Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện Quảng Xương

15/03/2017 14:38

Theo dõi trên

Chùa Mậu Xương (hay Tuyết Sơn Phong tự) nằm trên địa bàn xã Quảng Lưu (Quảng Xương) là ngôi chùa cổ được hình thành từ thời Trần.



 Chùa Mậu Xương (xã Quảng Lưu) được đầu tư tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Theo các câu chuyện dân gian còn lưu truyền, thì chùa Mậu Xương gắn với sự giáng sinh của Phật Tổ và Liệt Thánh nội đạo. Chùa đứng chân trên mảnh đất “tam long đáo hải, tứ phượng trình tượng” và nổi tiếng bởi sự linh thiêng, kiến trúc đẹp, khuôn viên rộng rãi. Do vậy, từ xưa, chùa Mậu Xương đã là điểm thực hành tâm linh tín ngưỡng của đông đảo người dân trong vùng và khách thập phương. Song, với lịch sử hình thành trên 500 năm và trải nhiều lần tàn phá của chiến tranh, thiên tai, chùa hầu như chỉ còn lại nền móng. Suốt 20 năm (1991-2010), qua nhiều nguồn công đức và nhân dân quyên góp, với số tiền lên đến gần 10 tỷ đồng, chùa Mậu Xương đã được trùng tu, tôn tạo lại và có được diện mạo khang trang, hoàn chỉnh như hiện nay. Đồng thời, năm 1998 chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và là một trong những di tích thu hút được lượng lớn khách hành hương về thực hành tín ngưỡng Phật giáo trên địa bàn huyện Quảng Xương.

Cách trung tâm huyện không xa, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia mộ và đền thờ Thái tế Bùi Sỹ Lâm (xã Quảng Tân) là một trong những di tích trọng điểm của huyện Quảng Xương. Di tích là nơi thờ bậc công thần nhà Lê, người có công lớn trong quá trình khôi phục triều đại dưới thời Lê Trung Hưng. Nói về công trạng của ông, văn bia cổ trong đền còn ghi: “Trong cỗ xe chinh chiến của Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng, ngài đã làm cho thế nghiêng thành thuận, nguy hiểm trở lại bình an. Thật là một vị thần chân chính, một cây cổ thụ không bão táp nào có thể vùi dập nổi”. Bởi nhiều giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa, Di tích mộ và đền thờ Thái tế Bùi Sỹ Lâm đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo từ kinh phí Nhà nước và các nguồn huy động xã hội hóa. Tuy nhiên, hiện di tích đang cần khoảng 2 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện các công trình bên trong khuôn viên.

Chùa Mậu Xương và quần thể Di tích mộ và đền thờ Thái tế Bùi Sỹ Lâm, là 2/81 di tích lịch sử - văn hóa của huyện Quảng Xương đã và đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Trong giai đoạn 2011 – 2016, địa phương đã tiến hành quy hoạch đối với 18 di tích, phục hồi được 6 di tích và trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp đối với 12 di tích, với tổng kinh phí thực hiện gần 27 tỷ đồng. Đặc biệt, với 25/27 tỷ đồng kinh phí được huy động xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác, có thể nói, Quảng Xương hiện là một “điểm sáng” xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Mặc dù vậy, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, việc xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện thường tập trung ở những di tích liên quan đến thực hành tín ngưỡng, tôn giáo (đền, chùa); ngược lại, các di tích lịch sử cách mạng rất khó huy động.

Toàn huyện hiện có 37 di tích đã được xếp hạng các cấp, tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho địa phương lúc này là việc đánh giá toàn diện hiện trạng các di tích để có các giải pháp hiệu quả cho việc bảo vệ, bảo tồn. Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo địa phương với đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh hồi cuối năm 2016, cho thấy một thực trạng, nếu không có các biện pháp quản lý chặt chẽ, thì việc xâm hại di tích trên địa bàn rất dễ phát sinh, ví như đất đai bị lấn chiếm, mất cắp cổ vật, tiếp nhận đồ thờ và linh vật lạ, vệ sinh môi trường... Cùng với đó là việc quản lý tài chính, nhất là với các nguồn kinh phí xã hội hóa, cần được quan tâm nhằm tránh sự lãng phí hoặc đầu tư không đúng quy định của Luật Di sản, Luật Xây dựng. 


Khôi Nguyên

Nguồn: Báo Thanh Hóa
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện Quảng Xương" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.