Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là một trong những bệnh viện hàng đầu điều trị đột quỵ

27/01/2024 13:58

Theo dõi trên

Trải qua chặng đường phấn đấu, xây dựng và phát triển đội ngũ bác sĩ giỏi bằng cách liên tục tổ chức các Hội thảo khoa học, cử nhiều lượt Bác sĩ tham gia các chương trình đào tạo sau đại học, đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (BVĐKĐN) đã có được một đội ngũ Bác sĩ nắm vững chuyên môn cao ở hầu hết các khoa khám và điều trị.

a1-0125235366-1706338509.jpg
Bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai. Ảnh: NDHA

Trước thềm Xuân Giáp Thìn, phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã có buổi trao đổi với Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (BVĐKĐN), trao đổi cùng các Bác sĩ để ghi nhận thực tế.

Ghi nhận ở Khoa khám bệnh, những hàng ghế dành cho bệnh nhân ngồi khi đến khám bệnh đều kín chỗ. Các buồng bệnh tại các khoa điều trị hầu như không có giường trống, điều đó chứng minh cho khả năng điều trị, chăm sóc của bệnh viện đáp ứng được mọi nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong tỉnh và các vùng lân cận. 

Tại buổi trao đổi, Bác sĩ Chuyên khoa 2 (CK2) Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BVĐKĐN chia sẻ: Bất kì một thành công nào đều phải được tạo nên do công sức của cả một tập thể, và ở BVĐKĐN sự đoàn kết, gắn bó của tập thể đã tạo nên sự tiến bộ như hôm nay. Ngoài sự đoàn kết, công tác đào tạo chuyên môn, nâng cao tay nghề cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng là yếu tố được quan tâm hàng đầu.

Trong suốt thời gian qua, Ban Giám đốc bệnh viện luôn xác định: Muốn phát triển bệnh viện thì phải đào tạo ra những bác sĩ giỏi chuyên môn, làm chủ công nghệ hỗ trợ khi tiến hành các ca phẫu thuật khó, thực hiện được nhiều kỹ thuật đặc biệt như: Phẫu thuật tim hở, đặt Stent Graft, phẫu thuật cắt gan, cắt thực quản qua nội soi…, và hiện nay bệnh viện đã thực hiện được tất cả các ca rất khó. Còn bệnh nhân không cần phải chuyển lên tuyến trên như trước kia.

a2323674-1706338563.jpg
Bác sĩ CK2 Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: NDHA

Bác sĩ CK2 Ngô Đức Tuấn cũng cho biết thêm: Trong năm 2023, bệnh viện cử đi đào tạo sau đại học 27 Bác sĩ, Dược sĩ. Đào tạo đại học cho 20 Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, Nữ hộ sinh; đào tạo chuyên môn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho 83 Bác sĩ, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên. Hàng tuần bệnh viện còn tổ chức các hội thảo khoa học để cập nhật kiến thức cho nhân viên y tế, tổ chức các buổi chuyên đề nâng cao chăm sóc cho điều dưỡng.

Bác sĩ CK2 Đinh Cao Minh, Phó Giám đốc BVĐKĐN nói: Trong lĩnh vực nội thần kinh thì BVĐKĐN được khẳng định là một trong những địa chỉ hàng đầu của khu vực phía Nam trong điều trị đột quỵ, và được Hội đột quỵ thế giới chứng nhận đạt “tiêu chuẩn bạch kim về điều trị đột quỵ”. Hiện bệnh viện đang hướng đến mục tiêu đạt “tiêu chuẩn kim cương trong điều trị đột quỵ”.

dh-03634674578-1706338619.jpg
Bác sĩ CK2 Đinh Cao Minh, phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: NDHA

Cùng với việc phát triển kỹ thuật cao, nâng cao khả năng khám, điều trị cho bệnh nhân thì bệnh viện cũng từng bước triển khai các hoạt động dịch vụ công như: Triển khai các phòng khám chuyên gia góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường sự hài lòng của người bệnh, giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ chất lượng cao theo yêu cầu. Bệnh viện cũng phấn đấu giảm tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, đồng thời cải thiện thu nhập cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên để mọi người tâm công tác và ổn định được nhân lực tại chỗ.

Có mặt tại Khoa Nội thần kinh của bệnh viện, chúng tôi ghi nhận rất rõ sự hài lòng của bệnh nhân khi được điều trị tại đây. Hiện Khoa Nội thần kinh và Khoa Tim mạch của BVĐKĐN là hai khoa thuộc bệnh viện tuyến tỉnh đủ khả năng thực hiện tất cả các ca phẫu thuật khó mà trước kia chỉ có bệnh viện tuyến TW mới thực hiện được.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Đình Quang, Trưởng Khoa Nội thần kinh BVĐKĐN cho biết: Khoa nội thần kinh lúc nào cũng kín giường bệnh, thời gian điều trị trung bình cho bệnh nhân bị đột quỵ khoảng gần một tuần, trừ những ca quá nặng. Để giảm tải, cũng như tạo điều kiện chăm sóc cho người nhà thì sau khi điều trị ban đầu, tình trạng bệnh nhân đã ổn nhưng chưa đủ điều kiện để xuất viện thì sẽ cho chuyển về tuyến dưới để điều trị đến khi bệnh nhân đảm bảo sức khỏe đủ điều kiện xuất viện. Hiện nay, ngoài BVĐKĐN là tuyến cuối cùng điều trị đột quỵ, thì trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 3 bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ là BVĐK khu vực Định Quán, BVĐK Long Khánh, BVĐK Thống Nhất.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Đình Quang cũng chia sẻ thêm về những dấu hiệu nhận biết đột quỵ, giúp chúng ta phát hiện sớm bệnh lý để tận dụng khung giờ vàng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Và quan trọng nhất, là phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ, vì nếu đến không đúng địa điểm thì công tác thăm khám ban đầu, cũng như thủ tục hành chính chuyển viện tốn thời gian. Điều đó, làm mất đi “khung giờ vàng” để cứu bệnh nhân. Vì một phút trôi qua đồng nghĩa hai triệu tế bào não của bệnh nhân bị chết.

a3645747-1706338668.jpg
Bác sĩ CK2 Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh BVĐKĐN kiểm tra, đánh giá sự hồi phục của bệnh nhân trước khi cho xuất viện. Ảnh: NDHA

Với khả năng điều trị, can thiệp cao bằng các kỹ thuật hiện đại BVĐKĐN đã khẳng định được vị thế và vai trò là tuyến cuối trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân Đồng Nai. Đáp ứng được mọi yêu cầu điều trị, điều đó làm tăng khả năng và cơ hồi phục hồi cho bệnh nhân. Giảm được rất nhiều chi phí mà trước kia bệnh nhân và người nhà phải vất vả chi trả khi điều trị ở tuyến trên.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Ban giám đốc bệnh viện khi chú trọng công tác đào tạo, tiếp cận và làm chủ các phương pháp kỹ thuật cao khi được chuyển giao từ các bệnh viện lớn, đã giúp BVĐKĐN ngày một lớn mạnh hơn. Xứng đáng là địa chỉ tin cậy, đáp ứng mọi nhu cầu thăm khám, tầm soát và điều trị cho bệnh nhân trong và ngoại tỉnh.

a34754756858989-1706338710.jpg
Các Bác sĩ đang hội chẩn, đánh giá tình trạng bệnh nhân. Ảnh: NTT

Một số dấu hiệu nhận biết của đột quỵ

“B (Balance): là triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.

E (Eyesight): là bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt;

F (Face): là dấu hiệu liệt mặt, một bên mặt của bệnh nhân có thể bị xệ xuống, miệng méo;

A (Arms): là dấu hiệu ở tay, bệnh nhân có thể bị yếu hoặc liệt một bên tay, không thể cầm nắm các đồ vật;

S (Speak): là khả năng ngôn ngữ, bệnh nhân không thể nói chuyện bình thường, nói nhịu giọng, nói ngọng;

T (Time): là thời gian. Khi phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ thì cần nhanh chóng tận dụng “khung giờ vàng” đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Những đối tượng cần quan tâm hơn, đó là người đang có bệnh Tim mạch (cao HA); Đái tháo đường (Tiểu đường) Stress + với một trong các trường hợp trên. Đặc biệt những người có cao HA +tiểu đường và những người đã từng bị đột quỵ một lần, rất dễ bị đột quỵ lần hai (35-45%), và lần hai bao giờ cũng rất nặng, khó hồi phục.

Nguyễn Đặng Hà Anh
Bạn đang đọc bài viết "Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là một trong những bệnh viện hàng đầu điều trị đột quỵ" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.