Đền Ông Hoàng Mười. Nguồn ảnh: panoramio.com.
Ngày 01/12/2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong hệ thống điện thần của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, ông Hoàng Mười có một vị trí hết sức đặc biệt. Ngài được xem là một Đức Thánh Minh trong hàng các ông Hoàng, được người dân sùng bái, ngưỡng mộ, thờ cúng ở nhiều nơi trong cả nước, trong đó nổi bật nhất là các ngôi đền dọc sông Lam xứ Nghệ, nơi ông được giao trấn giữ lúc sinh thời và cai quản về tâm linh khi hiển thánh. Trong tâm thức dân gian, Ông Hoàng Mười luôn là biểu tượng của một nhân cách văn võ song toàn, tài hoa, đức độ…
Những giá trị cơ bản của khu di tích Đức Thánh Hoàng Mười
Đền thờ Ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An hay còn gọi là “Mỏ hạc linh từ” là một di tích chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời và lễ hội đền Ông Hoàng Mười ngày càng thu hút đông đảo khách thập phương.
Di tích này được xây dựng từ năm 1634. Đây là một công trình văn hóa tâm linh có quy mô bề thế. Toàn bộ kiến trúc của Đền Ông Hoàng Mười mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Hệ thống gỗ trong di tích được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân. Tại đền còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý, đặc biệt là 21 đạo sắc, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.
"Đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) là một di tích có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân, quanh năm thu hút rất đông du khách thập phương. Di tích này xứng đáng được được đề nghị xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia." - GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia.
Nét đặc sắc nhất của di tích chính là giá trị lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Cũng như các đền, phủ trong hệ thống tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An tôn thờ các nhân vật như: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; Tam tòa thánh Mẫu; Ngũ vị vương quan; Tứ vị chầu bà; Ngũ vị hoàng tử; Thập nhị vương cô; Thập nhị vương cậu; Quan Ngũ hổ; Quan lớn Tuần Tranh… Tín ngưỡng thờ Mẫu ấy đã tạo nên cho di tích một di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống đặc sắc vào ngày 10/10 âm lịch hàng năm - ngày giỗ của Quan Hoàng Mười. Với những nghi lễ tâm linh truyền thống, đậm màu sắc của Tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống mà đặc sắc nhất là nghi thức hầu đồng, lễ hội đã vượt phạm vi một làng, một vùng, thu hút nhiều du khách trong Nam, ngoài Bắc về tham dự.
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với lễ hội
Kể từ khi được xây dựng đến nay, trải qua gần bốn thế kỷ với nhiều thăng trầm, Đền thờ Quan Hoàng Mười vẫn được chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng tại vị trí cũ và hiện đang được quy hoạch mở rộng. Hai kỳ lễ hội tháng 3 và tháng 10 hàng năm vẫn được duy trì đều đặn và có xu hướng phát triển, thu hút sự chú ý quan tâm của nhân dân cũng như khách thập phương. Trong bối cảnh đó, để di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười Nghệ An được bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả, xứng đáng với vị thế của một di sản văn hóa, thiết nghĩ cần có những giải pháp phù hợp với thực trạng di tích và lễ hội hiện nay.
Lễ hội đền Ông Hoàng Mười . Nguồn: Báo Nghệ An.
Để bảo tồn giá trị của di tích trước hết cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, tu bổ và tôn tạo di tích. Trên cơ sở quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện Hưng Nguyên cần tiếp tục đôn đốc và bố trí kinh phí để triển khai quy hoạch, mở rộng quy mô di tích, định vị các hạng mục công trình theo đúng quy hoạch, tạo sự đồng bộ, quy củ cho toàn khuôn viên, đưa di tích trở thành công trình văn hóa tâm linh xứng tầm và đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ để phục vụ khách du lịch trong các dịp lễ tết, nhất là vào mùa lễ hội. Đồng thời thực hiện tốt công tác trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích.
“Cần có những giải pháp để nâng tầm di tích và lễ hội ở đền ông Hoàng Mười ngang với vị thế là một trong những di tích gốc về một vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Muốn vậy, các nhà quản lý và giới chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, xác định chính xác các giá trị lịch sử văn hóa của di tích và lễ hội; để xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích đền Quan Hoàng Mười là di tích cấp quốc gia và đưa lễ hội đền Quan Hoàng Mười vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.” - PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng, Viện VHNTQGVN.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di tích trên nhiều phương diện như: xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các cá nhân, tập thể; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại di tích… Đặc biệt phát huy vai trò cộng đồng là giải pháp quan trọng và bền vững trong việc bảo tồn di tích danh thắng và di sản văn hóa nói chung của địa phương và cả dân tộc, để mỗi người dân vừa là người tham gia bảo vệ vừa là người thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa mang lại.
Một trong những yếu tố then chốt và mô hình đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện thành công chính là xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Vì vậy, trong thời gian tới, để huy động hiệu quả hơn nữa nguồn vốn này, chính quyền địa phương cần đa dạng hóa các nguồn đóng góp tài chính cho hoạt động di sản, có giải pháp tạo lập cơ chế, phương thức hoạt động, huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng vào công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Vấn đề cần giải quyết ở đây là làm sao tạo nên một cơ chế linh hoạt, sử dụng các phương thức, mô hình phong phú để có thể huy động được sự đóng góp nhiệt tình, chủ động và bình đẳng của tổ chức, cá nhân trong đó có những người đang hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Cùng với việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể, hiện nay Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cũng đang xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội đền ông Hoàng Mười vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn giá trị của lễ hội cần có kế hoạch lựa chọn, đào tạo một cách bài bản cho thế hệ trẻ thực hành các nghi lễ, kế thừa các nghệ nhân cao niên. Mặt khác nâng cao vai trò quản lý nhà nước và nhận thức của nhân dân, du khách về nội dung, giá trị của lễ hội để họ hiểu và chung tay bảo tồn di sản.
Có thể nói rằng, những giá trị văn hóa đặc sắc gắn với di tích, đền Ông Hoàng Mười chính là thành tố quan trọng để di tích này thực sự trở thành điểm đến có ý nghĩa trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân xứ Nghệ. Nếu bảo tồn và phát huy tốt những giá trị quý báu đó sẽ không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà cũng chính là chung tay góp sức vào công cuộc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc trong bối cảnh hiện tại.
Ngày 10/6, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã diễn ra Hội thảo “Giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Đền Ông Hoàng Mười”. Với sự đóng góp của 30 tham luận đã đem đến góc nhìn đa chiều, từ việc nhận diện đầy đủ hơn về nhân vật thờ tự, vai trò của vị Thánh trong đời sống văn hóa cộng đồng đến việc khảo sát, nghiên cứu những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm tiến tới bảo tồn, khai thác, quảng bá giá trị đặc sắc của di sản, phát huy tiềm năng các di tích văn hóa tại Nghệ An nói chung và đền Ông Hoàng Mười nói riêng.
Sau hội thảo, UBND huyện Hưng Nguyên cũng sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp kết nối di tích Đền Ông Hoàng Mười với những tài nguyên du lịch khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và quần thể di tích gần đó là Phượng Hoàng - Trung Đô (nơi vua Quang Trung chọn đóng đô trên đường kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh) với khu khu du lịch nghỉ dưỡng Cửa Lò, Cửa Hội… Đặc biệt, UBND huyện Hưng Nguyên cũng đề xuất UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL Đề án công nhận Di tích Đền Ông Hoàng Mười là Di tích quốc gia.