Công tác trùng tu di tích cũng được quan tâm hơn trước. Năm 2016, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để trùng tu tôn tạo địa điểm lưu niệm tàu không số tại xã Ninh Vân, Ninh Hòa. Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã khảo sát, thống kê, lập danh mục các di tích và đề xuất kế hoạch tu bổ các di tích giai đoạn 2016 - 2020 (58 di tích). Ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết, chính quyền các địa phương và người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn và phát huy các DSVH. Nhiều địa phương đã chủ động vận động người dân đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn, khôi phục các lễ hội truyền thống. Những năm qua, từ nguồn vốn của tỉnh, các địa phương cùng sự đóng góp của người dân đã góp công sức, tiền của tu bổ hàng trăm di tích. Riêng TP. Nha Trang đã có nghị quyết về việc thực hiện tu bổ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó kinh phí thành phố hỗ trợ 80%, xã hội hóa 20%. “Những năm trước, ở các địa phương có tình trạng “làm mới” di tích khi trùng tu tôn tạo, tuy nhiên nhờ được tuyên truyền nên thời gian gần đây, các địa phương, người dân đã có ý thức cao hơn trong việc bảo tồn di sản văn hóa, khi trùng tu tôn tạo đều xin phép, tham khảo ý kiến của trung tâm”, ông Thích nói.
Việc tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH cũng được đẩy mạnh. Hàng năm, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức hội thi tìm hiểu DSVH dành cho học sinh THCS, THPT và cán bộ, công chức. Ngành Giáo dục cũng phát huy giá trị DSVH trong việc giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương. Nhiều trường đã tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa... để nâng cao hiểu biết và ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho học sinh.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng hơn trước. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị DSVH để phục vụ du lịch vẫn còn có những hạn chế. Ngoài các di tích, danh thắng như: Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, chùa Long Sơn, nhà thờ Núi, lầu Bảo Đại... thu hút số lượng lớn khách du lịch, các di tích còn lại như: Thành cổ Diên Khánh, Văn miếu Diên Khánh, lăng Bà Vú (Ninh Hòa), đền thờ Trần Quý Cáp... tuy có ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa, giáo dục nhưng chưa được khai thác nhiều về du lịch. Để phát huy hơn nữa giá trị của DSVH, thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, nhất là trong việc phục vụ du lịch.
(Theo Báo Khánh Hòa)