Bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Đền Nhà Bà

07/07/2015 15:34

Theo dõi trên

Ngôi đền nhỏ toạ lạc ven bờ phía Bắc hồ Cổ Lễ, thuộc thôn Tràng Bạch, xã Hoàng Quế (TX Đông Triều) có tên gọi đền Nhà Bà. Nơi đây tưởng niệm bà Vũ Thị Phương, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Phụng Thiên xưa (nay thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Theo lưu truyền, bà Vũ Thị Phương ở thế kỷ XVII đã có tấm lòng đức độ bao dung, cảm thông với những nỗi khổ của nhân dân và đã giúp đỡ, cứu trợ mọi người dân ở vùng đất này. Ngôi đền được nhân dân xây dựng để thờ phụng và ghi ơn công đức của bà tại nơi này.

 
Đền Nhà Bà

Theo sử sách còn ghi lại, thời Hậu Lê, Yên Tử là trung tâm phật giáo và danh thắng nổi tiếng cả nước. Hàng năm, vua quan trong triều đều về đây lễ bái. Trong dòng người thành kính đi lễ, luôn có bà Vũ Thị Phương. Khoảng năm 1608, bà cùng chồng là Đoàn Chính Trực về Yên Tử lễ chùa cầu tự. Mặc dù là vợ một vị quan, nhưng bà có tấm lòng đức độ bao dung, cảm thông với nỗi cực khổ của nhân dân. Khi đi qua các xã Nội Hoàng, Trung Lương, Nam Mẫu (nay là các xã Hoàng Quế, Tràng Lương, TX Đông Triều; Thượng Yên Công, TP Uông Bí), thấy dân ở đây bị mất mùa đói kém, đời sống cực khổ, bà đã bỏ ra 4 dật hoàng kim (mỗi dật 12 lạng) để cứu trợ cho dân nghèo 3 xã trên.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục: “Năm ấy (1608) dân trong nước bị đói to. Người dân các huyện Đông Triều, Giáp Sơn thuộc Hải Dương đã trải qua một nạn đói khủng khiếp, người chết đói nằm gối lên nhau...”. Được ơn sâu nghĩa cả của bà Vũ Thị Phương, nhân dân trong 3 xã dần qua cảnh mất mùa đói kém, chết chóc. Khi bà mất, nhân dân Nội Hoàng đã đóng góp công của, chặt tre đan vách dựng ngôi đền trong xã, tôn tên thuỵ của bà là Ngân Tử, lấy ngày bà mất để hàng năm hương hoả giỗ chạp. Sau này tôn bà là nhân thần và rước bài vị của bà và chồng bà về chùa Hoa Yên trên Yên Tử để thờ phụng, cho khắc bia đá lưu truyền mãi mãi. Bia được dựng vào năm Quý Mão (1723). Ở 2 xã Tràng Lương (Đông Triều) và Thượng Yên Công (Uông Bí) hiện cũng có đền thờ công đức bà Vũ Thị Phương.

Qua các hiện vật để lại tại đền Nhà Bà, các nhà nghiên cứu đã xác định ngôi đền được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Ban đầu chỉ là tranh tre vách đất, sau xây bằng gạch ngói khang trang hơn. Đền đã qua nhiều lần trùng tu. Thời thuộc Pháp, quân Pháp đã phá toàn bộ đền để lập “vành đai trắng”. Đến năm 1993, nhân dân xã Hoàng Quế phục dựng lại ngôi đền ngay trên nền cũ. Năm 2003, sau khi được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, nhân dân đã xây dựng lại ngôi đền 5 gian, phía trong có hậu cung thờ bà Vũ Thị Phương cùng toàn bộ khuôn viên đền.

Hiện hệ thống tượng pháp và đồ thờ cổ ở đền Nhà Bà đã bị hỏng hoặc thất lạc hết, chỉ còn lại một bát hương đá làm vào năm 1625. Bát hương được đục liền với đế 3 chân, chạm khắc hoa văn hình mặt trời và mây xoắn xung quanh, trên có ghi “Vĩnh Tộ Ất Sửu niên mạnh hạ cát đán” (tức ngày lành tháng tư, năm Ất Sửu, triều vua Lê Thần Tông, 1625). Người dân nơi đây kể, năm 1993, trong quá trình tu sửa đền đã đào được 2 hũ tiền cổ, song ngày ấy không xác định niên đại; nạo vét hồ Cổ Lễ trước đền, phát hiện một số cọc gỗ lim cổ…

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Quế cho biết: Nhân dân đã đầu tư tôn tạo đền Nhà Bà là để bảo tồn nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt ở vùng quê. Để địa phương tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ…

Hội đền Nhà Bà hàng năm được nhân dân địa phương tổ chức trong 3 ngày, từ 3-6 (âm lịch), trùng với ngày giỗ của bà Vũ Thị Phương. Ngày mồng 10 tháng giêng, đền mở hội xuân giống như chùa Yên Tử.

Theo Nguyễn Xuân (CTV)/Báo Quảng Ninh

Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Đền Nhà Bà" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.