![](/uploads/editor/files/TKTS/danhhoa1/124235253463466634.jpg)
Niềm vui ngày gặp lại
Khi qua cổng thường trực xe không dừng lại mà vẫn lao nhanh vào sân, rồi quay đầu vòng lại đỗ ngay trước cửa trụ sở làm việc. Một người đàn ông trung niên bước ra khỏi xe, anh quay lại dặn dò lái xe điều gì đó rồi đi nhanh vào khu phòng làm việc. Đứng trước cửa Văn phòng Đảng ủy một lúc, anh không vào mà lại quay ra đứng trước cửa Văn phòng UBND xã, cũng không vào, anh lại đến trước cửa Văn phòng Hội CCB và đi-ô-xin đứng nhìn, nhưng cũng không vào. Cuối cùng anh rẽ qua phòng đầu hồi và bước vào phòng có biển hiệu: “Hội Người cao tuổi”… Thời gian khá lâu, chừng gần một giờ đồng hồ mới thấy anh đi ra và bước nhanh xuống xe. Chiếc xe 7 chỗ lại lao vút đi về phía thị trấn Thanh Nê...
Cũng ngày ấy, con em CBCNV chỉ có dăm mười đứa, toàn những đứa mà cha đi Bộ đội, nay đã giải phóng Điện Biên thì tiến về đồng bằng tiếp quản Thủ đô, rồi lại lên Tây Bắc tiễu Phỉ. Trước khi lên Tây Bắc lần thứ 2 thì tranh thủ về thăm quê hương rồi đưa vợ con đi theo. Cũng vì thế mà trẻ con ở Nông trường những năm 1967, 1968, 1969… cứ như “cục vàng”. Cô gái xinh đẹp, hiền lành, trẻ trung quê Thái Bình ấy nhanh chóng được đưa vào Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Lao động để phụ trách Đoàn - Đội của đơn vị. Trong số trẻ con lít nhít, có một thằng cu nghịch nhất, “láo nhất”, nhưng cũng thông minh và khôi ngô tuấn tú nhất. Đặc biệt, nó lại là con trai của đôi vợ chồng nói giọng “trọ trẹ”, người xứ Nghệ duy nhất của đơn vị. Không những nói tiếng trọ trẹ miền Trung mà hai vợ chồng lại còn đều là đảng viên kì cựu, thậm chí vợ còn vào Đảng trước cả chồng những 5 năm, trước khi lên Tây Bắc theo chồng bà ấy đã là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Xã thời kháng chiến.
Thời kháng chiến chống Mỹ tất cả mọi thứ đều khổ sở và nghèo nàn. Nhà tập thể dành cho CBCNV ở là nhà bằng gỗ, mái lợp cỏ tranh, vách bằng phên nứa. Sau này phên nứa được cải tiến thành vách trát đất hay còn gọi là vách toóc - xi, cứ lấy rơm rạ trộn với bùn đất cho nhão quệt rồi trát lên phên nứa, phên cây sặt buộc mắt cáo, thế là thành tường nhà. Về mùa Đông gió rừng thổi vào nhà ràn rạt, rét co dúm hết cả người, ở giữa gian nhà tập thể lúc nào cũng có đống lửa cháy bùng bùng để sưởi ấm, giường của cô chú nào cũng được lót lá chuối khô làm đệm ngủ sướng rơn. Mà ngày ấy củi gỗ khô nhiều vô biên, đốt cháy quanh năm cũng không hết, nên đốt sưởi mang kèm theo đống sắn hoặc thúng khoai lang tươi, rổ ngô non, để nướng ăn về đêm thì chỉ có là “hết sảy”. Tài sản của các cô công nhân cô nào cũng có một chiếc va li, hoặc chiếc hòm gỗ kê trên đầu giường, bên trên chiếc hòm là chiếc đèn dầu “sang chảnh”, bóng đèn được cắt từ vỏ chai canh - ki - na chụp vào... Tối tối, các cô ngồi khoanh chân, dựa lưng vào hòm để ánh sáng đèn lờ mờ rọi đủ cho tầm nhìn để đan len, cô thì đan mũ len, cô thì đan áo len, cô thì đan khăn len, bởi len phân phối mỗi cô được 2 nắm bằng 2 lạng. Thằng cu khôi ngô tuấn tú được các cô chiều lắm, buổi chiều nào cũng có cô đến gọi: “Anh chị ơi, tối cho thằng cu ngủ với em cho ấm nhé!”. Thế là ăn tối xong, nó chạy sang dãy nhà tập thể 10 gian. Hôm nay ngủ với cô này, mai lại ngủ với cô kia. Các cô ngồi khoanh chân “chéo ngũ” để đan len, nó nằm xuống, chân duỗi thẳng đắp chăn, đầu gối lên đoạn gập chân và đùi của cô, mỗi lần cô mỏi người cô cựa quậy là hai bên đùi non của cô áp vào hai bên má nó, đôi má còn non hơi sữa bỗng ấm áp đến lạ lùng, rồi cô hơi gập cúi xuống là hai bầu vú thơm lừng chưa từng có hơi trai lại úp lên mặt nó… cứ thế, cứ thế, nó ngủ rì rì. Giấc ngủ mà mãi mãi không bao giờ nó có thể quên đi được.
Những năm 1968 - 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt. Lúc đó, để thanh niên yên tâm lên đường đi đánh Mỹ nên cũng cần thiết phải loại bỏ lối sống “du côn, cao bồi” trong giới thanh niên ở Thủ đô. Thanh niên mặc quần ống tuýp, tóc phi - dê bù xù là “cao bồi”. Ngồi ở đầu ngõ nhà mình ôm đàn guitar nhìn ra phố rồi gảy đàn hát “Chuyện tình Lan và Điệp” là thanh niên “trụy lạc”. Chơi Tổ tôm, Chắn cạ, Cúng bái là “mê tín dị đoan”. Gọi cha mẹ là “ông bô, bà bô” và ăn nói thì đệm “đù đéo” là thành phần “du côn”… tất cả các thành phần này ở Hà Nội đều phải đi tập trung lao động 3 năm nơi rừng thiêng, nước độc. Vậy là Nông trường Nghĩa Lộ “đón nhận” vài trăm anh chị “du côn, cao bồi” từ Thủ đô lên. Công bằng mà nói, những anh chị “du côn” này đều là những người có tài, mỗi người có một biệt tài khác nhau. Cũng chính vì tiếp nhận để cải tạo số “cao bồi” này mà các phong trào về Văn - Thể ở Nông trường Quân đội phát triển vượt bậc, có thể nói tỉnh Nghĩa Lộ lúc đó không có nơi nào có phong trào Văn - Thể - Mỹ phát triển như Nông trường. Những tài năng của Bộ đội chống Pháp kết hợp với tài năng của những người “dị biệt” từ Thủ đô lên đã tạo ra một lớp trẻ có kiến thức đi trước các vùng miền trong khu vực. Kỹ thuật bóng đá “phủi đỉnh cao” ở sân Hàng Đẫy, sân Long Biên được đưa lên Nghĩa Lộ sớm nhất trên cả nước, rồi bóng chuyền, bóng bàn, quyền Anh, Ju-đô… Nhờ vậy, đám trẻ con Nông trường đứa nào cũng giỏi về thể thao, chơi bóng chuyền, bóng bàn, đá bóng như những vận động viên chuyên nghiệp. Ngay cả thằng cu Tuấn Tú kia mới 9 tuổi đã chơi thể thao “siêu hạng”, rồi cũng biết ôm đàn măng - đô - lin hoặc đàn Guitar gảy phình phình và hát: “Giải phóng miền Nam/ chúng ta cùng quyết tiến bước/ Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước...”. Để đến khi đi học nó cũng mấy lần được bầu làm Quản ca bắt nhịp cho cả lớp hát vang: “Vận nước đã đến rồi/ Bình minh chiếu khắp nơi/ Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời...”.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Bên cạnh cái tốt, thì từ khi có các anh chị “du côn” từ Thủ đô lên, đám con trẻ Nông trường đã biến thành quỉ sứ. Theo đó, thằng cu khôi ngô tuấn tú con ông bà “trọ trẹ” thành bá chủ của “quỉ sứ” trên đất rừng. Mà nó nghịch bao nhiêu thì cô gái xinh đẹp quê Thái Bình vất vả bấy nhiêu? Bởi cô phụ trách công tác Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên. Nó không tham gia sinh hoạt thì chính cô lại khổ, lại phải bằng tình cảm của một người mẹ thật sự thì mới thu phục được nó.
Ngày ấy đảng viên vô cùng quan trọng và phấn đấu để được vào Đảng vô cùng gian lao. Cô thôn nữ Thái Bình liên tục hàng chục năm trời là Chiến sĩ thi đua xuất sắc mà không hiểu sao rất chật vật chuyện vào Đảng. Do điều kiện máy bay Mỹ đánh phá, nên Chi bộ và Cấp ủy họp chủ yếu ở nhà riêng của cán bộ. Rất nhiều cuộc họp diễn ra ở nhà ông bà trọ trẹ quê xứ Nghệ. Trước mỗi cuộc họp, thằng cu lại nghe cha nó nói với mẹ nó: “Bà ủng hộ nó, nó là người tốt, người tốt thì hay bị ghen ghét nên cứ nghe tin nó vào Đảng là có đứa cùng quê ngáng trở”. Còn trong cuộc họp, thằng cu nằm trong giường nghe thấy cha nó phát biểu: “Xin hỏi các đồng chí, thế nào là người tốt, thế nào là thành tích đánh Mỹ và xây dựng CNXH, xây dựng đơn vị, thước đo nào để đánh giá phẩm chất này - đó chính là thành tích trong lao động sản xuất của đơn vị chúng ta. Vậy cô ấy đã 10 năm liền là Chiến sĩ thi đua thì tốt hay chưa tốt, xứng đáng là đảng viên hay chưa xứng đáng. Trong khi chính chúng ta ngồi đây, có đồng chí ở đây thành tích không bằng được cô ấy, thậm chí thua rất xa. Nên tôi đề nghị sớm kết nạp Đảng cho cô ấy!”. Sau cuộc họp ấy, dưới sự dìu dắt của "ông trọ trẹ" không bao lâu cô gái Thái Bình trở thành đảng viên.
Từ nỗ lực phấn đấu, lao động quên thân, học tập và làm theo kỷ luật của các “ông bộ đội chống Pháp”, trong khi sức khỏe yếu, thân hình mảnh mai tơ liễu. Năm 1982 cô gái Thái Bình ấy đổ bệnh phải cấp cứu về phẫu thuật tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Năm 1983 cô về nghỉ mất sức (hưu non). Trước đó, năm 1979, cô còn xoa đầu động viên thằng cu nghịch ngợm ngày nào lên đường đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
![](/uploads/editor/files/TKTS/danhhoa1/124235235365364636.jpg)
![](/uploads/editor/files/TKTS/danhhoa1/2535235234636663363.jpg)
Sau khi chiếc xe 7 chỗ rời trụ sở xã Tán Thuật chạy ra Quốc lộ rẽ về hướng đi Tiền Hải, đến khu Chấn Đông thuộc thị trấn Thanh Nê thì dừng lại hỏi thăm rồi rẽ vào một ngõ nhỏ. Người trung niên bước xuống gọi người ở một ngôi nhà sâu trong ngõ để hỏi thăm. Thấy người lạ, các cháu trong căn nhà đó không chịu ra mà cứ đứng nhìn, mặc dù khách đã hỏi rõ tên của người cần tìm. Bất ngờ, ở ngôi nhà bên cạnh, một người đàn bà đi còng rạp bước ra:
- Tôi đây, ai hỏi tìm tôi thế?
Trong căn nhà khá khang trang do con cháu xây dựng. Chủ và khách chuyện trò rôm rả. Nhưng họ chả biết về nhau. Người đàn ông trung niên hỏi chủ nhà:
- Ngày xưa bà đi công tác trên Nông trường Chè Nghĩa Lộ, giờ về đây bà có nhớ gì nữa không? Bà nhớ nhất là ai ở nơi bà đã từng sống?
Im lặng trong giây lát rồi chủ nhà nói:
- Nhớ chứ, làm sao mà quên được, nhớ những người đã giúp đỡ mình như anh chị em ruột… Trong đó tôi nhớ cái thằng cháu nó nghịch ngợm kinh khủng. Nó không thèm sinh hoạt Đội Thiếu niên tôi lại phải dỗ dành nó để nó sinh hoạt. Nó không sinh hoạt Đoàn mình cũng lại dỗ nó. Nó nghịch, nó đánh nhau võ vẽ kinh người. Nhưng khi lớn nó đi làm công an đấy, nó học ở trường công an nó còn về tận đây tìm tôi. Giờ chả biết nó ở đâu. Hôm nọ có cô Nhự Luyện, cô An Chiến về quê tôi hỏi thăm nó thấy cô thì bảo ở Yên Bái, cô thì bảo nó đi đâu rồi ấy… !
Căn nhà bỗng yên lặng, thì người đàn ông trung niên kêu lên:
- Cô ơi! Bà ơi! Thằng cu nghịch ngợm của cô ngày ấy nó đang ngồi trước mặt cô đây này…
Trở lại chuyện chiếc xe 7 chỗ 30F đến trụ sở xã Tán Thuật. Người đàn ông trung niên giới thiệu về mình rồi nhờ cán bộ tại đây tìm hộ một người cao tuổi tên là Sen. Vị cán bộ trực Hội người cao tuổi của xã nói: “Xã có hơn một ngàn hội viên, nếu không biết địa chỉ cụ thể mà chỉ có cái tên thì biết tìm đến bao giờ”. Anh ấy nói: “Anh giúp cho, chỉ cần có 3 người tên Sen và mang họ gì cũng được, tuổi từ 72 đến 75 tuổi là sẽ tìm được”.
Vị cán bộ cũng nhiệt tình, ông giở “Sổ Nam Tào” soi kính lật đi lật lại từng trang rồi đọc mãi, đọc mãi, cuối cùng cũng tìm được 3 người tên Sen. Trong đó có một người tên Nguyễn Thị Sen có khai trong trích ngang là đảng viên. Vị khách trung niên hỉ hả ghi đủ họ tên cả 3 người và xuống xe, nhưng bảo lái xe chạy thẳng đến khu Chấn Đông để tìm bà Nguyễn Thị Sen. Đến gần Chấn Đông hỏi thăm thì họ bảo đó là bà “Sen Rinh”, trước kia có đi công tác trên Tây Bắc!