Các cụ cao niên trong làng Phật Tích kể rằng: lính Pháp từng dùng tác phẩm nghệ thuật vĩ đại này làm bia. Chúng đứng từ phía sông Đuống mà bắn vào, làm rụng đầu và vỡ ngực tượng. Sau đó, một cụ già trong làng đã đem đầu tượng về cất giấu. Khi hòa bình lập lại, cụ đem nộp cho chính quyền địa phương để gắn vào tượng.
Hiện nay, bức tượng này vẫn được thờ tại Thượng điện chùa Phật Tích. Bên cạnh đó còn có hai phiên bản đúc lại vào thập niên 1950 và 1960 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng được công nhận là Bảo vật Quốc gia tháng 10 năm 2012.
Không chỉ là một hiện vật tôn giáo mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, tượng Phật A Di Đà thời Lý được coi là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo – một chuẩn mực về điêu khắc tượng tại Việt Nam xưa và nay.
Tác phẩm chia thành 2 phần rõ rệt: Phật A Di Đà và bệ đá tòa sen: Phần Tượng được thể hiện ngồi xếp bằng, hai bàn tay ngửa chồng nhau để trước bụng tì nhẹ trên đùi, nếp áo khoác bó sát người có những đường cong thướt tha buông rủ xuống phủ kín hai chân. Mình tượng thanh mảnh, ngồi hơi dướn về phía trước, trông rất uyển chuyển, nhưng lại vững vàng. Khuôn mặt A Di Đà dịu hiền, phúc hậu có cái đẹp lý tưởng của nữ giới: khuôn trăng đầy đặn, hàng lông mi mảnh nhỏ cong thanh tú, được diễn tả bằng một nét liền mềm mại. Đôi mắt phượng lim dim, cổ thanh, cao ba ngấn. Phật A Di Đà ngồi trên bệ đá tòa sen, nên cái đẹp vốn có của pho tượng lại được nhân lên bởi phần bệ đá được trang trí hoàn mỹ. Bệ sen là một đóa hoa nở rộ với hai tầng cánh. Tầng trên chạm đôi rồng theo lối đục nông, mỏng, trái lại bệ bát giác được trang trí phủ kín bề mặt, với phong cách chạm nổi. Mặt bên của cả hai tầng đều có nhiều hình rồng giỡn đuôi nhau, trên một dây mây lửa.
Nói về giá trị nghệ thuật của bức tượng, nhà nghiên cứu Thái Bá Vân cho rằng: Tượng A Di Đà có tư cách đại diện cho một nền nghệ thuật lớn, nền nghệ thuật Phật giáo thời Lý. Bức tượng đã đạt tới độ chín của một phong cách. Độ chín, sự cổ điển của Bảo vật quốc gia này được thể hiện qua đường viền trong trẻo, khớp kín, như không biết chỗ bắt đầu và chỗ kết thúc. Đường viền ấy gợi được khái niệm luân hồi trong biểu tượng và tạo được cái bóng hình trọn vẹn, yên ổn nơi cảm giác. “Đứng ở điểm nào cũng có thể ôm choán được khối hình toàn thể. Đó là chỉ tiêu của mọi nền điêu khắc cổ điển trên thế giới”.
Theo hồ sơ về Bảo vật Quốc gia hiện được lưu giữ tại Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL thì: Tượng Phật A Di Đà được tạc từ đá xanh nguyên khối. Có kích thước: cao: 2,1m; rộng: 2,87 cm , bệ tượng cao: 0,80m, chu vi bệ: 5,92m. Niên đại: Thế kỷ XI. Giá trị tiêu biểu: Tượng Phật A - Di - Đà là pho tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam được biết đến nay. Tiếu tượng và hoa văn trang trí trên bệ tượng phản ánh nghệ thuật bản địa và chứng minh sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt nói chung. Với đường nét tinh xảo và mềm mại, tỉ mỉ và sống động bức tượng này là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, là thông điệp của thời Lý để lại cho muôn đời sau.
Với những giá trị đầy đủ về mặt tôn giáo, lịch sử và mỹ thuật như vậy, pho tượng Phật A Di Đà trở thành một trong những Bảo vật đáng tự hào của người dân Việt Nam. Bảo vật này cũng được sử dụng để làm mẫu trong việc dựng Đạt Phật tượng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, năm 2010.
Theo Cinet