Biến đổi trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - Bài học trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội (trường hợp lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam)

18/05/2023 10:32

Theo dõi trên

Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang) phản ánh sinh động loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ, được hình thành trong bối cảnh biên cương nhiễu loạn, đời sống muôn người lầm than. Trải qua lịch sử nhiều biến động, lễ hội cùng những thực hành tín ngưỡng theo đó mà có lúc thăng, lúc trầm. Thế nhưng, tín ngưỡng thờ Mẫu vốn là loại hình tín ngưỡng bản địa đã ăn sâu vào tâm thức người dân từ bao đời, nên có sức sống vô cùng mãnh liệt và bền bỉ

vn36347457854858-1684380685.jpg
Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2022 - Nguồn: baoangiang.com.vn

Là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của tín đồ thánh Mẫu, cũng là nơi vui chơi giải trí cho cộng đồng, lễ hội Bà Chúa Xứ mang trong mình những giá trị sâu sắc và to lớn đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lễ hội cũng bị tác động và có những biến đổi cho phù hợp với bối cảnh xã hội mới.

Tiến vào kỷ nguyên của khoa học công nghệ, cuộc sống con người đối diện với nhiều áp lực, rủi ro. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trên phạm vi toàn cầu, gây tác động lớn đến mọi mặt của đời sống. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cụ thể là lễ hội Bà Chúa Xứ cũng có những thay đổi nhất định, trong đó, nảy sinh những sáng tạo mang đậm sắc màu của thời đại số.

1. Những thay đổi trong thực hành tín ngưỡng Bà Chúa Xứ núi Sam trong đời sống đương đại

Kéo dài thời gian tổ chức lễ hội

Thời điểm diễn ra lễ hội là thời điểm thiêng, tức là ngày kỵ giỗ của thần linh (ngày sinh, ngày hóa), cùng với các hoạt động hội mang tính biểu trưng, làm cho thời điểm diễn ra lễ hội được gọi là “thời điểm thiêng”, “thời điểm mạnh”. Đó là thời điểm mà người xưa tin rằng có giá trị đặc biệt, mang ý nghĩa thiêng liêng, khác với thời gian bình thường của đời sống hằng ngày (1).

Theo truyền thống, lễ Vía Bà chỉ diễn ra trong ba ngày chính, từ 24 đến 26-4 (âm lịch). Đây là thời gian rước Bà trên đỉnh núi Sam xuống, thành lập miếu thờ theo lời kể dân gian. Tuy nhiên, từ sau năm 2001 đến nay, các nghi thức chính của lễ Vía diễn ra từ 22 đến 27-4 (âm lịch). Như vậy, thời gian diễn ra lễ hội ngày nay kéo dài gần cả tuần, người dân quen gọi là tuần lễ Vía Bà. Quá trình “sáng tạo” thêm các lễ thức của nhân dân, một mặt, tăng sự uy nghiêm của Bà trong lòng dân thông qua các nghi thức lễ; mặt khác, đáp ứng nhu cầu đi lễ của đông đảo bà con. Hay nói cách khác, tăng thêm lễ thức, nghĩa là phá vỡ đi cấu trúc lễ hội cũ, tăng cường biến đổi, sáng tạo cấu trúc mới, điều này đòi hỏi nhiều thời gian hơn cho các hoạt động lễ và hội diễn ra.

Tiến hành khảo sát thời gian đi lễ Vía Bà của khách thập phương, chúng tôi ghi nhận được nhiều sự thay đổi. Không chỉ đợi đến các ngày diễn ra lễ hội, mà một số bà con đã đến đây từ rất sớm. Từ Tết Nguyên Đán, khu vực miếu đã bắt đầu đông đúc người ra vào. Qua nghiên cứu thực địa, mùa Vía Bà trải dài gần nửa năm (từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau).

Mở rộng không gian lễ hội

Hiện nay, không gian thiêng của các lễ hội truyền thống hầu như không thay đổi, song, không gian vật chất và không gian xã hội được mở rộng rất nhiều. Tuy nhiên, ở lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, cả ba vùng không gian này đều có sự “nới rộng” tối đa để phục vụ nhu cầu tâm linh của khách thập phương. Ngôi làng Vĩnh Tế xưa đã chuyển thành không gian phường Núi Sam theo quá trình đô thị hóa. Kể từ khi được công nhận là lễ hội cấp quốc gia (2001), việc tổ chức lễ hội không chỉ huy động sức người, sức của trong phạm vi phường Núi Sam mà đã lan ra toàn khu vực thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang và các tỉnh thành lân cận.

Nhiều hoạt động được tổ chức, không gian vật chất của lễ hội được mở rộng, đảm bảo sức chứa cho hàng ngàn lượt khách hành hương cũng như người dân địa phương mỗi ngày. Ở Châu Đốc, trong những ngày lễ, từ trên bờ xuống dưới sông, từ đồng bằng lên vùng núi, từ các công trình đền, miếu, chùa chiền cho đến nhà dân, quán xá, siêu thị, doanh nghiệp... tất cả đều hướng về phục vụ lễ hội.

Ít có lễ hội nào mà không gian thiêng lại được “tăng cường” như lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Các hoạt động lễ thức không chỉ được thực hiện trong khuôn khổ khu vực miếu mà lan ra cụm di tích núi Sam. Bằng việc sáng tạo nghi thức phục hiện rước tượng Bà, đỉnh núi Sam trở thành một địa điểm thiêng trong lòng du khách. Năm 2002 là năm đầu tiên tổ chức phục hiện, rước Bà xuống núi, từ đó khách hành hương tới cúng viếng tấp nập.

Việc nguyện hương trong mùa Vía không chỉ là những địa điểm liên quan đến Bà Chúa Xứ mà được mở rộng thêm khu vực chùa Ông (2) (chùa Tây An), lăng Ông (Thoại Ngọc Hầu), miếu Khổng Tử và khu vực chùa Hang cách miếu Bà khoảng 2km. Đây hoàn toàn là các cơ sở thờ tự độc lập với các đối tượng thờ tự rất cụ thể, thế nhưng, người ta sẽ không hoặc ít ghé qua chùa Ông, lăng Ông, chùa Hang nếu không đi miếu Bà.

Chủ thể lễ hội - sự thỏa hiệp giữa các bên

Theo tác giả Lê Trung Vũ: “Cộng đồng làng xóm vừa là tác giả kịch bản của lễ hội, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên, đồng thời lại là khán giả của hội làng” (3). Chủ thể của lễ hội rõ ràng chính là người dân của cộng đồng làng xã đó. Về bản chất, chủ thể của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ vẫn là dân làng Vĩnh Tế (nay là dân phường Núi Sam). Tuy nhiên, dưới tác động của đô thị hóa, chủ thể lễ hội truyền thống đã có những biến đổi.

Thứ nhất, có sự kết hợp giữa cộng đồng làng với chính quyền địa phương, cụ thể là UBND thành phố Châu Đốc, dưới sự chỉ đạo của Sở VHTTDL tỉnh An Giang trong quá trình tổ chức lễ hội. Sự kết hợp này được thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội mang tính chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể của UBND thành phố. Đây sẽ là đơn vị ra kế hoạch tổng thể cho tất cả các đơn vị chức năng, trong đó có cả Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam. Trong lễ hội, Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam chính là đại diện của cộng đồng địa phương, chịu trách nhiệm phần nội dung lễ hội truyền thống - các nghi thức cúng tiết. Tuy nhiên, trong từng lễ thức, bao giờ cũng có đại diện chính quyền địa phương là Bí thư Thành ủy hoặc Phó Chủ tịch UBND là thành phần mở đầu các lễ bái bằng nghi thức nguyện hương.

Thứ hai, có sự kết hợp giữa dân làng và các tổ chức xã hội. Sẽ thiếu sót nếu không kể đến sự đóng góp của các đoàn biểu diễn nghệ thuật trong lễ hội Vía Bà vì họ đảm nhiệm một vai trò rất to lớn - tổ chức các hoạt động hội. Sự xuất hiện của các đoàn biểu diễn nghệ thuật điểm tô cho hoạt động của lễ hội thêm phần sinh động; điểm qua một số đoàn nghệ thuật như: các đoàn lân sư rồng, các đoàn nhạc ngũ âm Khmer và nhiều gánh hát bộ đến từ các tỉnh thành khu vực miền Nam.

Nói đến các tổ chức xã hội tham gia vào lễ hội, còn có một lực lượng hùng hậu các đơn vị là doanh nghiệp, các công ty, nhà hàng, khách sạn... tham gia với vai trò là khách đi lễ, dâng cúng các vật phẩm trong những lễ tiết chính. Năm 2015, chỉ riêng đêm tắm Bà đã có 258 đoàn với 9.660 người (năm 2016 là 10.568 người) được chia thành 42 lượt khách có đăng ký vào viếng Bà (4).

Từ thực tế cho thấy, vai trò “tác giả kiêm đạo diễn, diễn viên và khán giả” đối với lễ hội Vía Bà đã không còn gói gọn trong phạm vi cư dân làng Vĩnh Tế (phường Núi Sam) nữa. Từ lâu, chính quyền địa phương và du khách thập phương đã tham gia sâu vào từng hoạt động của lễ hội, tạo nên tính chất của lễ hội và góp phần không nhỏ vào sự thành công của lễ hội hằng năm. Theo Philip Taylor: “Người tham dự tạo nên những giá trị cao nhất cho tính chất của lễ hội - như tính quần chúng và những thời cơ thông qua những trải nghiệm ngắn ngủi, sự tiếp xúc tự phát và sự giao tiếp với cộng đồng - điều đó tạo nên đặc trưng của lễ hội hơn là đảo ngược cấu trúc của cơ cấu xã hội và môi trường văn hóa của miền Nam Việt Nam” (5).

Biến đổi trong cấu trúc lễ hội

Có thể nói, lễ hội là một hiện tượng văn hóa xã hội tổng thể, một cấu trúc tương đối hoàn chỉnh về nhiều mặt. Trong đó, phần lễ và phần hội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đan xen nhau, kết hợp uyển chuyển với nhau tạo nên sắc thái riêng cho từng lễ hội nói chung. Ở đó, chúng ta nhận thấy có sự kết hợp nhuần nhuyễn của những cặp phạm trù đối lập như linh thiêng và trần tục, ồn ào và tĩnh lặng, truyền thống và hiện đại, thờ cúng và vui chơi (6)…

Những năm qua, cùng với sự phát triển của đô thị trẻ Châu Đốc, sự gia tăng đột biến số lượt khách, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ cũng thay đổi ngay chính trong thành phần cấu trúc.

Một là, sự tập trung đầu tư vào các thực hành nghi lễ. Tính chất trang nghiêm vẫn vẹn nguyên, tuy nhiên, nhiều thực hành tín ngưỡng mới ra đời ngay trong chính hoạt động truyền thống của lễ hội. Điều đáng nói ở đây là quá trình làm mới này không chỉ là việc “sáng tạo” các nghi thức mới, mà trong đó, có cả sự “giản lược” những yếu tố không/ chưa phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Hai là, phần hội cũng đang được các cơ quan, ban, ngành quan tâm, tập trung đầu tư, xây dựng nhiều hoạt động hội phong phú, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Bên cạnh những nghi lễ là các cuộc vui chơi, ăn uống cộng cảm của cộng đồng nhằm giải trí sau những ngày lao động vất vả, đồng thời là dịp để cố kết cộng đồng. Nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ diễn ra, một mặt để dâng lên thần linh, mặt khác là dịp để con người giao lưu, kết nối sau thời gian bận rộn mưu sinh.

Ba là, lễ hội biến đổi trong sự gắn kết chặt chẽ với du lịch. Là địa bàn có lợi thế phát triển du lịch trong tỉnh, Châu Đốc đã nhanh chóng xây dựng nhiều kế hoạch nhằm khai thác hiệu quả giá trị các nguồn tài nguyên, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên: núi Sam, kênh Vĩnh Tế, sông Châu Đốc và tài nguyên du lịch văn hóa như: cụm di tích núi Sam (miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Khổng Tử, chùa Tây An, đình Vĩnh Tế), chùa Hang và đặc biệt là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách hành hương. Trên thực tế, Châu Đốc xác định các loại hình du lịch trọng điểm là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tham quan các di tích lịch sử và chú trọng khai thác loại hình du lịch tâm linh, du lịch lễ hội. Điều này dẫn đến những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc lễ hội khi mà phần hội được chú trọng đầu tư, tăng cường các hoạt động thưởng lãm, vui chơi giải trí cho nhân dân tham gia.

Lễ hội trước ứng phó với đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu từ cuối năm 2019, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng từ đại dịch này. Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Chính từ đây, mọi lĩnh vực trong đời sống nói chung, đời sống tâm linh nói riêng có nhiều biến động. Hoạt động tổ chức lễ hội cũng bị thu hẹp về cả phạm vi, thời gian tổ chức cũng như đối tượng tham dự.

Để ứng phó với diễn biến phức tạp của đại dịch, Ban Tổ chức lễ hội đã có ba phương án dự trù cho mùa Vía Bà năm 2021: tổ chức nghi thức lễ hội và các hoạt động khác phục vụ lễ hội trong điều kiện phòng, chống dịch (phương án được áp dụng khi tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực, với quy mô tổ chức theo thông lệ hằng năm); tổ chức nghi thức lễ hội và các hoạt động khác phục vụ lễ hội quy mô không quá 200 người (phương án được áp dụng khi tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, về cơ bản, lễ hội vẫn giữ nguyên các nghi thức truyền thống, thực hành đầy đủ các hành động hội để gìn giữ vẹn nguyên tính tôn nghiêm, sự sùng bái của nhân dân với Thánh Mẫu, song, về hình thức tổ chức thì gọn nhẹ, giản đơn); tổ chức nghi thức truyền thống lễ hội và các hoạt động khác phục vụ lễ hội quy mô dưới 100 người. Lễ Vía Bà năm 2021, Ban Tổ chức đã thực hiện phương án 3, là phương án tinh giản nhất cho mọi hoạt động, với quy mô không quá 20 người (7) và nghiêm túc chấp hành thông điệp 5K của Bộ Y tế. Tuy giản lược về quy mô (số lượng người tham dự), nhưng lễ hội vẫn đảm bảo các lễ thức được thực hành đầy đủ, tổ chức theo phong tục tập quán cổ truyền của địa phương, trang nghiêm nhưng vẫn đảm bảo an toàn chống dịch. Nói như Đặng Văn Lung: “Mục đích của lễ hội không bao giờ là trừu tượng. Ngược lại, tính cụ thể của từng hoạt động hội lại bao gồm trong nó cả một lịch sử nhưng bao giờ, bao giờ, nó cũng mang tính thời sự. Tại một thời điểm cụ thể do tình hình bệnh tật, mùa vụ hoặc do hoàn cảnh chính trị, văn hóa mà hành động hội sẽ được thêm hoặc bớt hoặc sửa chữa ít nhiều để giải thích cái biểu trưng vốn có của nó theo tình hình và hoàn cảnh mới” (8).

Về phía người tham dự lễ, chúng tôi tiến hành cuộc khảo sát (9) với 356 mẫu ngẫu nhiên, là khách hành hương (tuổi từ 18-35: 224 mẫu, từ 35 đến dưới 50: 113 mẫu, từ 50 tuổi trở lên: 17 mẫu), đến từ các khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Theo đó: số lượt khách đi lễ Bà trong hai năm 2020 và 2021 chưa đến ½ số lượt khách không đi lễ và đa số là người miền Nam. Trong 101/356 lượt khách có đi lễ Bà, thời gian đi diễn ra rải rác: dịp Tết là 31 lượt, đi vào đúng mùa Vía là 18 lượt và đi rải rác vào các tháng trong năm là 52 lượt. Trong số 101 khách hành hương về Miếu Bà trong hai năm, có 31 khách (31%) không thực hành nghi thức cúng như hằng năm. Trong 253 người không đi lễ Bà năm 2020 và 2021, có 149 người (59%) vẫn theo dõi tin tức lễ hội thông qua các kênh: truyền hình 36 người (24%), internet 125 người (53%), bạn bè 23 người (10%) và các kênh khác là 53 người (22%). Khi được hỏi đến cách thức cúng vái hay trả lễ Bà như thế nào nếu không đến miếu, có 62 khách (26%) vọng/ bái từ xa, có 20 khách (8%) nhờ người quen cúng giúp, có 33 khách (14%) cúng/ bái qua internet và có 124 khách (52%) có cách cúng bái riêng của mình.

2. Bài học kinh nghiệm cho công tác tổ chức và quản lý lễ hội

Vai trò quản lý nhà nước trong lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam

Di tích miếu Bà Chúa Xứ dưới sự quản lý của Nhà nước, các cơ quan chức năng, là sự liên kết các tổ chức gồm: UBND tỉnh An Giang, UBND thành phố Châu Đốc, Sở VHTTDL tỉnh An Giang, UBND phường Núi Sam và Ban Quản trị lăng miếu núi Sam. Sự quản lý này thể hiện rất rõ yếu tố kết hợp giữa sự hỗ trợ, chỉ đạo của Nhà nước với vai trò tự quản của cộng đồng địa phương.

Sự quản lý lễ hội một cách đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương còn thể hiện thông qua nhiều văn bản chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ đến UBND các cấp. Quá trình sáng tạo truyền thống với dấu ấn ban đầu là sự tác động của Nhà nước thông qua các văn bản chỉ đạo đã góp phần làm biến đổi lễ hội với nhiều thành tố: không gian, thời gian, chủ thể, chức năng, cấu trúc.

Một trong những biểu hiện cụ thể nhất của vai trò quản lý, chỉ đạo của Nhà nước đối với lễ hội Vía Bà là sự huy động nguồn lực từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia vào công tác tổ chức lễ hội, từ đó đưa đến những biến đổi về mặt chủ thể của lễ hội. Trước thực trạng người về dự hội ngày một đông và tăng nhanh qua các năm, đòi hỏi công tác đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội tại địa bàn Châu Đốc chặt chẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, y tế, giao thông... cũng gây nhiều quan ngại cho phía địa phương. Vì vậy, sự quản lý, điều động của chính quyền các cấp cho công tác phục vụ lễ hội đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của công tác tổ chức.

Từ các văn bản chỉ đạo của Nhà nước còn cho thấy tác động to lớn, mang tính quyết định trong việc tăng cường các hoạt động hội, mở rộng cấu trúc lễ và hội cho phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng cũng như vui chơi giải trí của nhân dân. Nếu như cộng đồng địa phương tập trung bảo tồn các giá trị truyền thống trong việc tổ chức và trao truyền thông qua lễ hội thì Nhà nước chính là đại diện đứng ra tổ chức các hoạt động hội với quy mô và tầm cỡ vượt khỏi năng lực của cộng đồng làng xã.

Vai trò của cộng đồng địa phương và sự thỏa hiệp với Nhà nước trong biến đổi của lễ hội

Ở lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam, vai trò của cộng đồng thể hiện khá rõ nét, có sự thỏa hiệp giữa cộng đồng địa phương với Nhà nước, vừa tạo sự biến đổi mạnh mẽ, đồng thời vẫn bảo tồn và gìn giữ được các giá trị truyền thống của vùng đất, cộng đồng.

Ngay từ khi xuất hiện lễ hội đã thấy đậm vai trò chủ thể của dân làng Vĩnh Tế thông qua những truyền thuyết, trong đó luôn nhắc đến vị già làng trong việc thỉnh Bà về an vị tại miếu và tổ chức lễ hội hằng năm. Rồi liên tục sau đó, lễ Vía Bà Chúa Xứ do một tổ chức xã hội đứng ra tổ chức đó là Ban (hay Hội) Quý tế. Thực ra, Ban Quý tế chủ yếu vẫn là dân làng Vĩnh Tế xưa, nhưng có một số người giàu có và tâm huyết ngoài làng tham gia từ những năm đầu TK XX.

Đến năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Kể từ đó, việc kết hợp giữa nhà nước và nhân dân địa phương càng trở nên chặt chẽ hơn do quy mô lễ hội ngày một lớn (10). Điển hình là việc thành lập Ban Quản trị lăng miếu núi Sam. Đây là một tổ chức xã hội từ thiện trực thuộc UBND thành phố Châu Đốc với chức năng, nhiệm vụ giữ gìn, trùng tu, tôn tạo, phát triển di tích, lễ hội và làm công tác xã hội từ thiện trực tiếp quản lý nguồn thu từ cúng viếng của nhân dân. Thành viên Ban Quản trị là người của cộng đồng, do cộng đồng tín nhiệm và bầu chọn, thường là những người có đạo đức, am hiểu lịch sử truyền thống lễ hội. Ban Quản trị hoạt động thông qua quy chế và nằm dưới sự quản lý của Nhà nước.

Sự thương thỏa hai chiều giữa Nhà nước và cộng đồng, trong đó cộng đồng luôn được tôn trọng quyền làm chủ lễ hội, thể hiện rõ khi UBND trao quyền cho Ban Quản trị trong việc huy động và phân công lễ hội. Cuộc họp ngày 5-5-2015 do Ban Quản trị lăng miếu chủ trì nhằm phân công các nghi thức cúng và công tác phục vụ lễ hội Vía Bà năm 2015 đã huy động lực lượng chính quyền sở tại. Thành phần dự họp gồm: Trưởng, Phó Ban Quản trị, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Châu Đốc, Phó Chủ tịch UBND phường Núi Sam, Phó Trưởng Công an phường Núi Sam, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tế, Phó Ban Khóm Vĩnh Tây (11).

Tôn trọng sự sáng tạo, thích ứng với thời đại 4.0

Cuộc sống càng hiện đại, càng nhiều căng thẳng và rủi ro, con người lại càng mong muốn tìm nơi bám víu, nương tựa tinh thần. Nên, tôn giáo, tín ngưỡng là một thành tố không thể thiếu trong cuộc sống đầy áp lực của xã hội đương thời. Vì thế, không dự lễ do khách quan, tín đồ Chúa Xứ thánh Mẫu, với sự kết nối của công nghệ đã hình thành nhiều phương thức thực hành tín ngưỡng thông qua mạng internet, thông qua phương tiện truyền tin hiện đại. Họ cho rằng không cần cầu kỳ về mặt hình thức, miễn rằng vẫn đảm bảo được nội dung là dâng lên thánh Mẫu lời tạ ơn hay sự mong cầu.

Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, Ban Tổ chức lễ hội cũng hiểu nhu cầu tâm linh của người dân, nên đã phát trực tiếp (livestream) các nghi thức lễ và phát lại trên một số kênh thông tin thông qua ứng dụng web. Đối với khách hành hương không thể tham dự lễ, việc được xem trực tiếp tiến trình lễ hội (năm 2021) thông qua mạng internet đã phần nào giúp họ được giải tỏa mong cầu, được cùng nguyện hương (vọng bái), được dâng lên thánh Mẫu những lời nguyện ước, tạ ơn từ chính cõi lòng mình.

3. Kết luận

Môi trường, điều kiện sống… ngày càng phát triển, làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó lễ hội và thực hành tín ngưỡng cũng chịu những tác động đáng kể, nhất là khi thời đại công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu. Điều hay là, dù linh hoạt thay đổi để thích ứng, thì lễ hội Bà Chúa Xứ, ngay từ các yếu tố nội sinh đã cho thấy một sự bảo lưu, tiếp nối truyền thống của các lễ hội cổ truyền dân tộc theo dòng chảy không gian và thời gian. Trải qua hai thế kỷ với nhiều biến động, đứng trước bao thử thách của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Cách mạng công nghệ 4.0 vẫn giữ cho mình những giá trị truyền thống cốt lõi, bên cạnh việc sáng tạo thêm những nghi thức - hoạt động mới cho phù hợp với bối cảnh mà nó đang tồn tại. Để bảo tồn được những giá trị truyền thống cũng như phát huy lễ hội trong thời đương đại, phải nhìn nhận những yếu tố cốt lõi: một là, sự tham gia của Nhà nước (chính quyền địa phương) như một tất yếu khi lễ hội phát triển tầm quốc gia; hai là, sự thỏa hiệp giữa chính quyền và người dân địa phương, trong đó vai trò nòng cốt của lễ hội vẫn được tôn trọng và trao quyền cho các vị bô lão trong làng; ba là, phân chia công việc nhiệm vụ vai trò trong lễ hội một cách dân chủ, đúng người đúng việc, trên quan điểm tôn trọng nhau và tôn trọng sự khác biệt; bốn là, ứng dụng công nghệ số vào thực hành tín ngưỡng một cách linh hoạt, tự nhiên, không khiên cưỡng nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống… Tất cả đã tạo nên hình hài của cấu trúc lễ hội bền vững cho đến ngày nay - Điều cần lan tỏa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống trước cách mạng 4.0.

1. Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng, Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr.534.

2. Theo cách gọi dân gian, Ông - chỉ người sáng lập nên chùa, sư thầy Đoàn Minh Huyên.

3. Lê Trung Vũ (chủ biên), Lễ hội cổ truyền, Nxb Khoa học xã hội, 1992, tr.85.

4. Khảo sát về việc tham gia lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc năm 2015 và 2016, tiến hành vào tuần lễ Vía Bà mỗi năm.

5. Philip Taylor, Goddess on the rise - Pilgrimage and popular religion in Vietnam (Nữ thần ngày càng thiêng liêng - các cuộc hành hương và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam), Nxb Đại học Hawai, Honolulu, 2004.

6. Kỷ yếu hội thảo Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2014, tr.152.

7. UBND thành phố Châu Đốc, Kế hoạch số 70/KH-UBND về tổ chức Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2021 trong tình hình dịch bệnh COVID-19, 2021.

8. Đặng Văn Lung, Lễ hội và nhân sinh, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2005.

9. Khảo sát về việc tham gia lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc năm 2020 và 2021, tiến hành vào tuần đầu tháng 12 năm 2021.

10. Lê Hồng Lý, Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2008.

11. Kế hoạch Phối hợp, tổ chức lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2015 của Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam (34/KH-BQT), 5-5-2015.

Theo Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023
Bạn đang đọc bài viết "Biến đổi trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - Bài học trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội (trường hợp lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.