác như: khai hạ, tam ngươn, hạ điền, đoan ngọ, trùng cửu… không tổ chức cúng lễ như trước.

Lễ vật cúng, tế được quy ước là xôi, các gia đình dâng xôi tế thần được gọi là lễ thỉnh xôi, tựu xôi, có ban nhạc lễ đi theo rất trang trọng, mâm xôi càng gần ban thờ thì vị trí của người dâng càng cao. Bên cạnh đó người dân còn dâng cúng sản vật ở địa phương hoặc tùy thuộc khẩu vị của người dâng cúng, phần lễ vật này không bắt buộc.

Trong buổi tiệc đãi khách nhất thiết phải có món bánh quy thể hiện tình đoàn kết. Anh em dù có đi làm ăn xa xứ ở nơi nào thì đến ngày lễ kỳ yên của đình cũng phải quy tụ về với làng xã. Món thứ hai là cháo lòng. Phần lòng này lấy từ con heo tế thành hoàng ra để nấu cháo, có ý nghĩa thể hiện tấm lòng của người dân đối với vị thần bảo hộ, cháo lòng có thể ăn kèm với gỏi. Thịt còn lại của con heo thì được thái ra ướp, xỉa vào cây, nướng lên ăn với bánh hỏi. Bên cạnh đó còn món bánh tráng, đặc sản từ miền Trung đưa vào. Trong truyền thống, bánh tráng là món ăn tinh khiết được lựa chọn để dâng lên thần. Món truyền thống không thể thiếu nữa là cà ri, nấu với vịt chứ không phải nấu với gà vì vịt mới đúng với cuộc sống vùng sông nước. Ngoài ra còn có thêm bánh tét, bánh ít, bánh thửng (có nơi gọi là bánh thuẫn, là một loại bánh nướng được làm từ bột củ bình tinh, củ dong), các loại bánh này tùy vào điều kiện của từng làng mà có.

Hiện nay, lễ vật dâng cúng vẫn còn giữ lại tương đối như cũ nhưng nội dung chuẩn bị đã thay đổi. Đình Nam Chơn không tiến hành lễ thỉnh sanh nên không có vật tế (heo, bò). Theo tục lệ thì vẫn có xôi, thịt, bánh trái, hoa, nến. Không còn lễ thỉnh xôi vì xôi được nấu ngay tại đình chứ không phải do từng hộ gia đình tự tay chuẩn bị đem đến như trước. Thức ăn cúng cũng được thuê, trước là nấu đồ cúng tế, sau là để đãi khách. Các món dâng cúng cũng không còn giữ như cũ, chủ yếu là “trước cúng, sau ăn” nên yếu tố thuận tiện được đặt lên trên hết. Nhiều thì mâm lễ vật, hương, đăng, trà, quả cùng một ít “hiện kim” đóng góp cho đình, ít thì chỉ vài ba gói bánh kẹo, thắp hương lên bàn thờ thần thành hoàng để bày tỏ lòng cung kính.

Các món được dâng cúng lên ban thờ ở đình Nam Chơn hiện tại đã được giản lược và hiện đại hóa như xôi đậu phộng, cơm chiên dương châu, bánh bao, đậu cô ve xào, heo quay, bánh hỏi… Nhìn vào mâm lễ vật, chúng ta có thể thấy nét văn hóa cộng cư nhiều dân tộc và tính hiện đại với nền kinh tế thị trường, đa dạng.

Tùy theo khả năng kinh tế của từng đình và sự dâng cúng của người dân mà lễ vật dâng cúng ở đình có sự khác nhau. Những vật phẩm tượng trưng cho nền nông nghiệp trước đây đã được thay thế bằng những vật phẩm công nghiệp, thành thị hiện đại để phù hợp với khẩu vị cũng như thời gian chuẩn bị của cư dân đô thị. Sau khi kết thúc các nghi thức cúng lễ là hội múa lân chứ không có hát bội như trong các ngôi đình cổ khác.

Qua một số phác thảo nêu trên, chúng tôi nhận thấy đình ở TP.HCM trong bối cảnh xã hội chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ nền kinh tế tự cấp tự túc sang nền kinh thế thị trường là một xu hướng của lịch sử. Vốn dĩ ngôi đình là vật hóa thân của tâm thức xã hội truyền thống Việt Nam, mà với nó, tổ tiên ta đã tổ chức được cuộc sống an sinh, thịnh vượng, đã cùng nhau viết nên những trang sử vẻ vang, đã thành tạo xong những công trình văn minh, văn hóa đầy ắp giá trị nhân văn, nhân bản (8). Như vậy, trong bối cảnh của xã hội hiện nay, đình làng là một thiết chế văn hóa của xã hội phong kiến vẫn duy trì những chức năng quan trọng vốn có. Chức năng tín ngưỡng của nghi lễ cúng đình vẫn được bảo tồn bên cạnh những cái mới. Chức năng xã hội của đình đã được mở rộng hơn trước. Vấn đề đặt ra cho các cơ quan chức năng là cần nghiên cứu, xem xét để kịp thời có sự tác động vào sự biến đổi này sao cho những hình thức tín ngưỡng dân gian tuy hòa nhập mà vẫn giữ được phần tinh hoa của văn hóa dân tộc

_______________
 
      1. Paul Giran, Ma thuật và tín ngưỡng của người An Nam, Paris Challemel, 1912, tr.334.
 
      2. Đỗ Văn Rỡ, Cội nguồn và truyền thống dân tộc Việt Nam, Nghi thức tế lễ, Nxb TP.HCM, 1997, tr.75.
 
      3. Nguyễn Văn Khoan, Khảo cứu về đình làng và việc thờ cúng Thành Hoàng ở Bắc Bộ, Viện Viễn đông Bác cổ, 1930, tr.107-139.
 
      4. Nguyễn Long Thao, Nghiên cứu một ngôi đình làng miền Nam - Phú Nhuận đình, tiểu luận cao học Văn minh Việt Nam, Đại học Văn khoa Sài Gòn, 1974, tr.238.
 
      5, 7. Quách Thu Nguyệt, Hội đình của người Việt ở TP.HCM, Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Viện Khoa học Xã hội tại TP.HCM, 1996, tr.26, 158, 165.
 
      6. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường TP.HCM, Văn hóa làng xã trước sự thách thức của đô thị hóa tại TP.HCM, Nxb Trẻ, 1999, tr.206.
 
      8. Hồ Tường, Nguyễn Hữu Thể, Đình ở TP.HCM, Nxb Trẻ, 2004, tr.261.
 
Lê Thị Hồng Nhung
Tạp chí VHNT số 403

Bạn đang đọc bài viết "Biến đổi văn hoá tín ngưỡng đình làng ở TP.HCM" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.