Bảo tồn văn hóa truyền thống ở phố cổ vẫn chưa có lời giải

10/11/2016 07:46

Theo dõi trên

Với đặc thù có cư dân sinh sống trong lòng di sản, giải pháp nào để bảo tồn, phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị văn hóa truyền thống của Khu phố cổ vẫn còn nhiều thách thức.

Phố cổ Hà Nội – dấu tích sống động của khu thị dân thành Thăng Long xưa, một nét đặc trưng tiêu biểu của Hà Nội cổ kính ngàn năm văn hiến, đây cũng là quần thể kiến trúc độc đáo với những mái ngói rêu phong và những phố, phường gắn với nghề thủ công truyền thống, cùng sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc. Năm 2004, Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Tuy nhiên, với đặc thù có cư dân sinh sống trong lòng di sản, giải pháp nào để bảo tồn, phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị văn hóa truyền thống của Khu phố cổ vẫn còn nhiều thách thức.

Ngày 9/11, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã lại đặt ra vấn đề này với tọa đàm “Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống khu phố cổ: khó khăn và giải pháp”.

Thách thức giữ gìn giá trị văn hóa

Theo TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội DSVH Thăng Long – Hà Nội: Khu phố cổ Hà Nội hiện còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú của Thăng Long. Đó là 121 di tích lịch sử - văn hóa gồm 51 đình (trong đó có nhiều đình thờ tổ nghề), 25 đền miếu (có các đền thờ danh nhân, đền thờ Mẫu…)…



 
Hàng quán, khách du lịch... đang là những thách thức trong bảo tồn văn hóa truyền thống Khu phố cổ

“Khu “36 phố phường” nổi tiếng là đất “ngàn năm văn vật” với nhiều hoạt động sôi nổi cả ngày lẫn đêm từ thời xưa và hôm nay. Nhìn nhận khu 36 phố phường không nên chỉ văn hóa vật thể (công trình kiến trúc), mà còn là khía cạnh văn hóa phi vật thể - hồn của phố cổ Hà Nội. Đó là làng nghề - phố nghề, sinh hoạt tín ngưỡng – lễ hội, ẩm thực, phong cách sống… Ngày nay, với quá trình đô thị hóa nhanh, kinh tế thị trường sôi động… tuy có tác động lớn đến đời sống xã hội ở phố cổ, song di sản truyền thống ở vùng đất đặc biệt này vẫn được gìn giữ và phát huy, trở thành nét đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng”- Ông Trị nhận định.

Tuy nhiên, với giá trị văn hóa đặc biệt như vậy, như Khu phố cổ Hà Nội hiện nay lại là nơi có mật độ dân cư cao nhất Thành phố, mật độ dân số tĩnh là 800 – 1200 người/ha, diện tích sử dụng đất trên đầu người trung bình là 0,4 – 0,6m²/người, có phường chỉ đạt 0,2m²/người, đó là chưa tính đến mật độ cư trú của một lượng dân cư lao động, buôn bán, hàng rong, khách du lịch…

“Dưới tác động của cơ chế thị trường, giá trị đất ở trong khu phố cổ tăng cao, cơ hội kiếm lợi từ đất đai đã khiến nhiều gia đình không muốn rời bỏ mảnh đất này, đồng thời cũng nhiều gia đình từ nơi khác mong muốn có nhà ở khu vực này để thuận lợi trong việc kinh doanh, buôn bán. Bên cạnh đó, một số lượng lớn lao động từ các nơi khác cũng đổ về để kiếm sống, thậm chí chỉ đơn giản bằng các nghề phục vụ, lao động phổ thông… Trên lĩnh vực ngành nghề truyền thống, phong tục, tập quán cũng có nhiều thay đổi. Trước tiên là sự biến mất của các nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm, mặt hàng thủ công hầu như không còn mà thay vào đó là các cửa hàng nhỏ, bày bán đồ mỹ nghệ cùng với hàng tạp phẩm, hàng ngoại nhập… Các tên phố không còn có ý nghĩa gắn với các mặt hàng sản xuất hay buôn bán tại phố đó nữa. Phong tục tập quán dưới tác động của cơ chế thị trường cũng có nhiều thay đổi, lối sống truyền thống cũng bị mai một, thay vào đó là phong cách sống mới theo nhịp độ nền kinh tế thị trường”- Ths. Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội nhận định.

Cần sự vào cuộc của người dân

Theo TS Lưu Minh Trị, bảo tồn văn hóa truyền thống của Khu phố cổ cần tập trung vào 4 giá trị, đó là: Nghề thủ công – phố nghề, nhà di sản tổ nghề; Sinh hoạt tín ngưỡng – lễ hội truyền thống; Giá trị ẩm thực và cuối cùng là Nếp sống thanh lịch, văn minh.

TS Lưu Minh Trị cũng khẳng định: “Bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khu phố cổ Hà Nội là một công việc rất khó khăn, phức tạp và lâu dài. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp lãnh đạo chính quyền mà còn là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân đang sinh sống trong khu phố cổ”.

Đồng quan điểm, bà Thúy Lan cho rằng, trong xã hội hiện đại, Khu phố cổ Hà Nội sẽ còn biến đổi và đời sống xã hội – dân cư cũng chuyển biến theo. Song, trong sự tấp nập sôi động đó, nơi đây vẫn bảo tồn được những dấu tích truyền thống của “36 phố phường” xưa, với nét lung linh của các nhà di sản, các di tích lịch sử văn hóa, những phố “Hàng” và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, những món ăn ngon lạ, nếp sống thanh lịch - hiện đại… Ở chính nơi này – không gian Khu phố cổ là nơi sinh hoạt cộng đồng, với các phố đi bộ để người dân tham quan thưởng ngoạn hồ Gươm, các phố nghề, các trò chơi dân gian và đến thắp nén nhang hay dự lễ hội ở các đền, đình, chùa…

TS. KTS .Tô Thị Toàn, Nguyên Phó ban thường trực Ban Quản lý Khu phố cổ Hà Nội thì cho rằng, Nhà nước, thành phố, quận Hoàn Kiếm cần có chính sách cụ thể, thiết thực đối với nhân dân Khu phố cổ, tạo điều kiện để người dân tự nguyện tham gia công tác bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống Khu phố cổ Hà Nội, nhiệt tình, trách nhiệm, nhiều sáng kiến. “Trong quản lý, cần phân cấp quản lý tối đa cho chính quyền Phường để tự quản. Tuyên truyền, thuyết phục người dân Khu Phố cổ Hà Nội nhận thức giá trị văn hóa truyền thống Khu phố cổ Hà Nội là di sản quý báu của chính họ, cần phải gìn giữ bảo tồn, phát huy. Thông báo tới người dân Khu phố cổ các dự án sẽ thực hiện để người dân biết, tham góp ý kiến… trước khi thực hiện và sự hưởng lợi của người dân trong dự án. Vận động phát huy nguồn lực cộng đồng “ sức người sức của” của nhân dân Khu phố cổ…”./.

(Theo Báo Tổ Quốc)

Dạ Minh
Bạn đang đọc bài viết " Bảo tồn văn hóa truyền thống ở phố cổ vẫn chưa có lời giải" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.