Bảo tồn và phát huy Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh

17/08/2023 08:33

Theo dõi trên

Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh thuộc loại hình di tích khảo cổ bao gồm 6 điểm di tích tiếp nối phân bố trong không gian rộng lớn tại Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) và chứa đựng tinh hoa văn hóa cư dân Sa Huỳnh cổ. Hành trình đưa văn hóa Sa Huỳnh đến gần hơn di sản thế giới là vô cùng cần thiết để khẳng định rõ hơn về những giá trị độc đáo của di tích này.

22-lang-go-co-quang-ngai-nguyen-trang-1692169521.jpg
Làng Gò Cỏ trong không gian Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: HTX Gò Cỏ

Giữ gìn nét hoang sơ nguyên vẹn Văn hóa Sa Huỳnh

Di tích Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 29/12/2022, thuộc loại hình di tích khảo cổ học, có 6 địa điểm di tích tiếp nối nhau phân bố liên tục trong không gian đầm, biển, cồn cát Sa Huỳnh, thuộc phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, chia sẻ: “Thủ tướng Chính phủ xếp hạng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt là điều vinh dự lớn cho ngành văn hóa khảo cổ cũng niềm vui Đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Có thể thấy, phía Bắc nổi bật Văn hóa Đông Sơn, phía Nam có Văn hóa Đồng Nai, hiện nay cảnh quan di tích Văn hóa Đông Sơn và Văn hóa Đồng Nai không còn nguyên vẹn, trong thời đại kim khí chỉ có Văn hóa Sa Huỳnh còn giữ vẻ hoang sơ, tự nhiên vốn có của nó”.

Phân bố của Văn hóa Sa Huỳnh là ở miền Trung Việt Nam, phía Bắc giao thoa với Văn hóa Đông Sơn ở Quảng Bình, phía Nam giao thoa với Văn hóa Đồng Nai ở Bình Thuận, phía Tây là rìa Tây Nguyên, vùng thung lũng Đông Trường Sơn, phía Đông vươn ra đảo gần bờ. Trong không gian rộng lớn đó Quảng Ngãi là trung tâm con đường di sản Văn hóa Sa huỳnh, trở thành điểm kết nối các tỉnh miền Trung Việt Nam.

TS. Đoàn Ngọc Khôi cho biết: “Tính đặc biệt của cảnh quan di tích Văn hóa Sa Huỳnh có thể xem là một duyên hy hữu khi vẫn giữ nguyên vẹn. Có lần tôi so sánh ảnh chụp của người Pháp, ông H.Parmentier trong chỉnh lý và công bố tài liệu bà La Barre khai quật năm 1923 tại di tích Phú Khương, Thạnh Đức thì cảnh quan họ chụp trong ảnh vẫn giống như bây giờ, không có sự thay đổi”.

Trong không gian vùng đất Sa Huỳnh này, từ đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học người Pháp như M.Vinet, M.Colani, O.Jansee… đã đến khảo sát phát hiện và khai quật các khu mộ chum của cư dân tiền sử. Bà M.Colani lần đầu sử dụng thuật ngữ “Văn hóa Sa Huỳnh” để chỉ dạng văn hóa vật chất của cư dân tiền sử với đặc trưng táng tục mộ chum ở vùng Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), về sau thể hiện sự giao lưu lan tỏa không gian Văn hóa Sa Huỳnh.

6c29e5eddb6d0833517c-1692169371.jpg
Di tích khảo cổ học được khai quật và bảo vệ.

TS. Khôi cho biết: “Hiện nay xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt được khoanh vùng là các điểm cư trú, mộ táng cư dân Sa Huỳnh cổ như Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức, Đầm An Khê và Lạch An Khê - sông Cửa Lỗ. Một giai đoạn hậu Sa Huỳnh là cư dân Chămpa, đền tháp, bia ký Chămpa và làng sống của người Chămpa. Như vậy, toàn bộ không gian Văn hóa Sa Huỳnh gói gọn trong diện tích khá lớn”.

TS. Khôi chia sẻ trong di tích khảo cổ được công nhận và bảo vệ, cộng đồng dân cư phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh vẫn giữ nghề đánh bắt cá, chài lưới trên đầm An Khê và biển Sa Huỳnh, làm nông nghiệp, nghề làm gốm Phổ Khánh. “Không gian sống hiện nay tái hiện không gian sống cư dân Sa Huỳnh cổ, lớp thời gian như “màn kéo trên sân khấu”, không ngưng đọng mà phát triển. Mỗi cư dân tự mình trở thành điểm kết nối ra thế giới bên ngoài thông qua sinh kế cộng đồng mà họ đang có đã vô thức bảo tồn Văn hóa Sa Huỳnh giữ gìn nguyên vẹn đến ngày nay” - TS. Khôi nói.

Con đường chạm đến Di sản Thế giới

Nét hoang sơ và tính nguyên vẹn trong Văn hóa Sa Huỳnh được giữ gìn đến ngày nay đã trở thành yếu tố cốt lõi bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt.

Đáng chú ý, hồi tháng 3, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thống nhất chủ trương, đồng ý tổ chức làm việc giữa Cục Di sản văn hóa và Sở VH, TT&DL tỉnh Quảng Ngãi với sự tham gia các chuyên gia, nhà khoa học, buổi làm việc đã thảo luận nhiều vấn đề về bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn hóa Sa Huỳnh, trong đó tiến tới xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ông Bùi Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Qua các buổi làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề cập đến làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đây là cơ hội và sự cần thiết khẳng định giá trị độc đáo Di tích Văn hóa Sa Huỳnh ra thế giới”.

Từ năm 1909 đến nay, văn hóa Sa Huỳnh đã có hơn 100 năm phát hiện và nghiên cứu, vị trí nghiên cứu của văn hóa Sa Huỳnh trong không gian một nền văn hóa thời tiền sử của Việt Nam mang tầm khu vực và quốc tế.

dam-an-khe-1692169140.jpg
Đầm An Khê là hồ nước ngọt cạnh biển lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Phú Nhiêu

Trong các tiêu chí xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO thì đầm An Khê là tiêu chí cốt lõi. Đầm An Khê là hồ nước ngọt cạnh biển lớn nhất Việt Nam có diện tích tự nhiên 352ha, là không gian sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ, tiếp nối là cư dân Chămpa và sau này là Đại Việt, là không gian lịch sử, sinh thái văn hóa, nhân văn quý hiếm. Đầm An Khê và di tích xung quanh đầm như giếng Chămpa, Cầu Đá, Tháp Gò Đá… còn nguyên vẹn, chưa có sự tác động, thay đổi của con người.

Để làm được điều ý nghĩa này, trước tiên cần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, hiện nay đã có con đường du lịch từ Quốc lộ 1A đến Khu di tích Văn hóa Sa Huỳnh, thuận lợi tham quan du khách, kết nối địa điểm du lịch.

lang-go-co-20-nguyen-trang-1692169252.jpg
Làng Gò Cỏ còn giữ nguyên nét hoang sơ, nơi từng là không gian sống cư dân Sa Huỳnh cổ. Ảnh: Phú Nhiêu

Ông Bùi Văn Tiến cho biết: “Ngành VH, TT&DL của tỉnh Quảng Ngãi tích cực tăng cường công tác tuyên truyền trong và ngoài nước, quảng bá hình ảnh Sa Huỳnh qua phương tiện, xây dựng thước phim, tổ chức nhiều hoạt động như thả diều, ẩm thực, đặc sản quê hương Sa Huỳnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ lưu trú.

Ông nói: “Sở có định hướng phục dựng lại các lễ hội, đua thuyền truyền thống, hát bài chòi, trò chơi dân gian của cư dân Sa Huỳnh xưa. Bên cạnh đó tổ chức bảo tồn trùng tu các điểm di tích Văn hóa Sa Huỳnh, hiện tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương sửa chữa Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, định hướng nâng cấp và mở rộng Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, tôn tạo phục dựng 2 hố khai quật năm 1978 di tích Long Thạnh”.

Dự kiến, cuối năm 2023, Sở VH, TT&DL sẽ đề xuất tỉnh Quảng Ngãi về quy hoạch tổng thể không gian Văn hóa Sa Huỳnh với sự tham gia nhà tư vấn, thiết kế đủ tiềm năng để vừa phát triển và phát huy Di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Xác lập tổng thể quy hoạch là công việc cần thiết trong công tác bảo tồn và bảo vệ khu di tích.​

Phú Nhiêu
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.