Với những giá trị văn hóa và nghệ thuật rất đặc biệt, Mukhalinga tại Mỹ Sơn là một trong những Mukhalinga đẹp và độc đáo nhất, không chỉ của Chămpa mà còn của cả khu vực Đông Nam Á thời cổ.
Vào ngày 15 - 11 - 2012, sau một trận mưa lớn, tại Khu Di tích và Du lịch Mỹ Sơn đã phát lộ một Mukhalinga bằng đá cát màu xám, cao 126,5 cm và gần như còn nguyên vẹn. Mukhalinga được thể hiện như một Linga gồm ba đoạn có chiều cao bằng nhau (mỗi đoạn cao 42 cm) và có chiều rộng cũng bằng nhau (41,5 cm): đoạn dưới có đế vuông (Brahmabhaga), mỗi cạnh dài 41,5 cm; đoạn giữa có đế hình bát giác (Visnubhaga) với các mặt đối xứng rộng 18 cm và 16,5 cm; đoạn trên hình trụ hơi vồng lên ở chóp (Rudrabhaga) có đường kính 41,5 cm (bằng chiều dài chiều rộng của mỗi phần). Điều đặc biệt khiến hiện vật này được gọi là Mukhalinga chứ không phải là Linga là trên phần trụ tròn, tại vị trí bên trên lớp da mỏng của đầu sinh thực khí (dương vật), nhô ra chiếc cổ và đầu tượng thần Siva. Chiếc đầu tượng được tạc liền khối với Linga có chiều cao 23 cm, chiều rộng 13,5 cm và có búi tóc cao 5,5 cm.
(Theo Báo Đắk Lắk)