Bí ẩn không lời giải trong giếng bán nguyệt tại miếu Bảo Hà

16/04/2016 17:17

Theo dõi trên

Cho đến tận bây giờ, vẫn không ai lý giải được vì sau sau khi đánh mấy hồi chiêng trống, quả bưởi hay vật gì đó được thả xuống giếng bán nguyệt lại có thể trôi xa đến 1,5km ra sông.



Bức tượng biết đứng lên ngồi xuống

Đến với miếu Bảo Hà, không những được chiêm ngưỡng tận mắt bức tượng của Linh Lang đại vương biết đứng lên ngồi xuống, mà rất nhiều người còn ngạc nhiên bởi chiếc giếng bán nguyệt tại đây. Khi thả bưởi xuống giếng, quả bưởi sẽ trôi ra sông Vĩnh Chinh cách đó khoảng hơn 1km. Miếu Bảo Hà lâu nay đã được nhiều người biết đến bởi nơi đây có rất nhiều những diều kì lạ và bí ẩn về pho tượng biết đứng lên ngồi xuống và câu chuyện thả bưởi xuống chiếc giếng bán nguyệt. Miếu Bảo Hà thuộc ba thôn Bảo Động, Hà Câu và Mai An thuộc xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vì vậy miếu còn có tên gọi khác là Tam xã thượng đằng từ. Miếu hiện đang thờ Linh Lang đại vương và ông tổ của nghề tạc tượng là Nguyễn Công Huệ.

Câu chuyện về bức tượng biết đứng lên ngồi xuống khiến mọi người không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên bởi vừa mang nét tâm linh độc đáo và cũng thể hiện nét tài hoa, sáng tạo của làng nghề tạc tượng của người dân nơi đây. Theo truyền thuyết kể lại, ngày xưa, có người ở trong làng được Đức thánh Linh Lang đại vương báo mộng ra sông Vĩnh Chinh để vớt tượng ngài. Sau đó, dân làng kháo nhau ra sông thì thấy có một bức tượng trôi giữa sông. Họ khấn vái thiên địa, cầu xin trời đất xin lấy khúc gỗ này mang về tạc tượng Thánh. Khi khấn vái xong, tự nhiên có một cơn gió đưa khúc gỗ dạt vào bờ. Người dân trong làng liền bảo nhau mang bức tượng này về và tạc thành bức tượng biết đứng lên ngôi xuống của Đức Linh Lang đại vương bây giờ.

Nói đến chiếc giếng đầy bí ẩn này, theo lời của cụ Phạm Trong Yêm (80 tuổi) người trong coi miếu Bảo Hà đã 5 năm kể lại câu chuyện: “Chiếc giếng có từ lúc xây dựng bức tượng, tuy nhiên lúc ấy người dân ở làng không hề biết chuyện kì lạ ở chiếc giếng này. Tuy nhiên đến một hôm, khi dâng hương, mang mâm ngũ quả đến bàn thờ. Lạ thay, đến sáng hôm sau mọi người phát hiện thấy quả bưởi trên mâm bị mất tích. Tất cả moi người đều lấy làm lạ thắc mắc vì ai cả gan dám lấy bưởi trên bàn thờ Đức Thánh. Khoảng ba ngày sau, người ta thấy ở sông Vĩnh Chinh có quả bưởi nổi, mọi người xem kỹ thì mới thấy đúng là quả bưởi hôm trước thắp hương dâng trên miếu. Lấy làm lạ, mọi người thử thả quả bưởi khác xuống chiếc giếng và thấy nó nổi ra sông Vĩnh Chinh thật. Từ đó dân làng mới biết đến chuyện kì lạ tại nơi chiếc giếng bán nguyệt này. 

Tuy nhiên, có một điều kì lạ, đó là khi thả bưởi mà không đánh trống thì quả bưởi không trôi được ra ngoài, hoặc có trôi cũng phải 3 đến 5 ngày sau mới thấy nổi ở sông. Nhưng chỉ với 3 hồi trống miếu, thì chỉ 5 phút sau người ta sẽ thấy quả bưởi nổi lên ngay. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn tin vào điều linh thiêng và kì bí này, họ không biết lí giải nguyên nhân vì sao, mà cho đó là điều thần kì nơi miếu Bảo Hà linh thiêng để lại.

Chiếc giếng bán nguyệt đặt ngay dưới bức tượng thời Đức thánh Linh Lang Đại Vương trong chùa. Chiếc giếng được xây dựng theo một nửa hình tròn, vì thế được gọi là chiếc giếng bán nguyệt. Hiện nay, nhiều người khi đến tham quan miếu Bảo Hà, sẽ được thả bưởi xuống giếng và chứng kiến tận mắt điều kì lạ và thú vị này. Khi thả bưởi, đánh ba hồi trống, chỉ cần năm phút sau bưởi sẽ nổi ngay ra chiếc hồ trước miếu cách chiếc giếng khoảng từ 400 đến 500m. Các cụ cao niên trong làng giải thích rằng bởi con sông Vinh Chinh giờ đã bị lấp, nên quả bưởi chỉ có thể nổi trên hồ gần đó mà thôi. Cũng theo các cụ cao niên trong làng cho biết, thì theo luật lệ của dân làng đã quy định từ trước, phải có từ 10 người trở lên, có lòng, có tâm muốn được thả bưởi mới được phép cho thả. Tuy nhiên, cũng có nhiều đoàn khách đến, xin thả bưởi nhưng đợi mãi mà bưởi không trôi ra ngoài sông.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa (sinh năm 1932) trưởng Ban quản lý miếu Bảo Hà cho biết: “Mong muốn thả bưởi phải xuất phát từ cái tâm của người xin thả. Nếu không có thành ý, tâm ý chắc chắn quả bưởi sẽ không trôi ra được. Có lần, có một đoàn khách nước ngoài về miếu, xin thả bưởi, nhưng bưởi không trôi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi và sự lý giải của rất nhiều vị cao niên trong làng về chiếc giếng hiện tại, mới biết chiếc giếng và bức tượng hiện nay được xây dựng mới. Chiếc giếng cũ đã bị đất cát vùi lấp, do vấn đề về tâm linh nên người dân tại miếu cũng không dám khơi ra. Trong quá trình dựng mới, để làm giống chiếc giếng trước đây, khi xây dựng giếng người ta đã sử dụng một đường ống dẫn để dẫn quả bưởi ra chiếc ao đằng trước ngôi miếu theo nguyên tắc bình thông nhau. Vì đường ống này cũng không được to, nên chỉ thả quả bưởi kích thước nhỏ, vừa hoặc những vật nổi không quá lớn mới có thể trôi ra hồ, nếu thả quả bưởi quá to, quả bưởi sẽ không thể nào thoát ra được. 

Thế nhưng còn nguyên nhân vì sao phải đánh mấy hồi chiêng trống thì quả bưởi mới nổi ắt hẳn không phải ai cũng biết. Lý giải đánh trống tại sao lại giúp quả bưởi ra ao nhanh hơn, ông Nghĩa cho biết, có thể do có tiếng âm thanh tác động, tạo nên cường độ rung và sóng âm cộng hưởng, vì thế giúp cho quả bưởi thoát ra ngoài nhanh và dễ dàng hơn. Ngoài ra, khi thả bưởi vào những ngày trời có gió, quả bưởi cũng khó mà trôi ra ao, hoặc trôi chậm hoặc hai đến 3 ngày sau trời lặng gió mới có thể trôi được ra ngoài.

Mặc dù được lý giải như thế, nhưng không chỉ du khách và người dân địa phương cũng luôn háo hức được chứng kiến điều kỳ lạ ấy mỗi dịp đến với miếu Bảo Hà. Miếu Bảo Hà đã được nhà nước phong tặng là Di tích lịch sử cấp Quốc Gia không hẳn vì những điều bí ẩn, mà còn vì đây là nơi lưu giữ những tác phẩm, những mảnh ghép của thời gian, nơi làng nghề tạc tượng và làm rối nổi danh một thời.
 
Cẩm Vân

Bạn đang đọc bài viết "Bí ẩn không lời giải trong giếng bán nguyệt tại miếu Bảo Hà" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.