Chạnh lòng rơi nước mắt
Cuộc trò chuyện của nghệ sĩ Kim Cương với phóng viên Báo Người Lao Động thường xuyên bị gián đoạn bởi điện thoại của bà liên tục đổ chuông.
NSND Kim Cương và nghệ sĩ Hữu Châu đưa 2 nghệ sĩ Mai Lan, Long Hải lên sân khấu nhận quà trong chương trình “Nghệ sĩ tri âm”
Một phụ nữ vừa gọi đến khóc và cho biết đã liên lạc được với cha mẹ dưới quê, mời họ lên dự đám cưới tập thể ngày 20-10 tới. Đây là niềm hạnh phúc bất ngờ nên chị vội vã chia sẻ ngay với “người ơn”. Ngay sau đó, nghệ sĩ Kim Cương nhận cuộc gọi khác từ một người khiếm thị mưu sinh bằng nghề bán vé số. Anh này xin thêm thiệp mời để báo tin mừng cho những người mà mình mang ơn...
Mỗi khi trả lời điện thoại xong, nghệ sĩ Kim Cương lại chạnh lòng rơi nước mắt vì bà thấy trong xã hội vẫn còn rất nhiều người khó khăn, cần được giúp đỡ. “Mấy chục năm làm từ thiện, lo chuyện ăn mặc cho người nghèo, giờ đến lúc tôi phải nghĩ đến việc chăm lo hạnh phúc cho họ” - bà thổ lộ.
Nghệ sĩ Kim Cương cho biết ý tưởng tổ chức đám cưới tập thể xuất phát từ câu chuyện mà Kim Tuyến - người đồng hành với bà trong nhiều hoạt động từ thiện, chủ sở hữu một cửa tiệm cho thuê áo cưới - kể. Theo đó, hằng ngày thường bắt gặp một thanh niên khuyết tật bán vé số nhìn chằm chằm vào những chiếc áo cưới mỗi khi đi ngang qua tiệm. Khi được hỏi, thanh niên này tâm sự có vợ cùng cảnh ngộ, cả 2 mơ một ngày được mặc áo cưới nhưng “chắc cả đời cũng không thực hiện được”.
“Tại sao mình không tổ chức đám cưới tập thể cho những cặp đôi này? Nghĩ là làm, tôi tập hợp chị em trong nhóm, phân mỗi người một việc. Thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, chúng tôi tìm những cặp đôi khó khăn để tổ chức đám cưới cho họ. Sau khi lo mặt bằng, chúng tôi vận động nhà tài trợ mua 40 cặp nhẫn cưới, mời thân nhân, bạn bè của họ đến dự...” - nghệ sĩ Kim Cương cho biết.
Theo nghệ sĩ Kim Cương, ngày truyền thống sân khấu Việt Nam sắp đến, việc làm này của bà như món quà dâng lên Tổ nghiệp. Hơn thế, bà còn muốn hành động của mình sẽ góp phần nhắc nhở thế hệ nghệ sĩ trẻ quan tâm nhiều hơn đến hoạt động xã hội, chia sẻ khó khăn với cộng đồng.
Niềm hạnh phúc “khác thường”
Nhiều người ví von “kỳ nữ” Kim Cương như một “bầu sô” từ thiện bởi bà từng tham gia rất nhiều hoạt động giúp đỡ những cảnh đời khó khăn, bất hạnh.
“Niềm hạnh phúc của tôi rất khác thường” - nghệ sĩ Kim Cương bày tỏ. Bà tiết lộ cả đời mình chưa một lần mặc áo cưới sang trọng. Lúc nghệ sĩ Kim Cương lấy chồng, đám cưới diễn ra đơn sơ ở quê nhà. Bà cũng như bao người con gái khác chỉ mặc áo dài bình thường trong ngày cưới. Có lẽ vì thế mà bà hiểu phần nào niềm khao khát được mặc áo cưới của một phụ nữ trong ngày trọng đại đời mình.
Khi công việc chuẩn bị cho đám cưới tập thể gần hoàn tất, nghệ sĩ Kim Cương cho biết cảm thấy rất vui, hạnh phúc đến trào nước mắt. “Niềm hạnh phúc khác thường” này khiến bà thấy đời đáng yêu hơn.
“Tổ cho tôi cái nghiệp “thương vay, khóc mướn”, lấy cảm xúc nhân vật, gửi gắm cảm xúc bản thân. Khi diễn vở “Trà hoa nữ”, tôi mặc áo cưới phối diễn với chú rể - có suất là nghệ sĩ Thương Tín, có suất là nghệ sĩ Bảo Anh. Hai người này trêu rằng sao tôi mặc áo cưới đẹp lạ lùng. Họ có biết đâu khi đó, tôi đang hạnh phúc vì được là cô dâu như trong giấc mơ của mình” - nghệ sĩ Kim Cương bộc bạch.
Lâu nay, nghệ sĩ Kim Cương cứ tất bật chăm lo cho những đồng nghiệp nghèo khó tuổi về chiều, những công nhân hậu đài có cuộc sống bấp bênh. Bà cho biết vừa đưa nghệ sĩ Diệu Hiền đi khám mắt, chuẩn bị mổ cườm; đưa Ngọc Hương đi chụp X-quang đôi chân bị thấp khớp nặng; đưa Long Hải đi châm cứu điều trị sau tai biến… Chăm lo cho đồng nghiệp, giúp đỡ họ vơi đi gánh nặng tuổi về chiều cũng là một trong những “niềm hạnh phúc khác thường” của bà.
Hiện nay, số tiền 250 triệu đồng mà nghệ sĩ Kim Cương vận động quyên góp vào Quỹ Hỗ trợ vốn cho nghệ sĩ vẫn đang được Hội Sân khấu TP HCM lên danh sách người nhận. “Tôi không muốn chi sai một đồng nào trong công việc ý nghĩa này. Để đón nhận hạnh phúc khác người, tôi chịu cực một chút nhưng hài lòng tuyệt đối, mỗi tối nằm ngủ không trăn trở gì. Cũng như số tiền hơn 500 triệu đồng lo cho đám cưới tập thể này, mọi thu chi đều đâu ra đó, để khi người ta nói đến Kim Cương là nói đến uy tín của “đá quý” - bà thổ lộ.
Lễ kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam và lễ giỗ Tổ ngành sân khấu sẽ được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức vào ngày 20-9 tại Hà Nội. Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 18-9, nghệ sĩ Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho biết bên cạnh chương trình nghệ thuật “trình Tổ”, lễ kỷ niệm còn tôn vinh các tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, NSND/NSƯT bước vào tuổi 70, 80, 90.
Dịp này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam còn phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Liên hoan Tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhân kỷ niệm 24 năm ngày mất của ông.
Trong khi đó, Hội Sân khấu TP HCM tổ chức chương trình “Trọn đời vương tơ” vào tối 20-9 tại rạp Công Nhân (30 Trần Hưng Đạo). Chương trình sân khấu này quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Trường Sơn, Thanh Loan, Bạch Mai, Bo Bo Hoàng, Xuân Yến, Chí Bảo, Thanh Ngân, Tú Sương, Lê Tứ... cùng các nghệ sĩ kịch nói: Mỹ Uyên, Kim Huyền, Quý Bình, Hòa Hiệp, Bá Thắng, Chánh Trực, Lê Vinh... Trong 3 ngày 10, 11 và 12-8 âm lịch (tức 23, 24 và 25-9), Hội Sân khấu TP HCM và các sân khấu tại TP sẽ tổ chức giỗ Tổ ngành sân khấu.H.L.Anh - T.Hiệp
Theo Thanh Hiệp (Người Lao Động)