Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể trên địa bàn huyện Tân Yên (Bắc Giang)

18/07/2023 10:50

Theo dõi trên

Hiện nay, huyện Tân Yên có hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú và đa dạng, bao gồm 431 di tích. Trong đó có: 131 đình, 125 chùa, 29 đền, 8 lăng mộ, 40 nghè, 19 nhà thờ họ, 12 nhà thờ đạo, 21 điếm, 24 miếu, 22 di tích khác, cùng với hơn 164 lễ hội.

di-tich-tai-tan-yen-1689635126-1689652212.jpg

Hàng năm, huyện Tân Yên luôn quan tâm khảo sát, lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xét, công nhận xếp hạng di tích, đồng thời chú trọng trùng tu, tôn tạo các di tích. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 06 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia nâng tổng số di tích xếp hạng trên địa bàn huyện lên 95 di tích và cụm di tích (trong đó có 15 di tích (12 cụm) Quốc gia đặc biệt nằm trong 23 di tích của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, 6 di tích xếp hạng quốc gia, 75 di tích xếp hạng cấp tỉnh).

Việc đầu tư kinh phí cho bảo tồn di tích được quan tâm. Trong giai đoạn 2016-2020, nhằm tiếp tục hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện đồng thời góp phần vào việc bảo vệ các di tích trên địa huyện, do vậy UBND huyện Tân Yên đã tham mưu HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 44/2015/NQ-HĐND, ngày 21/12/2015 về hỗ trợ thực hiện xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó huyện dành một phần ngân sách để hỗ trợ cho việc tu bổ tôn tạo di tích. Kết quả trong 05 năm (2016- 2020) toàn huyện tu sửa được 34 di tích với tổng kinh phí đầu tư trên 31 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đầu tư 700 triệu đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 2,6 tỷ đồng, nguồn XHH trên 26 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn rất nhiều các di tích khác bị xuống cấp nhưng các địa phương đã chủ động huy động nguồn vốn xã hội hóa để sửa chữa nhằm chống sự xuống cấp của di tích, các di tích này khi tiến hành tu bổ đều làm các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép mới được thực hiện.

Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong giai đoạn 2016-2020, UBND huyện Tân Yên đã chỉ đạo UBND xã Liên Chung tiến hành trùng tu lại đền Dành nhằm đưa địa điểm này trở thành khu du lịch trọng điểm của huyện Tân Yên với tổng nguồn kinh phí trên 4 tỷ đồng; phối hợp với Công an tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh tham mưu cho Bộ Công an hoàn thành xây dựng Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tại xã Nhã Nam với tổng số tiền đầu tư gần 100 tỷ đồng; phối hợp với Sở LĐTB&XH, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang triển khai, hoàn thành các hạng mục chính Đền thờ liệt sĩ huyện Tân Yên với tổng mức đầu tư trên 25 tỷ đồng; tham mưu xây dựng quy hoạch chi tiết Đồi Văn hóa kháng chiến, xã Quang Tiến tỷ lệ 1/500 với tổng số tiền 693 triệu đồng... Những địa điểm này hứa hẹn sẽ là điểm du lịch văn hóa – tâm linh hấp dẫn trong tương lai đồng thời sẽ góp phần tích cực tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về mảnh đất và con người Tân Yên.

Nhìn chung, công tác tổ chức triển khai thực hiện việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được huyện và cơ sở quan tâm, tính đến năm 2020 có 100% di tích xếp hạng trên địa bàn được khoanh vùng bảo vệ, riêng 12 di tích cấp Quốc gia được cắm mốc giới và được quy hoạch chi tiết theo chương trình của Trung ương, tỉnh; 68/95 di tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 100% các di tích tu bổ tôn tạo được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Phụng Thiên
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể trên địa bàn huyện Tân Yên (Bắc Giang)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.