Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Thanh Hóa

20/06/2017 11:15

Theo dõi trên

Dân ca là những tác phẩm thanh nhạc có lời, là một trong những hợp phần của âm nhạc dân gian, được quần chúng góp phần sáng tạo và biểu diễn phục vụ nhu cầu của họ trong cuộc sống cũng như sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Những sáng tạo của họ chủ yếu bằng cảm xúc và kinh nghiệm, được lưu truyền từ đời này sang đời khác chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng.

Giá trị đạo đức, thẩm mỹ. Dân ca Thanh Hóa luôn hướng về cội nguồn dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tri ân công đức đối với những người đã có công bảo vệ, dựng xây đất nước nói chung, quê hương Thanh Hoá nói riêng: Nhất cao là núi Lam Sơn/ Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra.

Trong tư tưởng, tình cảm người  tỉnh Thanh luôn gửi gắm niềm tin, ước vọng của mình đối với các vị anh hùng dân tộc, các vị thần linh đã có công bảo vệ, dựng xây quê hương, xứ sở. Trong tâm trí của cư dân xứ Thanh những anh hùng có tên và không tên, các vị thần linh luôn hiện hữu trong lời ca ghi tạc công ơn, trong khúc hát thờ thần, đồng hành cùng với họ trong cuộc mưu sinh, cùng chung vui với niềm vui bình dị của dân và san sẻ những lo toan, vất vả, là chỗ dựa tinh thần, nhân lên sức mạnh và lòng quả cảm cho người dân giúp họ trụ vững trên đường đời nhiều gian lao, vất vả.

Từ trong ca dao đã toát lên ý nghĩa nhân văn sâu sắc, để con người tỉnh Thanh từ miền ngược đến miền xuôi mở rộng vòng tay nhân ái trong nghĩa đồng bào, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “Nói nhau đừng nói nặng/ Mắng nhau đừng mắng đau/ Đời còn có lúc thương nhau trở lại”... Dân ca Thanh Hóa đã kết tinh thành những giá trị đạo đức, nhân văn cao cả, biểu hiện trong cách sống, thế ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thế giới tự nhiên và xã hội. Giá trị thẩm mỹ, đạo đức đó như dòng sông ăm ắp mỡ màu bồi đắp “phù sa” không bao giờ ngưng nghỉ cho dân ca bay xa, vang vọng, lắng vào lòng người, chung sức xây đời tốt đẹp, giàu nghĩa nhân văn.

Giá trị văn hóa nghệ thuật. Thông qua dân ca được sáng tạo, thể hiện trong cuộc sống, sinh hoạt và các nghi thức biểu đạt  mang tính nghệ thuật như: lễ hội, diễn xướng, trò chơi,... những hình thức tế lễ, hát thờ thần, hát ca trong hội hè... là môi trường thuận lợi để nảy sinh, sáng tạo và trao truyền những giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc ở mỗi nghệ nhân, mỗi làng quê tới mọi vùng miền và đến với từng người, giúp họ cảm nhận được những cái hay, cái đẹp và giá trị của dân ca.

Hát thờ thần, hát giáo chân sào, hát kết hợp với múa đèn,... là hình thức hát nghi lễ thường gặp trong mỗi dịp tế lễ thần linh. Hát nghi lễ là hình thức người dân các làng quê dùng nghệ thuật lời ca, tiếng đàn, nhịp phách để bày tỏ tình cảm, sự biết ơn, lòng tôn kính trong một không gian thiêng của cả cộng đồng đối với thánh thần bảo trợ cho họ trong cuộc sống. Trong lễ hội còn có hát tuồng, hò biển và hò sông nước, hát đối đáp nam nữ; các trò chơi tài khéo: đua thuyền, lắc thúng, đấu vật, đu tiên, đi cà kheo, câu mực, đánh tủm, đan lưới, chắp quại,... diễn ra sôi động, đó là một “sân khấu” có quy mô lớn, không gian rộng mở, mọi người đều tham gia sáng tạo, biểu diễn và hưởng thụ văn hóa bình đẳng, cùng nhân lên niềm vui cộng cảm.

Các thể loại dân ca thể hiện trong cuộc sống lao động, sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội ở các làng quê từ miền xuôi đến miền ngược đã khơi nguồn và định hình những giá trị nghệ thuật, điều đó vừa có chức năng đáp ứng nhu cầu  đời sống tinh thần, vừa có chức năng giải trí, giáo dục và thẩm mỹ góp phần xây dựng con người ngày càng hoàn thiện về thể chất và tâm hồn.

 


Múa đèn dân ca Đông Anh.

Giá trị ứng xử với tự nhiên. Dân ca là một trong những thành tố văn hóa, thuộc hình thái ý thức xã hội, nó chính là sự phản ánh sự nhận thức, thể hiện thế ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội, qua đó dần hình thành nên những giá trị giúp con người giao tiếp, ứng xử với thế giới xung quanh theo hướng có lợi và nhân văn.

Cư dân các làng bản tự bao đời dấn thân trong môi trường núi, sông nước, họ coi “biển khơi là mẹ, cánh buồm là cha”, “sống rừng nuôi, chết rừng chôn”... Họ nhận thức được nguồn lợi lớn lao về nguồn lâm thủy sản do núi rừng, ruộng đồng, sông biển mang lại cho cuộc sống của mỗi con người. Qua trải nghiệm họ dần tích lũy được những kinh nghiệm quý giá trong cuộc mưu sinh và hành trình đầy thử thách cam go trong môi trường sống. Họ quan sát: “Trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” để rồi tìm ra quy luật của tự nhiên, biển trời, sông nước gắng công “Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng” để rồi  mong ước công lao sẽ được đền đáp trong mùa gặt ấm no, hạnh phúc tràn đầy: Bao giờ lúa chín bông vàng/ Để anh đi gặt cho nàng mang cơm.

Về di sản văn hoá lâu nay ở Thanh Hóa chỉ mới tập trung đánh giá xếp hạng di sản văn hoá vật thể (di tích) mà còn quá ít công trình nghiên cứu, đánh giá, phân loại di sản văn hoá phi vật thể  nói chung, dân ca nói riêng theo Luật di sản văn hoá. Trong thời gian tới cần nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị một số loại hình dân ca đặc sắc như: hệ thống và tổ hợp hát múa dân ca Đông Anh, Hò sông Mã, Hát mo sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, Hát múa Xuân Phả, hát Chèo thờ làng Mưng, hát ca trù: Ngọc Trung, Bái Thượng (Thọ Xuân), Hòe Nhai (Vĩnh Lộc), Nổ Giáp (Tĩnh Gia)... Từng bước chọn một số thể loại dân ca đặc sắc, xây dựng hồ sơ khoa học và đệ trình Hội đồng di sản văn hoá Quốc gia và UNESCO tôn vinh và công nhận là di sản văn hoá phi vật thể truyền khẩu của nhân loại như: Không gian và diễn xướng của Hò sông Mã, không gian và nghệ thuật diễn xướng mo sử thi “Đẻ đất đẻ nước” và hát mo của Mường Trong (Thanh Hóa), hát và múa “trò Xuân Phả”.

Dân ca trên đất tỉnh Thanh trải qua thời gian đã được kết tinh thành giá trị, lắng đọng trong tâm hồn, tình cảm của mỗi con người nơi đây, phản ánh thế ứng xử và mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên, góp phần xây dựng phẩm chất tâm hồn, bản lĩnh, trí tuệ của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ CNH-HĐH quê hương.

Dân ca Thanh Hóa là một mảng màu tươi đậm, nhiều sắc thái trong bức tranh dân ca đa sắc màu của dân tộc Việt Nam. Dân ca Thanh Hóa đã và đang phát huy tốt vai trò và giá trị của nó trong cuộc sống. Trong xu thế hội nhập và mở rộng quan hệ đối ngoại với quốc tế và các nước trong khu vực, những giá trị đặc sắc của dân ca xứ Thanh góp phần làm nên sắc thái văn hoá tỉnh Thanh nói riêng và bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung. Gắn bảo tồn, phát huy dân ca xứ Thanh với việc quảng bá, phát triển du lịch, gắn văn hoá nói chung, dân ca Thanh Hóa nói riêng trong phát triển kinh tế du lịch.

 
Hoàng Minh Tường

Nguồn: vanhoadoisong.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Thanh Hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.