Vào ngày 12 tháng chạp hàng năm, các cụ cao tuổi sẽ chọn lợn để rước. Lợn được chọn phải đen tuyền từ đầu đến chân. Sau đó, ngày 23 tháng Chạp, lợn sẽ được chuyển vào chuồng đặc biệt làm từ nhiều lớp lá cọ, cửa hướng ra đền. Từ đây, lợn được gọi là “ông cầu”.
Từ ngày 23 tháng Chạp, "ông cầu" chỉ ăn cháo hoa. Trong ngày mùng 5 Tết, lợn chỉ ăn hoa quả, bánh kẹo để giữ sự chay tịnh, sạch sẽ.
Không chỉ "ông cầu", người nuôi và các vị chủ tế, thủ từ cũng phải ăn chay từ ngày 23 tháng Chạp. Ông Lê Kim Tuyến, người nuôi ông cầu cho biết: "Tôi cảm thấy rất vinh dự vì cả đời chỉ được nuôi một lần. Tuy vậy, tôi rất lo lắng vì năm nay có đại dịch lở mồm long móng. May mắn là ông cầu khoẻ mạnh".
15h ngày mùng 5 Tết, "ông cầu" rời khỏi chuồng lá cọ để rước quanh làng. Vừa đi, trai tráng vừa nâng lên cao, hò hét khí thế.
Sau đó, "ông cầu" được rước ra nhà văn hoá của thôn và thả ra để trai làng đuổi bắt.
Ngay khi thả khỏi lồng, "ông cầu" lao ra chạy một mạch. Hàng trăm trai làng dồn theo với mong muốn sờ vào cầu may.
Sau cuộc dồn đuổi vài vòng quanh sân, các thanh niên đã tóm gọn "ông cầu". Dân làng quan niệm ai bắt được con lợn này sẽ gặp may mắn lớn.
"Ông cầu" sau đó được nâng lên cao, hét lớn 3 lần rồi được chuyển lại về lồng để đưa ra đền làm lễ.
Lúc này, hàng chục người tranh thủ sờ vào "ông cầu" hoặc bứt vài sợi lông để lấy may.
Đêm mùng 5 Tết, "ông cầu" sẽ được làm lễ tại đền và giết thịt để chia cho dân làng.